Space.com dẫn thông tin dự báo của giới thiên văn học, trong một thập kỷ nữa, vào thứ Sáu ngày 13/4/2029, một tiểu hành tinh khổng lồ đường kính 340m sẽ vụt qua Trái Đất của chúng ta.
Tiểu hành tinh này được giới khoa học đặt tên là Apophis - theo tên của rắn quỷ khổng lồ, chúa tể của sự độc ác, kẻ thù của thần Mặt Trời Ra trong thần thoại Ai Cập. Vào năm 2029, Apophis (tên đầy đủ: 99942 Apophis) sẽ bay vụt qua Trái Đất ở vị trí cách mặt đất 31.000km.
Giới khoa học phấn khích - Vì sao?
Nghe có vẻ đáng sợ nhưng theo tính toán của các nhà khoa học, tiểu hành tinh khổng lồ này có thể không "tấn công" Trái Đất.
Thay vào đó, nó còn khiến các nhà khoa học thấy phấn khích bởi họ cho rằng đó là cơ hội "ngàn năm có một" để tìm hiểu về tiểu hành tinh gần Trái Đất này.
"Điều thú vị là một vật thể không gian lớn như vậy, bay qua Trái Đất ở khoảng cách như vậy chỉ có một lần trong 1000 năm. Vậy cơ hội chúng ta có là gì? Nhờ kích thước và khoảng cách này, khoảng 2 tỷ người Trái Đất có thể quan sát nó bằng mắt thường." - Richard Binzel, nhà khoa học hành tinh tại MIT(1), phát biểu tại Hội nghị Phòng thủ Hành tinh của Học viện Hàng không Quốc tế ngày 30/4.
Theo NASA, các mảnh vụn vũ trụ, thiên thạch, tiểu hành tinh... này "tấn công" Trái Đất thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi. Hình minh họa.
Lẽ dĩ nhiên các nhà khoa học có đủ 10 năm để lên kế hoạch chuẩn bị cho sự kiện "ngàn năm có một" này. Đơn cử như, các nhà khoa học muốn biết cấu trúc bên trong của Apophis, vừa để biết manh mối hình thành Apophis, vừa xây dựng khả năng phá vỡ các thiên thạch trong tương lai.
Không chủ quan
Dẫu vậy, các chuyên gia hành tinh học cũng không loại bỏ khả năng thiên thạch va chạm Trái Đất trong tương lai, bởi Hệ Mặt Trời là một thế giới tràn ngập mảnh vụn vũ trụ, thiên thạch và tiểu hành tinh.
Hình ảnh radar của Apophis chụp năm 2012 đã giúp các nhà thiên văn xác định kích thước và hình dạng của nó. Nguồn: NASA/JPL
Và các mảnh vụn vũ trụ, thiên thạch, tiểu hành tinh... này "tấn công" Trái Đất thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, vì có bầu khí quyển bảo vệ nên tác động của chúng không rõ ràng. NASA cho biết, chỉ những vật thể không gian đường kính ít nhất 30m phát nổ trong vùng khí quyển mới có khả năng gây thiệt hại nặng nề cho Trái Đất.
Các chuyên gia thuộc Hội nghị Phòng thủ Hành tinh luôn đề cao việc theo dõi các vật thể ngoài không gian; đồng thời chuẩn bị kỹ càng trang thiết bị/kỹ thuật có thể chuyển hướng bất cứ vật thể nào có khả năng đe dọa sự an toàn của Trái Đất.
Một vấn đề khác được giới khoa học lưu tâm đó là mức độ mà lực hấp dẫn của Trái Đất có thể làm biến dạng đường đi của Apophis khi nó đến gần hành tinh của chúng ta vào năm 2029. Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý đến "Hiệu ứng Yarkovsky"(2).
Mặc dù các nhà khoa học đã xác định quỹ đạo của tiểu hành tinh Apophis vào năm 2029 nhưng vì sự khó lường của thiên thạch nên họ không thể loại bỏ khả năng quỹ đạo của nó thay đổi. Một là do lực hấp dẫn của Trái Đất; Hai là "Hiệu ứng Yarkovsky".
Một chuyên gia Mỹ cho biết, "Hiệu ứng Yarkovsky" có thể "lái" một thiên thạch/tiểu hành tinh bay vào hoặc ra khỏi đường lao về phía Trái Đất.
Do đó, nếu xác định được "Hiệu ứng Yarkovsky" có trên thiên thạch Apophis hay không sẽ giúp nhà khoa học xác định Apophis có lao vào Trái Đất hay không.
Tiểu hành tinh Apophis được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 6/2004 bởi các nhà khoa học Roy A. Tucker, David J. Tholen và Fabrizio Bernardi thuộc Trung tâm Quan sát Quốc gia Kitt Peak (Mỹ).
Hiện tại, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu Apophis để có những phương pháp ứng phó trong tương lai.
Apophis, hay Apep, tên của rắn quỷ khổng lồ, chúa tể của sự độc ác, kẻ thù của thần Mặt Trời Ra trong thần thoại Ai Cập. Hình minh họa.
Chú thích:
(1) MIT: Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ)
(2) "Hiệu ứng Yarkovsky" được kỹ sư dân sự người Ba Lan Ivan Osipovich Yarkovsky phát hiện trong thế kỷ 19.
Theo đó, "Hiệu ứng Yarkovsky" là một lực tác dụng lên một vật thể quay trong không gian gây ra bởi sự phát xạ dị hướng của các photon nhiệt, mang theo động lượng.
Bài viết sử dụng nguồn: NASA, Space.com