Rào cản lớn nhất đối với cuộc phản công của Ukraine

Công Thuận |

Cuộc tấn công của Ukraine khi đối mặt với các bãi mìn đã làm lộ ra lỗ hổng của xe bọc thép và xe tăng, đặc biệt là xe chiến đấu Bradley mới được sản xuất của Mỹ và xe tăng chiến đấu Leopard của Đức.

Rào cản lớn nhất đối với cuộc phản công của Ukraine - Ảnh 1.

Một binh sĩ Ukraine ngồi trong chiến hào ở tiền tuyến gần Bakhmut, vùng Donetsk ngày 4/7/2023. Ảnh: AP

Theo tờ Pravda của Ukraine (pravda.com.ua) ngày 16/7, cuộc phản công của Kiev đang tiến triển chậm, vì các khu vực phía trước các công sự phòng thủ của Nga được rải mìn dày đặc. Vào đêm trước cuộc phản công, Ukraine đã nhận được chưa đến 15% thiết bị kỹ thuật và xử lý bom mìn mà họ đã đề nghị từ các đối tác phương Tây.

Pravda dẫn nhận định của tờ The Washington Post (Mỹ) giải thích: "Việc chuẩn bị, tích lũy lâu dài cho cuộc phản công, bắt đầu khoảng một tháng trước trên nhiều khu vực của chiến trường ở phía Đông và phía Nam của Ukraine, đã tạo điều kiện cho các lực Nga có thời gian để chuẩn bị".

Các binh sĩ Ukraine tham gia cuộc phản công cho biết, nhiều khu vực có chiều sâu từ 5 đến 15 km phía trước tiền tuyến cũng như các cứ điểm chính của quân đội Nga đã được rải dày đặc mìn chống tăng, mìn sát thương và dây thép gai. Theo họ, do có rất ít hệ thống rà phá bom mìn nên họ trở thành mục tiêu dễ dàng trước các lực lượng Nga.

Kết quả là các lực lượng của Ukraine buộc phải thay đổi chiến thuật. Thay vì nỗ lực đột phá bằng các phương tiện chiến đấu bộ binh và xe tăng chiến đấu mà các nước phương Tây cung cấp, các đơn vị của Ukraine đang tiến lên một cách chậm chạp.

Washington Post lưu ý rằng cuộc tấn công của Ukraine khi đối mặt với các bãi mìn đã làm lộ ra lỗ hổng của xe bọc thép và xe tăng, đặc biệt là xe chiến đấu Bradley mới được sản xuất của Mỹ và xe tăng chiến đấu Leopard của Đức.

"Các phương tiện chiến đấu này đã nhận được lời khen ngợi từ các binh sĩ Ukraine - ngay cả sau khi bị trúng mìn, vì hầu hết những người bên trong chỉ bị thương nhẹ - nhưng chúng không thể xuyên thủng hàng phòng thủ của Nga", Washington Post viết.

Về phần mình, Valerii Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, nói rằng quân đội Ukraine cần thiết bị rà phá bom mìn từ xa đặc biệt. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Zaluzhnyi cho biết Ukraine sử dụng các hệ thống rà phá bom mìn M58 Mine Clearing Line Charge (MICLIC) do Mỹ cung cấp, nhưng chúng cũng đang bị phá hủy và do đó Ukraine cần rất nhiều hệ thống như vậy.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Ukraine chia sẻ rằng Kiev đã nhận được chưa đầy 15% số lượng thiết bị rà phá bom mìn và thiết bị kỹ thuật, bao gồm cả MICLIC, mà họ đã đề nghị từ các đối tác phương Tây trước cuộc phản công. Một số thiết bị này mới đến vào tuần trước.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov và cả ông Zaluzhnyi đều cho biết thêm rằng họ đã thông báo cho các đối tác phương Tây rằng Kiev cần khẩn cấp thêm các hệ thống rà phá bom mìn, chẳng hạn như bộc phá dạng ống Bangalore.

Ngược lại, các quan chức Mỹ nói rằng họ đã cung cấp cho Ukraine gần như tất cả các thiết bị mà Kiev đề nghị trước cuộc phản công, đồng thời lưu ý rằng không phải lúc nào cũng có thể cung cấp đủ số lượng mà Ukraine yêu cầu, nhưng nhấn mạnh: đặc biệt đối với các hệ thống MICLIC, Washington đang nỗ lực cung cấp nhiều hơn trong thời gian sớm nhất.

Các quan chức Mỹ cũng tiết lộ rằng quyết định của Mỹ cung cấp cho Ukraine các loại bom, đạn chùm gây tranh cãi sẽ mang lại cho Kiev lợi thế về hỏa lực, cho phép quân đội Ukraine có đủ thời gian và không gian để sử dụng các thiết bị kỹ thuật hiện có.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại