BPS-500 là dự án hợp tác đóng tàu quân sự giữa Nga và Việt Nam, trong đó đại diện phía Nga là Cục thiết kế phương Bắc (SPKB). Chiếc tàu tên lửa tấn công nhanh BPS-500 được nhà máy đóng tàu Ba Son đóng hoàn chỉnh, hạ thủy và chạy thử trên biển vào tháng 3/1999.
Chiếc tàu tên lửa này có chiều dài 62 m, chiều rộng 11 m, lượng giãn nước toàn tải 520 tấn, mang trong mình nhiều tư duy thiết kế tiên tiến như hình dáng góc cạnh nhằm giảm diện tích phản xạ radar; trang bị hệ thống đẩy phản lực nước giúp hoạt động tốt hơn tại những vùng nước nông, bãi cạn, đảo chìm mà tàu dùng chân vịt rất khó hoặc không thể tiếp cận.
Hệ thống vũ khí trang bị của BPS-500 khá mạnh với 8 tên lửa hành trình chống hạm 3M-24 Uran-E; pháo hạm AK-176M cỡ 76,2 mm; pháo phòng không bắn nhanh AK-630M cỡ 30 mm; giá phóng tên lửa vác vai Igla SA-16; đi kèm radar trinh sát MR-352 Pozitiv-E và radar điều khiển hỏa lực pháo MR-123 Vympel... nhưng đáng tiếc là chỉ có duy nhất 1 chiếc hoàn thành.
Tàu hộ vệ tên lửa BPS-500 số hiệu 381 - Chiếc duy nhất thuộc lớp. Ảnh: Báo Hải quân Việt Nam.
Đầu năm 2014 xuất hiện thông tin cho biết, Cục thiết kế phương Bắc của Nga đã bắt đầu công việc tham gia hỗ trợ kỹ thuật trong sửa chữa tái tạo và nâng cấp chiếc tàu tên lửa tấn công nhanh BPS-500 duy nhất cho Hải quân Việt Nam, thông tin này đã được xác nhận trong báo cáo tài chính năm 2013 của công ty.
Sau đó đến tháng 5/2016, con tàu đã thực hiện hành trình dài hơn 1.000 hải lý tới Brunei tham gia cuộc Diễn tập thực địa ADMM+ về an ninh hàng hải và chống khủng bố 2016.
Tấm ảnh chụp trước khi xuất phát cho thấy BPS-500 không có bất cứ một thay đổi nào so với trước kia, nhiều khả năng là chiếc chiến hạm này đã được sửa chữa, lắp đặt hệ thống điện tử và kiểm soát hỏa lực mới, giúp nó có thể bắn tên lửa Uran-E tốt hơn trong khi đang chạy.
Tàu 381 lớp BPS-500 bắn tên lửa chống hạm Uran-E trong tư thế vận động trên biển. Ảnh: Truyền hình Hải quân.
Mới đây nhất, trong một phóng sự đăng tải trên Kênh truyền hình Hải quân tháng 2/2018, đã xuất hiện hình ảnh chiếc BPS-500 phóng tên lửa 3M-24 Uran-E trong cuộc diễn tập bắn đạn thật. Chi tiết đáng chú ý nhất chính là con tàu khi đó đang ở trong tư thế vận động, mặc dù tốc độ không cao nhưng có thể thấy chức năng chiến đấu của nó khá hoàn chỉnh.
Như vậy, tàu tên lửa tấn công nhanh BPS-500 đã có thể kết hợp hiệu quả cùng Molniya 1241.8, Molniya 1241.RE, tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 hay một số lớp tàu pháo khác tạo thành biên đội tác chiến mạnh trên mặt biển.
Xem video Tàu 381 lớp BPS-500 bắn tên lửa chống hạm 3M-24 Uran-E trong phóng sự của Truyền hình Hải quân số tháng 2 năm 2018 (phút 5'16).
Truyền hình Hải quân số tháng 2 năm 2018