Rất nhiều bài hát được bật lên nhưng đây mới là ca khúc nghe đã nhất khi U23 VN thắng lợi

Long Phạm |

Rất nhiều ca khúc hay được bật lên để chào mừng U23 Việt Nam, nhưng chỉ bài hát này mới hào hùng và toàn vẹn khí chất nhất với các người hùng sân cỏ.

Ngày đón mừng đội tuyển U23 Việt Nam trở về trong chiến thắng, người ta đã bật lên nhiều ca khúc để chúc tụng. Bài hát nào cũng ý nghĩa và đong đầy cảm xúc, như Niềm tin chiến thắng, Việt Nam ơi…

Tuy nhiên, công chúng đã quên mất bài hát kinh điển One moment in time. Đây thực sự là khúc khải hoàn ca hội tụ đủ khí chất hùng tráng và sử thi của cả thời đại, thể hiện rõ tầm vóc của các chàng trai U23.

Rất nhiều bài hát được bật lên nhưng đây mới là ca khúc nghe đã nhất khi U23 VN thắng lợi - Ảnh 1.

One moment in time (Một lần trong đời) là ca khúc chủ đề của Thế vận hội Mùa hè 1988 tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc. Nó được sáng tác bởi hai nhà soạn nhạc  Albert Hammond và John Bettis, lấy cảm hứng từ hình ảnh vượt thời gian của huyền thoại Elvis Presley.

Phần ca từ của One moment in time vô cùng ý nghĩa và giàu giá trị nhân văn, thể hiện rõ tinh thần "thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm".

Tuy hướng tới chủ đề thể thao, nhưng One moment in time thích hợp hơn cả với bóng đá, vì nó đề cao lối chơi đẹp, trung thực.

Nó đề cao khát khao sống, nghị lực vươn lên trong mỗi con người, sẵn sàng vượt qua nghịch cảnh, khó khăn đề được chiến đấu, cống hiến hết mình. Dù đau đớn, gục ngã như thế nào, chúng ta vẫn sẽ đứng lên để vượt qua số phấn, giành lấy chiến thắng.

Rất nhiều bài hát được bật lên nhưng đây mới là ca khúc nghe đã nhất khi U23 VN thắng lợi - Ảnh 2.

Mỗi người chỉ sống một lần trong đời, nên hãy sống sao cho thật ý nghĩa và biết nắm bắt lấy những khoảnh khắc quý giá đến với mình. Đó chính là bài học mà One moment in time gửi tới người nghe.

"Mỗi ngày tôi sống

Tôi đều muốn là ngày được cống hiến hết mình

Tôi chỉ có một mình, nhưng không hề đơn độc

Ngày tươi sáng chẳng biết bao giờ tới

Còn mỗi thành công lại phải qua đau đớn

Để nếm vị ngọt, phải có niềm đau

Tôi tiến lên nhưng lại gục ngã

Để thành một phần kí ức trong tôi

Tôi muốn một lần trong đời

Được vượt xa những gì tôi nghĩ

Khi mọi giấc mơ tôi ấp ủ

Chỉ cách tôi một nhịp đập nữa thôi

Khi đó, mọi câu trả lời đều nằm ở chính tôi

Hãy cho tôi một phút giây trong cuộc đời này

Để tôi được chạy đua cùng định mệnh

Để trong khoảnh khắc tuyệt vời ấy

Tôi sẽ là vĩnh hằng bất bại

Tôi sẽ được tự do mãi mãi"


Rất nhiều bài hát được bật lên nhưng đây mới là ca khúc nghe đã nhất khi U23 VN thắng lợi - Ảnh 3.

Tổng phổ ca khúc One moment in time

Với nội dung ca từ rộng lớn như vậy, One moment in time hiển nhiên phải đi cùng những giai điệu hùng tráng, mang âm hưởng sử thi. Bởi vậy, đây là ca khúc thể thao hiếm hoi sử dụng tới cả dàn giao hưởng đồ sộ để hòa âm, bao gồm piano, trống trầm, trống lớn, cello, contrabass và hàng chục violin, viola.

Mỗi lần ca khúc này được biểu diễn, nhất thiết phải có một nhạc trưởng điều khiển, vì nó đòi hỏi sự phức tạp, uy lực lớn không thua kém gì dàn nhạc cổ điển.

Chính vì thế, hai nhà soạn nhạc Albert Hammond và John Bettis đã khá đau đầu khi chọn ca sĩ thể hiện One moment in time. Đó phải là một giọng hát lớn, dày, đủ uy lực và chất kịch tính để tải được những đoạn cao trào của ca khúc.

 Nhưng nó cũng phải có sự ấm áp, ngọt ngào để thủ thỉ, tâm sự cùng người nghe trên những đoạn nhẹ nhàng, trữ tình. Đa số các ca sĩ lúc đó đều thiếu một trong hai điều kiện trên.

Sau một hồi suy nghĩ, họ quyết định mời Whitney Houston tới hát. Và thật tuyệt vời, nữ ca sĩ đã hoàn thành vượt cả mong đợi của họ.

Không chỉ thực hiện trọn vẹn tổng phổ, Whitney còn xử lí giai điệu rất sáng tạo, tinh tế bằng khả năng cảm nhạc trời phú của mình.

Khi bước vào phòng thu, Whitney nói rõ với nhà sản xuất: "Tôi chỉ muốn thu một lần thôi. Tôi không có thói quen thu đi thu lại nhiều lần".

Đúng như lời nói đó, Whitney chỉ cần một lần thu để hoàn thành cả một bài tráng ca, mà không hề có lỗi nào xảy ra. Đây là điều khó tưởng với những ca sĩ khác.

Vốn là ca khúc có giai điệu hào hùng, nên Whitney phải xử lí sao cho nó không quá ngồn ngộn, gây mệt tai người nghe. Một trong những bí quyết được cô sử dụng nhả chữ soft voice trên head voice.

Hãy để ý các chữ "be" (0:19), "give" (0:22), "gain" (0:43), "sweet" (0:46), "remains" (0:58), "be" (1:12), "beat" (1:18), "feel" (1:45), "feel" (1:48), "be" (3:40), "beat" (3:48), "time" (4:00). Chúng ta sẽ thấy, dù khúc tráng ca này khá "xôi thịt", hùng tráng với nhiều đoạn khoe giọng, nhưng vẫn rất mềm, êm, tình cảm. 

Đặc biệt chú ý vào chữ "be" (1:12), khi Whitney đang vibrato trên chest voice bỗng chuyển nhanh sang head vuốt nhỏ (piano) khiến câu hát vừa mạnh mẽ lại vừa mềm mại.

Rất nhiều bài hát được bật lên nhưng đây mới là ca khúc nghe đã nhất khi U23 VN thắng lợi - Ảnh 4.

Bìa đĩa single One moment in time

Và ngay ở đoạn điệp khúc cao trào nhất, dù đang tung những cú belt mạnh mẽ, Whitney vẫn không quên nhả head thật nhỏ trên "be" (3:40), "beat" (3:48) để làm mềm câu hát, khiến nó vừa cương vừa nhu. Khán giả dù đang chìm trong bão cảm xúc vẫn được chăm sóc thính giác để thư giãn, thoải mái. Đó là điều làm Whitney khác với các ca sĩ da màu có giọng khỏe hơn cô.

Không những vậy, ở từng chữ được hát ra, Whitney cũng đều xử lí rất cảm xúc, tinh tế, từ cách nhấn nhá, ngắt nghỉ tới đưa đẩy, bỏ nhỏ. Nó tạo cho người nghe nhiều cung bậc cảm xúc, từ trễ nải, lả lơi tới quyết tâm, khí thế… chứ không đơn giản chỉ là sự hào hùng.

Bản thu âm 

Tuyệt vời nhất chính là hai cú belt kéo dài note kết C#5 ở chữ "free" cuối bài hát. Âm đóng /i/ vốn khó hát, nhưng vào tay Whitney lại trở nên thoải mái và cộng hưởng vang dội.

Cách chọn vị trí âm thanh và breath supported của cô khiến chuỗi note này trở nên kịch tính, hào hùng nhưng vẫn sáng rỡ, đẹp nguy nga. Cùng với dàn nhạc đang kịch điểm, nó kéo dài đến bất tận và mở tung ra, như giấc mơ được thắp lên mãi mãi, tôn vinh chiến thắng trường tồn.

Note C#5 này được đánh giá là không thua kém gì C#5 của các giọng nam opera bậc thầy nhất, kể cả Pavarotti hay Domingo.

Điểm đắt giá nhất của One moment in time nằm ở những đoạn belt cao trào từ C#5 tới Eb5, trên các chữ "time" (C#5), "make it shine" (D5), "destiny" (Eb5), "I will free" (C#5). Tuy quãng âm không quá cao với giọng nữ, nhưng nó đòi hỏi sự lộng lẫy, tráng lệ và sử thi nhất mực, để thể hiện quyết tâm vượt qua số phận, giành lấy chiến thắng và tự do.

