Rầm rập máy kéo vây tòa Nghị viện EU: Ukraine là "tác giả" cơn phẫn nộ đỉnh điểm lan khắp châu Âu?

Duy Anh |

Nông dân đang tổ chức biểu tình bằng máy kéo tại nhiều nơi ở châu Âu.

Nông dân biểu tình ở Brussels. Nguồn: Global News

Nông dân biểu tình ở Brussels. Nguồn: Global News

Hãng tin CNN (Mỹ) cho hay, nông dân đốt những kiện cỏ khô, ném trứng và pháo vào cảnh sát hôm 1/2 ngay tại trung tâm Liên minh châu Âu (EU) khi các nhà lãnh đạo trong khối tổ chức cuộc họp quan trọng nhằm thống nhất nguồn viện trợ mới cho Ukraine. Reuters nhận định, sự phẫn nộ của nông dân đã lên tới đỉnh điểm.

Những người biểu tình đã tiến vào Brussels (Bỉ) bằng máy kéo từ sáng sớm trước khi tụ tập bên ngoài tòa nhà Nghị viện châu Âu - nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh EU. CNN cho biết, một số máy kéo đã đỗ gần trụ sở Nghị viện EU cả tuần trước khi các đoàn xe từ khắp đất nước hội tụ tại đây vào sáng 1/2.

Một số người biểu tình đốt các đồ vật trước tòa nhà Nghị viện, trong khi những người khác giương cao các biểu ngữ có khẩu hiệu: “Không có nông dân, không có thực phẩm”.

Cảnh sát hôm 1/2 cho biết khoảng 1.000 máy kéo dự kiến có mặt ở thủ đô của Bỉ cho cuộc biểu tình, đồng thời cảnh báo về các vấn đề giao thông trong khu vực.

240201101914-04-brussels-farmer-protest-020124.webp

Một số người biểu tình đốt các đồ vật trước tòa nhà quốc hội. Ảnh: Reuters

Nông dân châu Âu đối mặt với 2 vấn đề chính

Mặc dù các vấn đề nông nghiệp của châu Âu không nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU, nhưng những người biểu tình xuất hiện nhằm mục đích gây áp lực lên khối để giải quyết một số vấn đề của họ.

Nông dân kêu gọi nới lỏng các quy tắc chi phối chính sách nông nghiệp chung của khối, cho biết họ không được trả đủ lương và phải chịu áp lực nặng nề từ thuế và các hạn chế về môi trường. Đồng thời, họ cũng phải đối mặt với cạnh tranh không công bằng từ nước ngoài - bao gồm cả nông sản nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine. 

EU đã miễn hạn ngạch và thuế đối với hàng nhập khẩu của Ukraine sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022. 

240201101652-01-brussels-farmer-protest-020124.webp

Người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở Brussels hôm 1/2. Ảnh: AFP

Renaud Foucart, giảng viên kinh tế cấp cao tại Đại học Lancaster (Anh), nói với CNN rằng có hai vấn đề lớn mà những người nông dân biểu tình gặp phải.

“Một trong số đó (chủ yếu dành cho nông dân Đông Âu) là lo ngại rằng lúa mì và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác từ Ukraine xâm nhập thị trường là cạnh tranh không lành mạnh và họ muốn nhận được một số biện pháp bảo hộ vì điều này".

Cũng theo ông Foucart, đối với nông dân các nước Tây Âu, vấn đề chính là các biện pháp môi trường theo Thỏa thuận Xanh của EU mà họ cho rằng sẽ khiến họ phải chịu thêm chi phí và bị ràng buộc bởi các quy định.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo gọi mối lo ngại của nông dân là “hoàn toàn chính đáng”.

“Như mọi người đã thấy, đang có một cuộc biểu tình lớn của nông dân ở Brussels. Chúng ta cần có thể thảo luận về chủ đề này vì những lo ngại mà họ có là hoàn toàn chính đáng. Sự thay đổi cho phù hợp với các vấn đề về khí hậu là ưu tiên hàng đầu của xã hội. Chúng ta cần đảm bảo rằng nông dân hợp tác trong vấn đề này," ông De Croo nói khi tới tham dự hội nghị thượng đỉnh. 

240201101806-02-brussels-farmer-protest-020124.webp

Máy kéo gây tắc nghẽn giao thông ở Brussels sáng hôm 1/2. Ảnh: AFP

Biểu tình trên khắp châu Âu

Các cuộc biểu tình cũng đã diễn ra trong những ngày qua ở Ý, Tây Ban Nha, Romania, Ba Lan, Đức, Bồ Đào Nha và Hà Lan.

Tại Hy Lạp, hôm 1/2, các máy kéo đang tiến về thành phố Thessaloniki - lớn thứ hai của nước này với hy vọng chặn các tuyến đường chính trong thành phố.

Tại Pháp, những người nông dân biểu tình tiếp tục chặn đường bên ngoài Paris và gần các thành phố Lyon và Toulouse. CNN cho hay, 91 người đã bị bắt giữ hôm 31/1 vì cản trở giao thông và gây thiệt hại cho khu chợ Rungis ở Paris - một trung tâm phân phối thực phẩm quan trọng của khu vực. 

Hôm 1/2, trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Pháp mới được bổ nhiệm, ông Gabriel Attal đã công bố các biện pháp mới cho ngành nông nghiệp, bao gồm các hỗ trợ về tài chính. Sau thông báo này, hai liên đoàn nông nghiệp lớn của Pháp đã kêu gọi các thành viên của họ ngừng các cuộc biểu tình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại