Trong thế giới tự nhiên, các loài động vật luôn có thiên địch (kẻ thù tự nhiên) của mình. Kẻ thù trong tự nhiên là kẻ nguy hiểm nhất và có thể khiến nạn nhân của chúng tuyệt chủng. Rắn cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Dù là loài bò sát nhanh nhẹn, sở hữu nọc độc chết người - có thể kết liễu con mồi lớn nhỏ khác nhau trong giây lát, nhưng loài động vật máu lạnh này cũng chỉ là mắt xích nhỏ trong chuỗi thức ăn của thế giới muôn loài.
Lửng mật đầu bẹt, đại bàng, rắn độc khác là 3 kẻ thù tự nhiên dễ nhận thấy nhất của loài rắn nói chung. Điểm chung của 3 loài này chính là khả năng kháng nọc độc rắn hoặc có cơ thể ngăn chặn nọc độc xâm nhập vào mạch máu.
Ngạc nhiên thay, tự nhiên sản sinh ra một loài sở hữu cùng lúc 2 đặc điểm kháng nọc độc rắn từ trong ra ngoài. Loài này có cấu tạo cơ thể ngăn nọc độc rắn đi vào mạch máu. Thậm chí, khi nọc độc xâm nhập vào dạ dày, cơ thể chúng cũng có "cỗ máy" vô hiệu hóa nọc độc vốn khiến các loài động vật khác tử vong.
Đó chính là lợn rừng.
Lợn xuất hiện trên Trái đất sớm hơn con người chúng ta hơn 60 triệu năm. Khoảng 70% hầu hết động vật trên Trái đất đã không còn tồn tại, nhưng lợn vẫn sống sót đến tận ngày nay. Sinh vật mạnh mẽ này qua thời gian đã trang bị cho mình những đặc điểm kháng độc mạnh mẽ từ các loài khác. Những đặc điểm đó là gì?
Tại sao lợn rừng không sợ nọc rắn?
Lợn rừng là loài động vật có vú trên cạn phân bố rộng rãi nhất trên Trái đất. Chúng sinh sống ở nhiều môi trường sống khác nhau từ Tây Âu đến Nhật Bản và các khu rừng nhiệt đới của Indonesia.
Trên thế giới có 4 phân loài của Lợn rừng được xác định theo vị trí của chúng, trong đó một phân loài sinh sống ở châu Âu, Tây Bắc châu Phi và Tây Á; phân loài khác được tìm thấy ở Bắc Á và Nhật Bản; phân loài thứ ba sinh sống ở các khu rừng nhiệt đới của Ấn Độ, Đông Nam Á và Viễn Đông; phân loài cuối cùng chỉ được tìm thấy ở Indonesia.
Môi trường sống yêu thích của lợn rừng là ở các khu rừng nhiệt đới và đồng cỏ. Ngoài ra, chúng cũng ưa sống tại các khu rừng rụng lá, lá rộng với thảm thực vật rậm rạp.
Lợn rừng là loài động vật sống về đêm, chỉ kiếm ăn vào ban đêm. Chúng dành khoảng 12 giờ để ngủ trong một tổ lá dày đặc vào ban ngày. Đêm đến, chúng bắt đầu đi kiếm ăn để lấp đầy chiếc bụng rỗng.
Một đặc điểm khiến lợn rừng có thể được xem là thiên địch của loài rắn chính là khả năng ăn tạp của chúng. Chúng vừa ăn chay, vừa ăn thịt. Các loại thức ăn chúng tiêu thụ đó là trái cây, rau cỏ, các loại hạt, côn trùng, trứng chim và rắn.
Lợn rừng không chuyên săn rắn, nhưng chúng không sợ rắn. Tại sao lại nói vậy? Tạo hóa ban tặng cho lợn rừng những đặc điểm khiến nó trở thành "hung thần" của rắn độc, theo 2 cơ chế:
1/ Cơ chế chống nọc độc rắn từ bên ngoài
Một đặc điểm dễ nhận thấy ở lợn rừng là da chúng rất dày. Chưa kể, toàn thân chúng được bao phủ bởi lớp lông cứng, dài. Hai đặc điểm này trở thành "tấm khiên" vững chắc giúp chúng hiếm khi bị vết cắn chết người của rắn độc xâm nhập vào cơ thể.
