Loài rắn độc chỉ sống ở 3 nước trên thế giới
Theo Sách Đỏ Việt Nam 2024, rắc lục đầu bạc là một loài rắn thuộc "hàng hiếm". Loài này chỉ tìm thấy ở 3 quốc gia trên thế giới là Việt Nam (phía Bắc), Trung Quốc (phía Nam) và Myanmar (phía Bắc).
Cách đây 136 năm, rắn lục đầu bạc (danh pháp khoa học: Azemiops Feae) lần đầu tiên được nhà thám hiểm người Ý Leonardo Fea (1852-1903) tìm thấy trên thế giới, năm 1888. Cho đến nay, số lượng cá thể của loài rắn độc này trong tự nhiên chỉ còn rất ít.
Thông tin trên Sách Đỏ Việt Nam cho biết, rắn lục đầu bạc thuộc Họ rắn Lục (Viperidae). Môi trường ưa thích của loài rắn độc này là sâu trong rừng hoặc trên núi cao hàng nghìn mét. Tại Việt Nam, rắn lục đầu bạc sinh sống ở các khu vực rừng núi của 4 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc và Lạng Sơn.
Trong Sách Đỏ Việt Nam, rắn lục đầu bạc được phân hạng VU - Sắp nguy cấp. Nghĩa là quần thể rắn lục đầu bạc tại nước ta phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên cao trong một tương lai không xa. Chính vì thế, loài rắn này là một trong những loài rắn quý hiếm của Việt Nam và thế giới, do đó chúng được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm mọi hình thức săn bắt hay buôn bán.
Azemiops feae là loài rắn độc nhiệt đới duy nhất ở châu Á có cái đầu trắng đặc trưng. Bách khoa toàn thư tiếng Anh Britannica mô tả: Rắn lục đầu bạc dài tối đa khoảng 82cm. Đầu chúng dẹt, gần giống hình tam giác và có hoa văn đối xứng màu trắng vàng cam - phân biệt với phần thân có màu từ xanh đen đến xám đen cùng những vạch màu cam chạy ngang.
Không giống như các loài rắn lục khác, vảy của rắn lục đầu bạc nhẵn và bóng (vảy to ở đầu và nhỏ ở lưng). Cấu trúc hộp sọ của chúng cũng phân biệt với các loài rắn lục khác. Vì những lý do này, các nhà khoa học xếp loài này vào một phân họ riêng biệt, Azemiopinae. Rắn lục đầu bạc là một trong số ít loài đẻ trứng trong họ rắn lục.
Những con trưởng thành chủ yếu hoạt động vào những đêm hè mát mẻ, mưa nhiều, khi đó, chúng di chuyển chậm rãi qua lớp lá mục sâu để đi tìm mồi. Món ăn ưa thích của chúng là các loài gặm nhấm (như chuột), thằn lằn, chim nhỏ.
Vì không chịu được các điều kiện khô hạn, chúng dành phần lớn cuộc đời của mình trong các lỗ và khe hở của các mỏm đá và trong các dòng suối lộ thiên. Giống như các loài rắn lục khác, rắn lục đầu bạc ngủ đông vào mùa Đông.
Rắn lục đầu bạc: Ngoan ngoãn nhưng nguy hiểm
Adrienne Mayor - Học giả nghiên cứu về Cổ điển và Lịch sử Khoa học, Đại học Stanford (Mỹ) - cho biết, rắn lục đầu bạc được các nhà nghiên cứu về bò sát mô tả là "ngoan ngoãn nhưng nguy hiểm". Sự nguy hiểm của chúng đến từ nọc độc chết người.
Nọc độc của rắn lục đầu bạc dù chưa được phân tích đầy đủ nhưng nó là một loại độc tố máu có tác động tàn phá và hoại tử đáng kể.
Chỉ riêng việc lấy nọc rắn lục đầu bạc cũng rất phức tạp vì độ nguy hiểm của nó. Để chiết xuất chất độc, các nhà nghiên cứu phải treo con rắn lục sống lên, cho đầu nó hướng xuống một chiếc nồi đồng để hứng chất độc nhỏ giọt. Chất độc sẽ đông lại và khi đông sẽ biến thành một chất màu hổ phách đặc. Nọc độc màu hổ phách này khi dính vào da người cũng có thể khiến nạn nhân co giật dữ dội.
Theo các nhà khoa học, dù độc nhưng nọc của rắn lục đầu bạc có ý nghĩa khoa học rất lớn. Vào năm 2012, các nhà hóa học đã phân lập được một loại polypeptide mới (là Azemiopsin - một polypeptide bao gồm 21 gốc axit amin), bằng cách lọc gel các chất còn lại của nọc độc của rắn lục đầu bạc.
Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ (NLM) đánh giá, hiện nay Azemiopsin rất có giá trị trong nghiên cứu chất dẫn truyền thần kinh và các ứng dụng y sinh.
Các kết quả nghiên cứu khác chứng minh rằng Azemiopsin có đặc tính giống thuốc tốt để ứng dụng làm thuốc giãn cơ tại chỗ và trong các thông số của nó, không thua kém các thuốc giãn cơ hiện đang được sử dụng.
Tham khảo: Sách Đỏ Việt Nam, Bách khoa toàn thư tiếng Anh Britannica, NLM