Rắn cạp nia trưởng thành dài hơn 1m, nọc rắn chứa chất kịch độc. Chúng sinh sống tại các đồng cỏ và các cánh rừng có nhiều bụi rậm, rắn cạp nia là nỗi kinh hoàng của con người khi bắt gặp phải chúng.
Rắn cạp nia với khoang màu đen trắng
Trong những năm tháng chiến tranh, rắn cạp nong và cạp nia được nhận cái tên "rắn hai bước" (two-step snake), do những người lính Mỹ cho rằng, một vết cắn của loài rắn cực độc này đủ giết chết người trong vòng hai bước chân.
Trong khi đó, rắn cạp nong, tên khoa học là Bungarus fasciatus, sinh sống ở nhiều môi trường sống khác nhau, từ rừng đến những vùng đất nông nghiệp. Đây là loài rắn độc cỡ tương đối lớn, thường dài trên 1m, đặc điểm là có những mảng khoang màu vàng đen rất rõ ràng và nổi bật. Nọc độc của rắn cạp nong không thua gì rắn hổ mang.
Tuy nhiên, thực chất cái tên "rắn hai bước" chỉ là nói quá lên về tốc độ giết người của loài rắn độc này.
Chất độc của rắn cạp nong - cạp nia là loại chất độc thần kinh. Khi bị cắn, nạn nhân sẽ bị nọc độc vô hiệu hóa hệ thống thần kinh, gây khó thở, tê liệt cơ bắp, rơi vào tình trạng hôn mê rồi tử vong.
Thời gian giết người trung bình của nọc độc rắn cạp nong - cạp nia là từ 15 - 30 phút nếu không được cứu chữa kịp thời.
Rắn cạp nong với khoang màu vàng đen |
Mới đây, anh T.V.H., (34 tuổi, người dân tộc Mường, trú tại huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) bị một con rắn cạp nia cắn mà không biết.
Khi được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, anh H. ở trong tình trạng hôn mê sâu, thở hoàn toàn theo bóp bóng qua nội khí quản.
Người nhà anh H. cho biết, trước đó, anh H. có uống rượu rồi đi ra đồng khoảng 2 giờ. Sau khi về nhà, anh này thấy tê đầu lưỡi, tức ngực, khó thở tăng dần.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó khoa Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, đây là một ca bệnh đặc biệt, bởi người bệnh được đánh giá là hôn mê sâu Glassgow 3 điểm, liệt thở hoàn toàn, liệt tứ chi, mất hết các phản xạ, đồng tử giãn tối đa mất hoàn toàn phản xạ, khi loại trừ được các nguyên nhân từ não thì nguyên nhân thường gặp còn do rắn cạp nia cắn.
Bệnh nhân được điều trị bằng thở máy, dùng kháng sinh chống bội nhiễm, kiểm soát dịch và điện giải, dinh dưỡng, chăm sóc toàn diện.
“Hiện tại, người bệnh đã khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng. Bệnh nhân được ra viện sau 14 ngày điều trị”, bác sĩ Mai cho biết.
Các bác sĩ khuyến cáo, người bị rắn cạp nong cạp nia cắn rất dễ mất đi sinh mạng nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời.