Rau dền lá lớn màu đỏ tía gọi là dền tía. Dền lá bé có màu xanh gọi là dền cơm và dền mọc hoang gọi dền gai.
Rau dền tía
Rau dền tía vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt lương huyết, lợi tiểu, sát trùng, trị nọc ong, rắn rết, dị ứng mẩn ngứa, kiết lỵ, viêm gan vàng da. Chữa bệnh hậu sản (Nam dược thần hiệu – Tuệ Tĩnh).
Phụ nữ sau sinh, cơ thể nóng, táo bón, háo khát: Lá dền tía, luộc, lấy nước nấu cháo, ăn vài lần trong tuần.
Trị phát ban ở thời kỳ đầu: Rau dền tía 8g; sài hồ nam, rau má, cỏ mần trầu, kinh giới, cam thảo nam mỗi thứ 8g, bạc hà 4g. Sắc uống ngày 3 lần, uống trước bữa ăn.
Rau dền cơm
Dền cơm làm rau ăn, luộc, xào, nấu canh ngọt hơn dền tía. Hạt dền cơm có vị ngọt tính lạnh. Làm thuốc công dụng lợi tiểu, chữa viêm bàng quang…
Mát gan, trừ phong nhiệt, chữa mắt kém: Hạt dền (tán bột) uống với nước sắc thảo quyết minh 12g.
Thuốc lợi niệu, nhuận tràng, trừ giun: Hạt dền 20g sắc uống.
Rau dền gai
Rau dền gai mọc hoang. Có người thích dền gai này do tính tự nhiên, thiên nhiên hoang dã.
Lợi tiểu, chữa cảm sốt: Lá dền gai, giã nát, thêm nước, lọc nước uống. Bã đắp trị bệnh ngoài da.
Chữa bỏng nhẹ, sưng đau khớp, thúc nhọt mưng mủ, côn trùng cắn, lở ngứa: Lá dền gai giã nát đắp, cố định bằng gạc, băng dính.
Chữa bạch đới, khí hư: Rễ dền gai 20g, lá bạc thau 16g phơi khô thái nhỏ sắc với 400ml nước, sắc còn 100ml. Chia 2 lần. Uống trong ngày.
Chữa kiết lỵ ra máu: Rễ dền gai 20g, lá huyết dụ 12g, lá trắc bá 8g, hoa hòe 4g. Tất cả thái nhỏ, sao vàng, sắc uống.
Gia giảm: Dùng thêm cỏ nhọ nồi 8g, hoa hòe 4g. Tất cả thái nhỏ sao vàng, sắc uống.
Ngoài ra còn có rau dền dầu, trồng ở vùng cao phía Bắc nước ta. Hạt ép dầu ăn. Ngọn và lá non làm rau xanh. Rau dền nói chung chú ý tính mát của chúng dễ gây tiêu chảy, nhất là dền tía.
Ngày nay, rau dền có mặt ngày càng nhiều trên các cánh đồng hàng trăm hecta. Với phương thức canh tác riêng của mỗi nơi, đã có nhiều giống dền có màu lá thay đổi khác nhau. Hàng nghìn điền chủ trồng cây dền ở Mỹ. Ở Mỹ, rau dền là một trong những loại thức ăn kiêng thông dụng.