Sở dĩ rắn độc có khả năng tiễn nhiều nạn nhân về cõi chết là do chúng có răng nanh và nọc độc, có thể tiêm thành công nọc độc vào máu và giết chết nạn nhân ngay lập tức. Nhưng lớp lông và da dày bên ngoài lợn rừng khiến rắn độc không thể dùng nanh độc tấn công.
Điểm thứ hai, lợn rừng là một loài rất hung dữ. Nếu cảm thấy bị đe dọa đến tính mạng, lãnh thổ bị xâm phạm hoặc đàn con của chúng bị "khách không mời" tấn công, chúng sẽ bộc lộ tính cách hoang dã cao nhất của mình để đối phó.
Điểm thứ ba, lợn rừng sở hữu tốc độ chạy cực nhanh (lên đến 48 km/giờ, tương đương 13 mét/giây) cùng lực tác động rất mạnh. Sự sát thương của chúng được bổ sung nhờ những chiếc răng nanh sắc nhọn dài đến 6cm của mình.
Điểm thứ tư, lợn rừng trưởng thành có thể nặng tới khoảng 100-200 kg. So với một con rắn trưởng thành, sự chênh lệch về trọng lượng quá lớn như vậy có thể giúp lợn rừng tiêu diệt rắn độc nhanh chóng.
Ngoài ra, lợn rừng còn là sinh vật có khứu giác cực kỳ nhạy bén. Nếu thị giác của chúng kém vì cặp mắt nhỏ thì khứu giác lại được bù đắp lại. Nhờ khả năng nhận biết mùi tốt gấp đôi chó nên một khi rắn độc đến gần, lợn rừng sẽ nhận ra và chủ động phát động một cuộc tấn công.
Tổng hòa 5 đặc điểm này, khi đối đầu con rắn độc, lợn rừng có thể nhanh chóng hạ gục con mồi và thưởng thức bữa ăn của nó mà không hề hấn gì.
2/ Cơ chế kháng nọc độc từ bên trong
Bên cạnh sức mạnh "cơ bắp" bên ngoài, lợn rừng còn có một cơ chế "vô hiệu hóa" nọc độc rắn ngay cả khi bữa ăn của chúng đã vào bụng.
Nghiên cứu của các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng dạ dày của lợn rừng có thể tiết ra một lớp màng bảo vệ. Ngay cả khi nọc độc rắn xâm nhập vào dạ dày lợn rừng (có thể là lượng nọc còn sót lại sau quá trình phóng nọc của rắn độc), thì lượng nọc độc này sẽ nhanh chóng bị dịch dạ dày phân hủy trước khi xâm nhập vào mạch máu nên hoàn toàn không có tác động nguy hiểm gì đối với lợn rừng.
Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là khi chiến đấu với rắn độc, lợn rừng không có vết thương hở ở bên bên ngoài cơ thể - hoặc vết rách tại niêm mạc bên trong trong quá trình tiêu thụ bữa ăn - nếu không chúng có thể ngấm nọc độc rắn và chết.
Những đặc điểm đáng chú ý này của lợn rừng đã chứng minh được khả năng ngăn nọc độc chết người của rắn độc vào cơ thể lợn rừng cũng như thấy rõ khả năng chiến đấu của loài động vật bốn chân với loài bò sát không chân.
Tuy có thể khiến rắn độc trở thành bữa ăn, nhưng do phân bố rộng rãi khắp thế giới, lợn rừng vô hình chung trở thành con mồi của nhiều loài động vật ăn thịt với đủ mọi hình dạng và kích cỡ. Các loài mèo lớn như báo, linh miêu và hổ là những loài động vật ăn thịt phổ biến nhất của lợn rừng, cùng với các loài ăn thịt lớn khác như sói, gấu và con người.
Dù sống sót mạnh mẽ qua hàng chục triệu năm nhưng ngày nay số lượng lợn rừng giảm dần. Ở một số nơi, loài này đã bị đe dọa do mất môi trường sống, chủ yếu là do nạn phá rừng và các khu định cư liên tục mở rộng. Xét về nguy cơ tuyệt chủng, lợn rừng đã được Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên (IUCN) xếp vào loại Loài ít quan tâm.
Tham khảo: MNS, Sohu, A-z-animals