Ân tình của người chú
Năm 2015, chàng trai Lý Hạo ở Tứ Xuyên, Trung Quốc nhận được thông báo đỗ đại học. Tuy nhiên, khi gia đình cậu chưa kịp ăn mừng thì một biến cố lớn ập tới. Lúc đó, bố của Lý Hạo đột nhiên đổ bệnh phải nhập viện. Bác sĩ cho biết bố cậu mắc bệnh hiểm nghèo, cần rất nhiều tiền để chữa trị.
Vào thời điểm đó, gần như toàn bộ số tiền trong nhà đều được dồn cho chị em Lý Hạo nộp học phí. Để chạy chữa cho chồng, mẹ của Lý Hảo chỉ còn cách đã tìm đến họ hàng và bạn bè để vay. Thế nhưng, dù mọi người đã cố gắng giúp đỡ hết lòng, số tiền vay được cũng chỉ như muối bỏ bể.
Bố của Lý Hạo có một người em trai khá giả ở thành phố. Tuy nhiên trong tình huống ngặt nghèo đó, mẹ cậu vẫn không muốn “làm phiền” người chú này vì trước đó gia đình cậu đã được người chú này giúp đỡ rất nhiều lần.
Dẫu vậy, chẳng hiểu sau chú của Lý Hạo vẫn biết chuyện. Từ thành phố xa xôi, ông lái xe về quê thăm bố của Lý Hạo và trao một xấp tiền dày cộp cho mẹ cậu. Đồng thời không quên dặn dò gia đình họ nếu gặp khó khăn thì cứ liên lạc.
Nhờ sự giúp đỡ của em trai, bố của Lý Hạo thực sự đã chiến thắng tử thần và có cuộc phẫu thuật thành công. Tuy nhiên sức khỏe của ông không còn tốt như trước, ngày nào cũng phải uống thuốc nên gánh nặng kinh tế của gia đình vẫn còn và đổ dồn lên mẹ cậu.
Thời điểm đó, Lý Hạo và chị của cậu vẫn còn đang đi học. Cả gia đình chỉ biết trông chờ vào đồng lương ít ỏi của người mẹ. Không nỡ nhìn mẹ vất vả, Lý Hạo nảy ra ý định bỏ học để đi làm. Tuy nhiên, ý định này đã bị mẹ và chú của cậu kịch liệt phản đối.
Không những thế, người chú này còn hết lòng khuyên nhủ: "Tiểu Hạo, con nên nhớ rằng học tập là con đường duy nhất để con có thể giúp bố mẹ và thay đổi số phận. Nếu con từ bỏ lúc này, sẽ không ai có thể cứu giúp gia đình con cả”.
Nghe lời chú, Lý Hạo quay về trường học nốt 2 năm còn lại. Suốt thời gian đó, người chú này không chỉ cho cậu tiền học phí mà còn chu cấp cả chi phí sinh hoạt cho cả 2 chị em họ.
Sau khi tốt nghiệp, Lý Hạo dự tính ở lại huyện tìm việc làm phù hợp để cùng mẹ chăm sóc bố ốm yếu. Thế nhưng một vấn đề khác lại nảy sinh. Theo đó, tấm bằng giỏi mà chàng trai này cố gắng bao năm ở trường đại học lại “vô dụng” ở mảnh đất quê nhà. Lý Hạo tạch phỏng vấn nhiều công ty vì họ cho rằng cậu chưa có kinh nghiệm hoặc yêu cầu lương quá cao so với năng lực.
Đúng lúc Lý Hạo đang loay hoay chưa biết làm gì thì người chú của cậu lại xuất hiện và dẫn cậu đến cửa hàng thủ công mỹ nghệ của ông làm việc. Suốt 2 năm sau đó, Lý Hạo chăm chỉ làm việc ở cửa hàng của chú mà không nhận một đồng lương nào. Lý do là vì cậu thực lòng muốn giúp và báo đáp ân tình bao năm qua mà chú đã dành cho gia đình cậu.
Trong quá trình làm việc ở đây, bằng những kiến thức đã học được, Lý Hạo đã giúp cửa hàng ngày một phát triển thuận lợi và mở thêm các kênh bán hàng trực tuyến. Doanh số ngày một khả quan khiến chú của Lý Hạo rất vui và tự hào về người cháu của mình.
Ý nghĩa của 2 chữ "tình thân"
3 năm sau đó, vào một ngày nọ, chú của Lý Hạo bỗng gọi cậu đến phòng làm việc của ông để nói chuyện. Không dài dòng, ông lấy từ ngăn kéo ra một tập hồ sơ nhỏ và đưa cho cháu trai mình.
Lý Hạo tò mò mở tập hồ sơ ra và vô cùng ngạc nhiên khi thấy bên trong là một chiếc thẻ ngân hàng cùng với hợp đồng chuyển nhượng cửa hàng. Đáp lại thái độ ngạc nhiên của người cháu, ông chú mỉm cười bí ẩn rồi giải thích: “Tiểu Hạo, trong thẻ ngân hàng này là toàn bộ tiền lương và hoa hồng con kiếm được trong 3 năm qua. Chú vẫn giữ lại cho con.”
Nghe vậy, Lý Hạo thảng thốt: “Chú ơi, con tuyệt đối không thể nhận số tiền này. Chú giúp con nhiều như vậy, con không thể lại lấy tiền của chú được!”
Chú của cậu lại cười và nói: “Được rồi, con có thể không nhận tiền, nhưng số giấy tờ này thì con nên nhận. Chú ngày càng lớn tuổi, đã đến lúc cần được nghỉ ngơi nên muốn con tiếp quản cửa hàng này. Mấy năm nay, con đã làm rất tốt, nhờ có con cửa hàng mới có được như ngày hôm nay.”
Ngoài những lời này, chú của Lý Hạo còn dặn dò cậu đừng xem những điều mà ông ấy làm cho gia đình cậu là ân huệ. Bởi đó là điều những người thân, người nhà nên làm với nhau.
"Hai chữ người nhà thiêng liêng lắm nên càng phải biết trân trọng và quan tâm lẫn nhau", chú của Lý Hạo nói.
Nghe những lời này, Lý Hạo chực khóc. Sau khi đồng ý tiếp quản cửa hàng, cậu tự hứa với bản thân phải chăm chỉ làm việc để không phụ sự mong mỏi và kỳ vọng của chú. Dù đã nắm quyền quản lý toàn bộ cửa hàng, vào thời điểm quyết toán hàng năm, chàng trai này vẫn dành một phần lợi nhuận thu được làm cổ tức và giao cho chú của mình.
"Mỗi lần như thế, tôi thấy ông cười hài lòng và tỏ vẻ tự hào lắm. Còn về phía mình, tôi luôn tâm niệm phải phát triển và mở rộng cửa hàng của chú hơn nữa để không phụ lòng mong mỏi của ông, cũng là không phụ công sức mình bỏ ra", chàng trai này chia sẻ.
(Theo Toutiao)