RAND: Trung Quốc sẽ thiệt hại nặng nề trong chiến tranh với Mỹ

Bùi Đàm Hương Vy |

RAND Corporation, công ty nghiên cứu quốc phòng quan trọng của Mỹ, mới đây đã công bố một báo cáo lớn, tiêu đề "Chiến tranh với Trung Quốc: Đánh giá từ những điều không tưởng".

Theo báo cáo mới đây của RAND, cùng với sự phát triển vượt bậc trong quân sự Trung Quốc, nếu chiến tranh Trung-Mỹ thật sự nổ ra, quân sự Mỹ chưa chắc đã có thể lèo lái hướng phát triển chiến tranh theo ý mình và không chắc chắn sẽ là kẻ chiến thắng.

Tuy nhiên, nếu hai nước lún sâu vào cuộc chiến kéo dài thì Trung Quốc sẽ phải chịu những tổn thất lớn hơn và tổn thất đó không chỉ còn tính trên phương diện quân sự mà cả kinh tế, chính trị.

Khả năng xảy ra chiến tranh

Trong báo cáo, các nhà nghiên cứu của RAND nhận định, tuy nguy cơ nổ ra chiến tranh Trung-Mỹ không cao nhưng một khi không xử lí tốt nguy cơ, sự thù địch giữa hai nước sẽ tăng cao dẫn đến điều mà nhân dân cả hai nước đều không mong muốn – chiến tranh, bởi vậy không thể coi nhẹ những nguy cơ này.

Với năng lực quân sự của Trung Quốc hiện nay, đặc biêt việc nước này đẩy mạnh chiến lược "Chống xâm nhập/Chống tiếp cận" (A2/AD) sẽ khiến Mỹ khó nắm quyền kiểm soát để phá vỡ hệ thống phòng ngự của Trung Quốc cũng như nắm quyền tự quyết thành bại của cuộc chiến.

Và tuy rằng Trung Quốc và Mỹ đều không mong muốn cuộc chiến này nổ ra, nhưng quân đội của cả hai nước cũng đều đang vạch ra những phương án đối phó nếu có chiến tranh.

Chiến tranh quy ước theo khu vực

RAND nhận định, chiến tranh Trung- Mỹ sẽ nổ ra theo hướng chiến tranh quy ước trong khu vực, chủ yếu là các cuộc tấn công tàu chiến, tàu ngầm, đồng thời là cuộc chiến trên không với máy bay, tên lửa.

Ngoài ra cũng không loại trừ khả năng xảy ra xung đột về không gian vệ tinh hay chiến tranh mạng phá hoại các hệ thống máy tính của đối phương.

Báo cáo chỉ ra rằng, vùng chiến sự sẽ nằm ở Đông Á.

Với cuộc chiến kéo dài, phần lớn các khu vực ở Tây Thái Bình Dương sẽ trở thành vùng chiến sự, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế khu vực.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, nhận thức được mức độ nghiêm trọng của chiến tranh hạt nhân, thời gian đầu, hai nước sẽ tránh sử dụng thứ vũ khí này.

Đồng thời họ cũng nhận định, ngoài chiến tranh không gian mạng nhằm vào Washington, Trung Quốc không có khả năng mở các đợt tấn công trực tiếp trên đất Mỹ. Tuy nhiên mục tiêu và phạm vi tấn công của Mỹ lại lớn hơn nhiều.

RAND: Trung Quốc sẽ thiệt hại nặng nề trong chiến tranh với Mỹ - Ảnh 1.

Xung đột vũ trang nổ ra giữa Mỹ-Trung sẽ lan rộng phạm vi từ quân sự sang cả các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị, không gian mạng... (Ảnh minh họa)

Bốn tình huống chiến tranh có thể xảy ra

RAND dựa trên hai yếu tố cường độ và thời gian để đưa ra bốn tình huống chiến tranh nếu cuộc chiến Trung-Mỹ nổ ra: Chiến tranh ngắn hạn cường độ mạnh, cuộc chiến lâu dài cường độ cao, cuộc chiến ngắn hạn cường độ trung bình và cuộc chiến lâu dài cường độ trung bình.

Cường độ của cuộc chiến sẽ được quyết định bởi lãnh đạo hai bên, liệu họ có muốn thẳng tay tấn công vào đối phương hay không.

Xét về tương quan lực lượng cũng như tiềm lực quân sự của hai nước, có thể thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều sẵn sàng cho một cuộc chiến trường kì, bởi vậy thời gian của cuộc chiến sẽ phụ thuộc vào việc bên nào sớm mất đi ý chí chiến đâu hay sớm nhận ra nếu cuộc chiến này kéo dài, quân đội của mình chắc chắn sẽ phải chịu thiệt.

Trong tình huống chiến tranh cường độ cao diễn ra nhanh chóng, nếu như lãnh đạo hai bên chỉ huy quân đội đánh một trận đánh lớn, cuộc chiến bùng nổ thì với tình hình năm 2015 Mỹ sẽ phải chịu những mất mát về lực lượng hải quân, không quân, tàu sân bay và khu căn cứ quân sự trên Thái Bình Dương.

Nhưng những tổn thất của Trung Quốc còn lớn hơn nữa, bao gồm hệ thống A2/AD. Tuy nhiên nếu đặt vào hoàn cảnh năm 2025 thì Mỹ sẽ phải nhận về những tổn thất khổng lồ bởi khi đó hệ thống A2/AD của Trung Quốc đã được củng cố và gia tăng sức mạnh, nhưng chắc chắn Trung Quốc vẫn là nước chịu thiệt.

Xét về khía cạnh kinh tế, trong tình huống chiến tranh ngắn hạn với cường độ cao, Trung Quốc cũng vẫn sẽ thiệt thòi, kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi tỷ trọng thương mại của họ hầu hết tập trung ở khu vực Tây Thái Bình Dương, còn tổn hại của Mỹ tập trung trong phạm vi ngoại thương Mỹ-Trung.

Còn trong trường hợp chiến tranh kéo dài cường độ cao, với hoàn cảnh năm 2015, cuộc chiến càng lâu dài, ảnh hưởng tới Trung Quốc càng lớn.

Trong hoàn cảnh năm 2025, tuy khả năng giành thắng lợi của Mỹ không cao như năm 2015 nhưng cũng không đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể đánh bại Mỹ.

Hơn nữa, với sự kéo dài của chiến tranh, khu vực Tây Thái Bình Dương từ biển Hoàng Hải đến Biển Đông sẽ trở thành vùng nguy hiểm, thương mại và hàng hải rơi vào trạng thái tê liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của Trung Quốc.

Đặc biệt về sự tăng cao về cường độ, kéo dài về thời gian, chắc chắn các đồng minh của Mỹ sẽ nhảy vào cuộc chiến mà không khó để kể ra nước Nhật với tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới.

Trường hợp thứ ba-chiến tranh ngắn hạn cường độ trung bình. Đây là thuật ngữ chỉ cuộc chiến có cấp độ thấp hơn, các cuộc xung đột diễn ra lẻ tẻ, cục bộ, chỉ gây ra những tổn thất nhỏ.

Theo báo cáo, trong tình huống này, lãnh đạo hai nước sẽ có thiện chí đi đến thỏa hiệp, bởi vậy, xung đột kiểu này sẽ gây ra những ảnh hưởng đến kinh tế chính trị trong nước cũng như ổn định thế giới trước cho đến tận khi xung đột kết thúc.

Trong trường hợp hai nước muốn tránh các thỏa hiệp gây ra các tổn thất về chi phí chính trị liên quan, họ sẽ tham gia vào cuộc chiến lâu dài với mức độ trung bình. Và ngay cả trong trường hợp này thì những tổn thất mà Trung Quốc phải chịu vẫn sẽ lớn hớn Mỹ.

RAND: Trung Quốc sẽ thiệt hại nặng nề trong chiến tranh với Mỹ - Ảnh 2.

Chiến tranh Trung-Mỹ khó xảy ra bởi chi phí và tổn thất quá lớn đối với cả hai bên, nhưng vẫn là kịch bản không thể loại trừ. (Ảnh: National Interest)

Kết thúc chiến tranh

Theo RAND, chiến tranh luôn kết thúc bởi những yếu tố phi quân sự. Xét về phương diện này thì dù là bây giờ hay trong thời gian tới, Mỹ cũng là nước có nhiều lợi thế hơn.

RAND dự đoán, chiến tranh sẽ ảnh hưởng tới kinh tế của cả hai nước nhưng thiệt hại về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà Mỹ phải chịu nằm trong khoảng từ 5%-10%, nhưng Trung Quốc phải hứng thiệt hại lên tới 25%-35%.

Xét về chính trị trong nước, việc kinh tế Trung Quốc bị tổn hại nặng nề sau chiến tranh sẽ tạo ra những biến động chính trị trong nước, kích động các phần tử theo chủ nghĩa ly khai. Còn đối với Mỹ, chiến tranh có thể tạo ra xung đột giữa hai đảng, đất nước vẫn sẽ giữ được trạng thái ổn định.

Còn về những ảnh hưởng quốc tế, chiến tranh lâu dài cường độ cao sẽ có lợi cho Mỹ. Các đồng minh của Mỹ ở châu Á sẽ kiềm chế sự hung hãn của quân đội Trung Quốc.

Nếu Nhật hành động vào năm 2025, cục diện cũng như kết quả cuộc chiến sẽ thay đổi. Còn những bất ổn ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cả Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc " cần ghi nhớ"

Cuối cùng, báo cáo kết luận, chiến tranh Trung-Mỹ một khi bùng nổ sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng, bởi vậy hai nước cần chú trọng các chính sách kiểm soát căng thẳng.

Vì chi phí chiến tranh rất lớn, chiến tranh Trung-Mỹ khó có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc đều nên tăng cường các cơ chế quản lí nguy cơ, tăng khả năng khống chế yếu tố phi quân sự của đối phương.

Tác giả của báo cáo nhấn mạnh, tuy đây là báo cáo cung cấp cho các nhà hoạch định chiến lước Mỹ nhưng tác giả cũng hy vọng các nhà lãnh đạo Trung Quốc tham khảo để có những đánh giá đầy đủ và rõ ràng nhất về khả năng cũng như hậu quả mà cuộc chiến đem đến.

"Hãy ghi nhớ: Chiến tranh Trung-Mỹ nổ ra, Trung Quốc là kẻ chịu thiệt," báo cáo nêu ra.

Sau khi báo cáo của RAND xuất hiện hôm 29/7, tờ Thời báo Hoàn Cầu, thuộc chủ quản của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo, ngày 1/8 đã "phản pháo" kịch bản chiến tranh giả định ở Tây Thái Bình Dương.

Hoàn Cầu tuyên bố Trung Quốc không chấp nhận bình luận này.

"Chúng tôi sẽ cân nhắc cẩn thận về khả năng tham gia vào một cuộc chiến, nhưng nếu chiến tranh bị châm ngòi, chúng tôi sẽ quyết tâm cao hơn Mỹ để chiến đấu với họ tới cùng và sẽ khiến họ tổn thất lớn hơn," tờ báo viết.

Rõ ràng các trung tâm nghiên cứu ở cả Trung Quốc và Mỹ đang đánh giá những kịch bản tồi tệ nhất của một cuộc xung đột quân sự, theo Hoàn Cầu nói thêm.

Tờ này kêu gọi "cần giữ những báo cáo dạng này tránh xa dư luận".

Hoàn Cầu e ngại các báo cáo liên quan nếu được công bố sẽ "hạ độc không khí" và tầm nhìn của hai xã hội đối với nhau, cũng như gây ra những tác động tiêu cực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại