Theo tờ South China Morning Post, một đăng tải mới đây trên Taobao rao bán đấu giá 12,6 triệu cổ phần tại ngân hàng cho vay trực tuyến WeBank với giá từ 441 triệu Nhân dân tệ (64 triệu USD), tương đương 35 Nhân dân tệ/cổ phần.
Số cổ phần này được rao bán sau phán quyết của Tòa án trung cấp số 1 Thượng Hải đưa ra vào cuối tuần trước đối với Tập đoàn dầu khí Brightoil Thâm Quyến liên quan tới khoản nợ chưa hoàn trả cho Ngân hàng Ping An.
Brightoil Petroleum là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại WeBank. Ngân hàng cho vay trực tuyến WeBank, cũng nhận được đầu tư từ Tencent, có doanh thu 1,4 tỷ Nhân dân tệ (202 triệu USD) trong năm ngoái.
Người mua được yêu cầu đặt cọc 44,1 triệu Nhân dân tệ (6,4 triệu USD) để tham gia đấu giá - bắt đầu vào ngày 3/12 tới.
Việc rao bán các tài sản tịch thu là biện pháp được thực hiện theo phán quyết hoặc dưới sự giám sát từ tòa án, thông qua đơn vị đấu giá thuộc bên thứ ba và phí đấu giá do người mua trả.
Việc rao bán đấu giá trực tuyến được xem là một sáng kiến đối với khu vực dịch vụ công của Trung Quốc, phù hợp với chiến lược "Internet Plus" của Bắc Kinh nhằm đưa internet, điện toán đám mây và dữ liệu lớn vào các ngành truyền thống.
Theo hãng thông tấn Xinhua, tính đến tháng 11 năm ngoái, đã có tổng cộng 610.000 cuộc đấu giá tài sản tịch thu liên quan tới 330.000 vụ việc được thực hiện trên sàn Taobao, tiết kiệm được hơn 13,8 tỷ Nhân dân tệ (1,99 tỷ USD) phí đấu giá.
Tòa án nhân dân tối cao tỉnh Chiết Giang là đơn vị đầu tiên tiến hành đấu giá trực tuyến tài sản bị tịch thu vào năm 2012. Từ năm 2017, cách làm này được tất cả các tòa án tại Trung Quốc áp dụng. 5 sàn thương mại điện tử trực tuyến, gồm Taobao và JD.com, được ủy quyền để xử lý các thương vụ đấu giá kiểu này.
Sàn Taobao của Alibaba từng đấu giá nhiều tài sản bị tịch thu từ trang sức, nhà đất, trực thăng, cho tới cổ phần hay quyền sở hữu thương hiệu của công ty.