Có bệnh vẫn thường xuyên uống rượu
Mới đây một bệnh nhân người Tuyên Quang đã được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ trong tình xanh xao, da nhợt, mắt vàng, cơ thể mệt mỏi.
Theo người nhà bệnh nhân, bệnh nhân này đi ngoài phân vàng lẫn đen trong suốt ba ngày, nôn ra máu tươi kèm theo máu đen. Bệnh nhân có tiền sử xơ gan do uống rượu đã điều trị ổn định vào năm ngoái, về nhà vẫn tiếp tục uống rượu thường xuyên.
Nhận định bệnh nhân trong tình trạng nguy hiểm, có dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa nặng, bác sĩ lập tức chuyển bệnh nhân đến phòng nội soi tiêu hóa. Dụng cụ nội soi thực quản bệnh nhân ghi nhận hình ảnh tia máu phun liên tục từ tĩnh mạch.
Các bác sĩ đã thắt tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su cầm máu. Ngoài 6 nút thắt cầm máu, bệnh nhân được truyền cấp cứu hai đơn vị máu, huyết tương tươi.
Do có tiền sử xơ gan, bệnh nhân đã được điều trị ổn định nhưng vẫn tiếp tục uống rượu thường xuyên đã gây giãn tĩnh mạch thực quản dẫn đến vỡ tĩnh mạch. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong do mất máu quá nhiều.
Ông V.N.T (47 tuổi, ngụ tại Phú Yên) vì chuyện buồn gia đình ông tìm đến rượu. Từ uống ít, sau uống nhiều hơn và trở nên nghiện, ngày nào ông T. cũng uống đến say xỉn.
Một lần say, ông T. nôn ra máu, đau tức ngực, choáng ngất xỉu. Được gia đình chuyển đến bệnh viện địa phương cấp cứu, bác sĩ xác định tình trạng người bệnh rất nặng nên chuyển lên tuyến trên điều trị.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, qua kết quả thăm khám, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị vỡ thực quản, choáng nhiễm trùng, rối loạn đông máu, suy hô hấp, suy tuần hoàn.
Điều trị rất khó do sảng rượu
Tại khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Bạch Mai, TS Vũ Trường Khanh – Trưởng khoa cho biết, tại khoa thường xuyên gặp các ca như thế bị xơ gan do rượu bệnh viện trả về được một thời gian lại vào cấp cứu do vỡ tĩnh mạch thực quản.
Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn B. 45 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội tiền sử cháy máu thực quản 3 lần đã được nội soi cầm máu kèm theo xơ gan, bụng chướng nhưng bệnh nhân vẫn cứ uống rượu vì nghĩ "thà chết bệnh còn hơn chết thèm".
Con trai của ông B chăm sóc bố cho biết, ông uống rượu khoảng 20 năm nay, ngày nào sáng cũng xúc miệng cả cốc rượu to, đi viện vài lần nhưng chỉ bỏ rượu được vài hôm rồi lại uống.
Lần này, khi vào viện ông nôn ra cả bát máu, vì bệnh nhân có tiền sử chảy máu tiêu hoá nên gia đình lại đưa vào Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ nội soi cầm máu và sau 2 ngày điều trị bệnh nhân có dấu hiệu sảng rượu liên tục giãy đạp, bác sĩ phải buộc chân, tay bệnh nhân lại để tránh bệnh nhân quậy phá.
Đây chỉ là 1 trong cả chục bệnh nhân chảy máu thực quản kèm sảng rượu nằm cấp cứu tại khoa này. Các bệnh nhân đều uống rượu, xơ gan và không ít bệnh nhân đã điều trị tới 2 – 3 lần do vỡ mạch máu thực quản.
"Bởi vì lúc này ý thức của bệnh nhân không biết gì có những bệnh nhân họ dậy rút dây truyền đủ các thứ, có bệnh nhân hét, bác sĩ phải dùng thuốc an thần nhưng có bệnh nhân do gan họ kém rồi không dùng được nữa nên khoa có lúc rất hỗn độn.
Các bác sĩ ở đây chăm sóc rất vất vả, có bệnh nhân điều trị đến chục ngày mới tỉnh, cũng có những bệnh nhân vào đây chảy máu thực quản kèm theo xơ gan tiến triển nặng bệnh nhân bị hôn mê gan và có bệnh nhân tử vong" - một điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tại khoa Tiêu hoá chia sẻ.
BS Khanh cho biết, tĩnh mạch cửa vận chuyển máu từ một số cơ quan trong đường tiêu hóa đến gan. Giãn tĩnh mạch thực quản là một hậu quả trực tiếp của tình trạng áp lực cao trong tĩnh mạch cửa.
Tình trạng này được gọi là tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Nó gây ra tích tụ máu trong các mạch máu gần đó, bao gồm cả những tĩnh mạch trong thực quản của bạn. Tĩnh mạch bắt đầu giãn ra và phồng lên do tăng lưu lượng máu.
Xơ gan là nguyên nhân thường gặp nhất của tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Xơ gan có thể phát triển do nghiện rượu hoặc các nhiễm trùng nặng, ví dụ như viêm gan nhưng các bệnh nhân ở đây quá nửa là xơ gan do rượu.