Răng số 8 có hay biến chứng? Khi nào biến chứng răng số 8 có thể gây tử vong?

Ngọc Anh |

Các bác sĩ tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương thường xuyên phải cấp cứu cho các trường hợp bị áp xe trung thất, áp xe họng dẫn đến ngạt thở do biến chứng từ răng số 8.

Tử vong vì biến chứng răng khôn

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tấn Văn tại khoa phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương cho biết, khoa thường xuyên tiếp nhận các trường hợp biến chứng do răng số 8 phải phẫu thuật gấp nếu không bệnh nhân có nguy cơ tử vong.

Lật lại hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân, bác sĩ Văn tâm sự, nhiều bệnh nhân tử vong do nhiễm trùng trung thất mà nguyên nhân từ áp xe vùng răng số 8 không được điều trị kịp thời.

Trường hợp bệnh nhân Vũ Thị T. (ngoại thành Hà Nội) nhập viện do sốt cao liên tục lên đến 40oC kèm theo rét run từng cơn, theo mạch nhanh, rối loạn nhịp tim. Bệnh nhân rối loạn chức năng ăn nhai, nuốt, chủ yếu do đau, có thể do sưng nề chèn đẩy các cơ quan trong miệng.

Đặc biệt, khi viêm tấy lan tỏa vùng dưới hàm xuống hai bên máng cảnh, tràn dịch - mủ vào trung thất gây khó thở kịch phát, viêm áp xe trong hốc mắt gây chèn đẩy nhãn cầu. Bệnh nhân đến viện quá muộn nên bác sĩ cũng bó tay.

Theo các bác sĩ, vùng hàm mặt có hệ thống mạch máu, thần kinh nuôi dưỡng phong phú, khi bị viêm nhiễm tại chỗ có phản ứng sưng nề nhanh.Viêm tấy lan tỏa rộng, tràn mủ xuống thấp, ra sau gây ngạt thở và nhiễm trùng trung thất dễ gây tử vong cho bệnh nhân.

Răng khôn có thể gây ra biến chứng rất nguy hiểm

Ông Nguyễn Văn Th, quê Hải Dương được bệnh viện tuyến dưới đưa lên trong tình trạng ngạt thở, tiền sử tiểu đường type 2. Các bác sĩ cho biết ông bị biến chứng từ răng số 8, ổ áp xe tạo mủ và mủ chảy xuống vùng hàm mặt thấp và gây nhiễm trùng ở trung thất.

Các bác sĩ phải mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Sau nhiều ngày nằm viện nhưng sức khoẻ của ông vẫn rất yếu do biến chứng nặng từ răng số 8.

Răng số 8 có hay biến chứng? Khi nào biến chứng răng số 8 có thể gây tử vong? - Ảnh 1.

Răng số 8 gây nhiều phiền phức

Ông Th kể, trước đây thi thoảng ông vẫn bị đau răng, mặt sưng lên phải ăn cháo nhưng uống kháng sinh là khỏi. Tuy nhiên, gần đây ông bị phù nề, sưng đỏ vị trí hàm và ổ áp xe to nhanh gây đau, mất ngủ, không ăn được.

Ông điều trị ở bệnh viện gần nhà không có tác dụng. Được vài hôm, bỗng nhiên ông thấy đau hơn và khó thở, không thở được. Người nhà vội vàng đưa ông đi cấp cứu và được bác sĩ chấn đoán nhiễm trùng trung thất do biến chứng của áp xe răng số 8.

Tại Bệnh viện Việt Nam Cu Ba Hà Nội, trường hợp của chị Cấn Thị Ngọc L là điển hình do mọc răng khôn ở hàm dưới bên trái khi đang mang thai tuần thứ 6. Răng mọc khiến chị L đau nhức nhưng không dám sử dụng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi.

Do không được điều trị vùng quanh răng số 8 sưng to. Khi đến khám, bác sĩ buộc phải đình chỉ thai để điều trị kháng sinh do răng khôn áp xe nặng, tạo ổ mủ, thủng má. Chị L bị đau răng số 8 nhưng sợ không dám nhổ, lần này biến chứng càng nặng nề hơn.

TS Phạm Mạnh Hà – Phó Giám đốc Trung tâm chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Rămg Hàm Mặt trung ương cho biết, chưa có thống kê cụ thể các ca biến chứng viêm áp xe do răng số 8 gây ra nhưng mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận vài chục ca nhổ răng số 8 trong đó có các ca biến chứng nặng như trên.

Các bác sĩ sẽ chỉ định nhổ khi răng số 8 gây sưng, nề 1 năm vài lần, hoặc khi răng số 8 mọc nghiêng sang vị trí răng số 8.

Thạc sĩ Hà cho biết, để tránh biến chứng răng số 8 mọi người nên có thói quen đi kiểm tra sức khoẻ răng miệng. Nếu trường hợp răng số 8 gây viêm bác sĩ thường khuyến cáo nhổ.  

Răng khôn mọc lệch, kẹt và ngầm có thể gây ra nhiều biến chứng tại chỗ và toàn thân và hay gây ra các biến chứng cụ thể như:

1. Viêm lợi trùm, viêm mô tế bào: Các răng mọc lệch gây nhồi nhét thức ăn, vùng này lại rất khó vệ sinh làm sạch nên lâu ngày gây nên hiện tượng viêm nhiễm, sưng đỏ, đau quanh thân răng, viêm lợi trùm, sau đó tạo túi mủ (áp xe), cứng hàm.

Tình trạng viêm nhiễm kéo dài sẽ phá hủy xương xung quanh răng này và các răng bên cạnh. Trong các trường hợp nặng có thể gây viêm xương hàm, nhiễm trùng huyết…

2. Sâu răng kế bên: Khi răng khôn mọc lệch, kẹt nghiêng tựa vào răng kế bên, vị trí này thường bị nhồi nhét thức ăn, viêm nhiễm, mà rất khó làm sạch được. Kết quả là bản thân các răng này và các răng kế cận bị sâu răng.

Cần chú ý răng kế cận răng khôn là răng cối lớn thứ hai - răng có vai trò rất quan trọng tham gia vào quá trình ăn nhai.

3. Nang thân răng: Các răng ngầm có thể tạo nang thân răng tiến triển âm thầm trong xương hàm. Nếu không được điều trị, xương hàm sẽ bị tiêu xương dần dần, làm tăng nguy cơ gãy xương hàm.

Xem thêm:

Cận cảnh quá trình nhổ răng khôn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại