“Lúc nào cũng phải biết tiết kiệm tiền" là câu nói người trẻ nào cũng được nghe vài lần khi mới bước chân đi làm, nhưng để thực hiện chúng thì ít ai làm được. Chỉ đến khi trải qua biến cố và biết trân trọng hơn giá trị của đồng tiền, họ mới dần thay đổi cách chi tiêu và quản lý tài chính.
Lan Anh (SN 1996) là một trong số đó. Hiện cô đang làm giáo viên dạy IELTS và nhà sáng tạo nội dung, đồng thời theo học chương trình Thạc sĩ ngành Digital Marketing tại Anh. Thời điểm mới ra trường, giống như nhiều bạn trẻ khác, Lan Anh từng chi tiêu thiếu kiểm soát và mua sắm những món đồ không cần thiết. Tuy nhiên, một biến cố xảy đến khiến cô thay đổi hoàn toàn.
Kiếm 20 triệu đồng/tháng nhưng luôn thấy không đủ tiêu xài
Năm 22 tuổi, Lan Anh mới ra trường nhưng đã kiếm được mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng từ công việc đi dạy ở trung tâm tiếng Anh và nhận học sinh dạy thêm bên ngoài. Thời điểm đó, cô coi đây là mức lương “trong mơ”, kết hợp với tuổi trẻ không nghĩ ngợi nhiều nên không quan tâm đến quản lý tài chính.
“Lúc này, mình làm được bao nhiêu thì xài hết bấy nhiêu, chủ yếu là chi tiêu vào việc làm đẹp, quần áo và giày dép. Mình không thèm nghe lời khuyên của ba mẹ. Mình còn luôn cho rằng ba mẹ đang lo lắng thái quá mỗi lần họ khuyên mình phải tiết kiệm. Thậm chí, nhiều lúc mình còn vay thẻ tín dụng để mua những món đồ mình thích và đi du lịch nữa.
Việc này khiến mình làm bao nhiêu cũng không đủ tiêu xài. Cứ mỗi tháng có lương là mình phải trích ra 2 khoản tiền là trả nợ và chi tiêu. Rốt cuộc, trong một thời gian, mình chẳng tiết kiệm được đồng nào".
Tuy nhiên, một sự kiện đến với Lan Anh khiến cô phải thay đổi là khi Covid-19 xuất hiện. Thời điểm trước dịch Covid-19, cô bạn có thu nhập ổn định và chưa bao giờ nghĩ sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp. Chính suy nghĩ đó đã khiến Lan Anh trở nên lười biếng, có chút thụ động, không chịu nâng cấp bản thân hay để dành tiền tiết kiệm cho những biến cố.
Tuy nhiên, viễn cảnh này đã không kéo dài được lâu khi Covid-19 đến. Lan Anh chia sẻ: “Khi đó, hàng loạt trung tâm tiếng Anh phải đóng cửa. Chính vì vậy, mình rơi vào cảnh thất nghiệp dài hạn. Mình sống trong 8 tháng không có lương. Bao nhiêu chi phí mình phải nhờ vào cha mẹ và còn trả nợ thẻ tín dụng hàng tháng do trước đó tiêu xài quá nhiều. Và khi không kiếm được tiền, những khía cạnh khác của cuộc sống cũng dần lao dốc, từ chuyện tình cảm, gia đình, bạn bè cho đến sự nghiệp.
Những khoảnh khắc ấy khiến mình nhận ra sai lầm trong quá khứ. Cuộc đời là vô thường, không ai biết ngày mai có chuyện gì xảy ra, nên từ sau đó mình đã học cách quản lý tài chính cá nhân nghiêm ngặt. Kiếm được tiền, mình chỉ xài ⅓ thu nhập, còn lại bắt buộc phải để được ⅔ cho quỹ tiết kiệm".
Có quỹ tiết kiệm rồi làm gì?
Đi qua Covid-19, công việc của Lan Anh thuận lợi, kéo theo mức thu nhập còn gia tăng hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, cô vẫn giữ thói quen quản lý chi tiêu nghiêm ngặt, tức cố gắng để riêng ⅔ thu nhập hàng tháng cho quỹ tiết kiệm. Điều này giúp cô không làm ảnh hưởng đến tài chính cá nhân và công việc kinh doanh riêng.
Cô bạn tâm sự: “Thời điểm Covid-19 ập đến, mình mới thấm cái câu: ‘Không ai nói trước được tương lai’. Giờ thu nhập của mình gấp nhiều lần ngày xưa, mình có thể đặt chân đến những quốc gia đắt đỏ. Nhưng mình luôn phải tiết kiệm và chi tiêu thận trọng. Vì mình nghĩ, ngày mai mình có thể sẽ mất hết".
Với quỹ tiết kiệm, Lan Anh đã chia làm 3 phần, dùng để gửi tiết kiệm và đầu tư.
- Khoản 1: Cô gửi tiết kiệm ngân hàng trong dài hạn. Vì cô quan điểm, gửi tiết kiệm vẫn là một kênh an toàn để giữ tiền dù lãi suất sinh lời không cao.
- Khoản 2: Cô để riêng và tích lũy dần, chờ thời gian phù hợp để đầu tư vào kênh có lãi suất sinh lời cao hơn, chẳng hạn như bất động sản.
- Khoản 3: Đây là một khoản nhỏ mà cô gửi tiết kiệm ngắn hạn trong ngân hàng, có thể rút ra bất cứ lúc nào cần tiền.
“Đây là một phần mình dùng làm phòng thân, đủ cho mình và gia đình có thể sống trong 6 tháng hoặc khi có những việc không kiểm soát được như là tai nạn hay bệnh tật thì có thể lấy ra. Nhiều khi, mình cũng có thể dùng số tiền này để bù vào trả lương cho nhân viên trong team nếu như doanh thu của tháng đó không ổn lắm”.
Từng trải qua tình cảnh thiếu tiền vì chi tiêu không hợp lý và công việc khó khăn, Lan Anh đưa ra lời khuyên cho những người trẻ mới ra trường, chưa quan tâm đến quản lý tài chính: “Mình nghĩ đời là đời người không ai có thể ở thời kỳ đỉnh cao mãi được. Bằng chứng là những tập đoàn lớn cũng sa thải rất nhiều nhân viên. Ngày hôm nay chúng ta có thể có mọi thứ từ tiền bạc, địa vị, tình yêu đến các mối quan hệ xã hội. Nhưng ngày mai, một chuyện gì vô tình ập đến cướp đi hết mọi thứ ta đang có thì sao?
Vậy nên, sự chuẩn bị lúc nào cũng cần thiết. Bạn nên tiết kiệm một khoản đủ để chi tiêu trong khoảng 6 tháng mà không phải đi làm. Vì mỗi chúng ta không ai có thể nói trước được tương lai cả”.