Bên cạnh đó, rau má là một vị thuốc Nam phổ biến - một vị thuốc mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc.Trong dân gian Rau má được dùng để chữa một số chứng bệnh thông thường rất hiệu nghiệm.
Theo các sách thuốc cổ như: Bản thảo cương mục, Dược tính luận, Nam dược thần hiệu, rau má có vị đắng, tính hàn, vào 3 kinh can, tỳ và thận, có công dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu thũng giải độc, dùng chữa các chứng tiết tả mùa hè, bệnh lỵ, vàng da do thấp nhiệt, sỏi đường tiết niệu, bỏng, khái huyết, thổ huyết đau mắt đỏ dị ứng mẩn ngứa…
Dược lý học hiện đại nghiên cứu cho thấy: rau má có chứa glucorit như asiaticoside cenlelloside các saponin như Brahmic axit, madasiatic axit và một số chất khác như carotrnoids, meso… insositol.
Nghiên cứu thực nghiệm trên chuột bạch, chuột cống, các nhà khoa học nhận thấy rau má có tác dụng trấn tĩnh, an thần thông qua cơ chế tác động trực tiếp lên hệ thống thần kinh trung ương.
Rau má có tác dụng điều trị các vết ở da và niêm mạc là do các saponin chứa trong dịch chiết có tác dụng kích thích quá trình sinh trưởng của tế bào da, làm tăng sinh mạng lưới huyết quản của tổ chức liên kết giúp cho các mô tái tạo nhanh chóng khiến vết thương mau lành.
Kết quả này thu được từ những nghiên cứu dùng dịch rau má tiêm (chích) bắp hoặc dưới da cho các động vật thí nghiệm như chuột, thỏ.
Mặt khác, rau má còn có tác dụng kháng khuẩn rõ rệt, làm giảm trương lực cơ trơn ở ruột (chống co thắt), hưng phấn nhẹ hô hấp và hạ huyết áp. Trên lâm sàng, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy bột rau má khô uống với liều 3 lần trong một ngày, mỗi lần 5 - 7g có tác dụng giảm đau khá tốt.
Trong dân gian, rau má được dùng để chữa một số bệnh:
- Vàng da do thấp nhiệt: rau má 30 - 40g, đường phèn 30g sắc uống.
- Đi lỏng do trúng thực: rau má 30g sắc với nước vo gạo uống hàng ngày.
- Đái ra máu: rau má và ích mẫu thảo mỗi thứ một nắm rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống.
- Táo bón: rau má 30g giã nát đắp rốn.
- Bệnh sởi: rau má 30 - 40g sắc uống.
- Ápxe vú giai đoạn đầu: rau má tươi 30 - 70g sắc uống hoặc giã nát ép lấy nước uống.
- Giải ngộ độc thuốc và thực phẩm: rau má tươi giã nát ép lấy nước uống (có thể thêm một chút đường phèn).
- Hành kinh đau bụng đau lưng: rau má khô tán bột mỗi ngày uống 2 thìa cà phê gạt ngang.
- Giải nhiệt, trị rôm sẩy, mẩn ngứa, mát gan, lợi tiểu: rau má tươi 30 - 100g rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống hàng ngày hoặc dùng máy xay sinh tố xay nát rồi hoà đường uống.
- Ho do cảm phong nhiệt (thanh phế nhiệt): rau má, xạ can, lá hẹ. Nấu nước uống.
- Đối với bệnh nhân viêm gan virus cấp tính dùng 150g rau má tươi sắc với 500ml nước cô còn 250ml, pha thêm đường phèn chia uống 2 lần trong ngày khi đói bụng. Ngoài ra rau má còn được dùng điều trị các bệnh nhiễm khuẩn màng não - tủy.
- Trị trúng nắng, với tác dụng thanh thử: rau má, củ sắn dây, hương nhu. Nấu nước uống.
Rau má là 1 trong 10 vị thuốc của toa căn bản gồm: lợi tiểu: rễ tranh; nhuận gan: lá rau má; nhuận tràng: muồng trâu; nhuận huyết: cỏ mực; giải độc cơ thể: cỏ mần trầu, cam thảo đất, ké đầu ngựa; kích thích tiêu thực: gừng, củ sả, vỏ quít, trong đó lá rau má có tác dụng nhuận gan.
Ở nước ta rau má mới chỉ được nghiên cứu trong điều trị các bệnh lý ngoài da, đặc biệt là bỏng.
Theo cổ nhân, rau má có tính lạnh nên những người hư hàn không nên dùng thường xuyên.