Chỉ Whitney Houston mới làm được những kì tích này. Không chỉ sở hữu âm sắc đẹp lộng lẫy, sáng rực như ánh mặt trời, cô còn đạt tới độ rền tối ưu khi cộng hưởng vị trí âm thanh vùng xoang mặt, tạo nên những tiếng nổ lớn, như cơn bão của niềm tin và hi vọng được bùng lên.

Rất nhiều bài hát được bật lên nhưng đây mới là ca khúc nghe đã nhất khi U23 VN thắng lợi - Ảnh 6.

Biểu tượng của Thế vận hội trong One moment in time

Chỉ cần nghe tới đoạn cao trào của One moment in time, dù buồn phiền, tuyệt vọng tới đâu, người nghe cũng phấn chấn hơn rất nhiều và như được thôi thúc phải quyết tâm, chiến đấu vì sự sinh tồn, vận mệnh của chính mình vậy.

Trong màn live ở Grammy 1989, Whitney đã tạo nên khoảnh khắc của lịch sử âm nhạc, khi cô hát đoạn điệp khúc với những note belt D5 đẹp tuyệt đối. Nó đẹp và hùng tráng tới mức, bản thân Whitney và tất cả những ca sĩ khác sau này đều không thể làm lại.

Whitney Houston và màn trình diễn lịch sử tại Grammy 1989 với ca khuc One moment in time. 

Đây là một trong ba màn trình diễn hay nhất lịch sử Grammy. Chính nhờ màn live này, Whitney đã trở thành ca sĩ đại chúng đầu tiên được gọi là Diva. Danh hiệu The Voice cũng ra đời từ đây.

Rất nhiều bài hát được bật lên nhưng đây mới là ca khúc nghe đã nhất khi U23 VN thắng lợi - Ảnh 8.

Whitney Houston và khoảnh khắc lịch sử khi trình diễn tại Grammy 1989, với những cú belt cao trào C#5, D5 không ai có thể làm được

Dù không phải một ca khúc thương mại, nhưng One moment in time vẫn đạt nhiều thành tích đáng kể như đứng thứ 5 tai Mỹ, thứ nhất tại Đức, Anh và bán được hơn 2 triệu bản trên toàn thế giới. Đây là những kỉ lục lớn với một ca khúc dành riêng cho thể thao.

Chú thích thuật ngữ thanh nhạc:
- Note trầm: C3/C#3, D3/D#3, E3, F3/F#3, G3/G#3, A3/A#3, B3.
- Note trung: C4/C#4, D4/D#4, E4, F4/F#4, G4/G#4, A4/A#4, B4.
- Note cao: C5/C#5, D5/D#5, E5, F5/F#5, G5/G#5, A5/A#5, B5.
- Note rất cao: C6/C#6, D6/D#6, F6/F#6, G6/G#6, A6/A#6, B6.
- Mixed voice: Hát pha giữa chest voice và head voice. Trong mixed voice có full mixed (hát pha toàn giọng) và light mixed (hát pha nửa giọng).
- Vibrato: Ngân rung.
- Piano: Kĩ thuật hát nhỏ giọng vừa phải.
- Airy voice: Âm hơi.
- Full lirico soprano: Nữ cao đầy đặn.
- Falsetto: Giọng gió.
- Head voice: Giọng đầu.
- Chest voice: Giọng ngực.
- Support: Hỗ trợ các vị trí âm thanh và kĩ thuật trong ca hát.
- Strain: Hát căng thẳng.
- Cadenza: Biến tấu hoa mĩ không có trong tổng phổ gốc.
- Staccato: Hát ngắt.
- Trillo: Rung láy.
- Legato: Hát liền giọng.
- Pianissimo: Vuốt nhỏ tiếng.
- Voice project: Phóng âm.
- Diminuendo: Hát nhỏ đột ngột.
- Mask resonance: Cộng hưởng độ vang ở vùng mặt.
- Head resonance: Cộng hưởng độ vang ở vùng đầu trán.
- Throaty: Hát dính cổ
- High larynx: Cao thanh quản.
- Melisma: Luyến láy trên nhiều cao độ khác nhau (thường là từ cao xuống thấp).
- Run/riff: Chạy note phức tạp.
- Glissando: Hát vuốt tốc độ nhanh.

- Phân loại giọng theo ngũ cung: Giọng thổ, giọng thủy, giọng hỏa, giọng mộc, giọng kim.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại