Rau cải cúc có tên khoa học Glebionis coronaria, thuộc họ cúc (Asteraceae). Do sở hữu bề ngoài giống với hoa cúc dại, nên loại rau này thường được biết tới với nhiều tên gọi như cải cúc, rau cúc, rau ngải…
"Rau Hoàng đế" được cả Trung y và Tây y ca ngợi
Cải cúc tuy sở hữu ngoại hình không bắt mắt, nhưng hàm lượng dinh dưỡng lại vô cùng phong phú.
Trung y cho rằng, cải cúc có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, có mùi thơm, tính mát, được xem như một loại rau giúp khai vị, chủ trị biếng ăn, tiêu đờm, tán phong nhiệt, trợ tiêu hóa.
Theo các nghiên cứu dinh dưỡng của y học hiện đại, cải cúc đặc biệt giàu dinh dưỡng, chứa tới 1,85% protid, 2,57% glucid, 0,43% lipid và nhiều vitamin A, B, C… cùng các khoáng chất khác.
Đặc biệt, loại "rau Hoàng đế này" còn sở hữu hàm lượng carotene cao gấp 15 – 20 lần so với dưa chuột, cà tím; hàm lượng lượng canxi gấp 2 lần so với dưa hấu, dưa chuột và gấp 6 lần so với cà chua.
Bên cạnh đó, hàm lượng lớn kali và muối khoáng trong loại rau này còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết trao đổi chất trong cơ thể, đồng thời lợi tiểu, tiêu giảm phù nề.
Chất xơ thô của cải cúc làm tăng cường co bóp dạ dày, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và giảm lượng cholesterol. Món ăn chế biến từ loại rau này còn có tác dụng tăng cường chuyển hóa protein giúp phân hủy chất béo.
Sở hữu hàm lượng dinh dưỡng vượt trội chính là lý do khiến cải cúc được mệnh danh là "rau Hoàng đế". (Ảnh: nguồn internet).
Món ăn thơm ngon - vị thuốc bổ dưỡng
Cải cúc vừa có được sự thanh mát của cải cùng hương vị thơm ngọt của cúc. Chế biến loại rau này cùng thịt, trứng sẽ tăng cường hàm lượng vitamin A.
Một trong những yếu tố làm nên vị trí "Hoàng đế" của rau cải cúc chính là hương vị thơm ngon và dễ hấp thu đối với cơ thể. Bởi vậy, món rau này càng thích hợp với người cao tuổi, trẻ em đang trong độ tuổi phát triển và những người có hệ tiêu hóa kém.
Đối với những người tiêu hóa kém, món canh cải hay salad cải cúc chính là sự lựa chọn tối ưu nhất. Cải cúc chần qua, trộn cùng dầu mè, muối, bột ngọt sẽ có hương vị rất ngon miệng, đặc biệt thích hợp với người có tiền sử bệnh tim và cao huyết áp.
Loại rau này còn là nguyên liệu quen thuộc trong các bài thuốc dân gian điều trị ho khan. Bên cạnh đó, nước ép cải cúc còn có tác dụng hạ huyết áp và trị váng đầu.
Món lẩu có thêm thành phần cải cúc không chỉ thêm phần ngon miệng mà còn giúp cơ thể dễ dàng hấp thu các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, cải cúc rất dễ nấu chín, ta không nên nấu loại rau này quá lâu để tránh mất chất dinh dưỡng.
Không chỉ là món ăn quen thuộc trên mâm cơm của nhiều gia đình, cải cúc còn là một vị thuốc tuyệt vời điều trị và phòng ngừa nhiều bệnh. (Ảnh: nguồn internet).
Cách dùng cải cúc trị bệnh mùa đông
- Nước cải cúc trị ho ở trẻ nhỏ
Nguyên liệu: 20g lá cải cúc, mật ong
Cách làm: Đem lá cải cúc rửa sạch, thái nhỏ, thêm chút mật ong rồi cho vào nồi hấp cách thủy và lấy nước để uống trong ngày.
Công dụng: Chủ trị ho lâu ngày ở trẻ nhỏ, tán phong nhiệt, hỗ trợ điều trị đau mắt…
- Canh cải cúc phổi heo chữa ho ở người lớn
Nguyên liệu: 150g cải cúc, 200g phổi heo, gia vị.
Cách làm: Lấy cải cúc nấu canh cùng phổi heo, nêm nếm gia vị sao cho vừa miệng. Dùng liên tục 3 – 4 ngày đối với một liệu trình.
Công dụng: Chủ trị ho khan, ho có đờm, ho lâu ngày ở người lớn.
Cải cúc có thể dễ dàng kết hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau và chế biến thành những món ăn vừa thơm ngon vừa có công dụng chữa bệnh. (Ảnh minh họa).
- Cải cúc nấu với đầu cá mè giúp làm ấm cơ thể
Nguyên liệu: 1/2kg cải cúc, 1 đầu cá mè, rượu, gừng, gia vị.
Cách làm: Đầu cá mè rửa sạch, rán cho vàng thơm, cho gừng vào đảo đều rồi tưới rượu lên và lượng nước vừa đủ, hầm chín. Cho cải cúc vào nồi, nấu sôi, nêm nếm gia vị sao cho vừa miệng.
Công dụng: Ôn trung, tán hàn, chữa ho đờm, trị nhức đầu, thanh trừ hàn khí và làm ấm cơ thể.
*Theo Health Huanqiu