Ra tay chặn Trung Quốc, Mỹ nhanh chóng triển khai chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương

Phong Vân |

Đến nay, Mỹ bắt đầu chuyển sang giai đoạn triển khai cụ thể chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương về chính trị, quân sự, kinh tế, mà trước hết là đổi tên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, tăng cường kiềm chế Trung Quốc.

Ngày 21/5, người phát ngôn Lầu Năm Góc Mỹ Rob Manning cho biết để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, Mỹ chuẩn bị đổi tên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (Pacific Command) thành Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương (Indo-Pacific Command), điều này sẽ khái quát tốt hơn chức trách hiện nay của Bộ tư lệnh này.

Hãng Kyodo, Nhật Bản ngày 22/5 cho rằng hành động này cho thấy Mỹ rất coi trọng ứng phó Trung Quốc, quốc gia đang tăng cường hoạt động trên biển. Quan chức Chính phủ Mỹ cho biết tên mới sẽ được công bố trong Lễ bàn giao Tư lệnh Bộ tư lệnh dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 5/2018.

Điều đáng chú ý nữa là, trong Luật quốc phòng năm 2019, Quốc hội Mỹ đã bổ sung thêm vài điều khoản chống lại vai trò ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhấn mạnh sẽ cung cấp tài chính cho Bộ Quốc phòng tiến hành quy hoạch khu vực và bảo đảm năng lực quân sự, yêu cầu tăng cường "ý thức an ninh hàng hải ở Biển Đông và Ấn Độ Dương".

Sau đó, vào ngày 23/5, tàu khu trục Aegis USS Milius DDG-69, một trong những tàu khu trục tên lửa tiên tiến nhất của hải quân Mỹ mang theo tên lửa Tomahawk đã đến căn cứ quân Mỹ tại Nhật Bản, ý đồ rất rõ ràng.

Những năm gần đây, sức mạnh trên biển của Trung Quốc được tăng cường rất lớn. Điều này được đánh dấu bằng việc Trung Quốc đã cho chạy thử lần đầu tiên tàu sân bay thứ hai Type 001A, hơn nữa Trung Quốc cũng đã bắt đầu chế tạo tàu sân bay thứ ba có khả năng được trang bị máy phóng điện từ.

Ra tay chặn Trung Quốc, Mỹ nhanh chóng triển khai chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: Sohu.

Ngoài ra, Trung Quốc đã hạ thủy 2 tàu khu trục tên lửa mới Type 055 ở nhà máy đóng tàu Giang Nam, đồng thời sẽ còn hạ thủy 2 chiếc tương tự khác tại nhà máy đóng tàu Đại Liên. Sức mạnh trên biển của Trung Quốc đang tiếp tục được nâng cấp chính là một trong những nguyên nhân Mỹ đổi tên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương và quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản được bổ sung thêm tàu chiến.

Mỹ cho biết Mỹ triển khai thêm 3 tàu khu trục ở Nhật Bản lần này là nhằm bảo vệ an ninh và ổn định của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Được biết, trong thời đại Barack Obama, Mỹ bắt đầu thúc đẩy thực hiện chiến lược châu Á - Thái Bình Dương, có kế hoạch triển khai 60% lực lượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bắt đầu tăng cường triển khai không quân, hải quân và thủy quân lục chiến ở châu Á - Thái Bình Dương, chẳng hạn Hạm đội 3 vốn đóng ở Đông Thái Bình Dương đã bắt đầu điều động binh lực đến Tây Thái Bình Dương.

Sau khi ông Donald Trump lên cầm quyền, Mỹ đã đưa ra chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương . Tức là Mỹ không chỉ tăng cường triển khai quân sự ở Thái Bình Dương, mà còn tăng cường triển khai quân sự ở Ấn Độ Dương, kết nối hai đại dương lớn này với nhau.

Cụ thể là xây dựng khuôn khổ liên minh 4 nước "Mỹ - Nhật - Ấn - Úc", đồng thời liên kết với các nước liên quan, xây dựng đại liên minh thống nhất ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Tôn Thành Hạo, Trung tâm nghiên cứu Mỹ, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc, việc Mỹ đổi tên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương là dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đi vào triển khai cụ thể chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương cả về ngoại giao, quân sự và kinh tế.

Mỹ đang tiếp tục lôi kéo Ấn Độ vào quỹ đạo chiến lược của họ, xây dựng phiên bản NATO của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ra tay chặn Trung Quốc, Mỹ nhanh chóng triển khai chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương - Ảnh 2.
Tân Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Philip Davidson . Ảnh: Sohu.

Hiện nay, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương là Đô đốc Harry Harris, nhưng ông này đã được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc. Trong khi đó, người kế nhiệm là Đô đốc Philip Davidson.

Đô đốc Philip Davidson được cho là người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc không thua kém, thậm chí hơn cả Đô đốc Harry Harris. Philip Davidson chủ trương thực hiện chiến lược quốc phòng mới, tăng cường trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở Tây Thái Bình Dương nhằm "theo kịp các bước tiến hiện đại hóa nhanh chóng của Trung Quốc".

Về nhu cầu vũ khí, Philip Davidson đề xuất quân đội Mỹ cần có một loại vũ khí tấn công chính xác ở Thái Bình Dương với ba tính năng lớn là tầm xa, tốc độ cao và sát thương (tên lửa siêu thanh, tên lửa hành trình tàng hình), có thể trang bị cho tàu chiến, tàu ngầm, máy bay tuần tra và máy bay tác chiến triển khai trên căn cứ mặt đất như máy bay ném bom và máy bay chiến đấu.

Đô đốc Philip Davidson chủ trương tăng cường triển khai máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm ở khu vực Thái Bình Dương. Nói chung, sau khi Philip Davidson lên làm Tư lệnh, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương sẽ tiếp tục được tăng cường lực lượng tuyến đầu, mục tiêu là ngăn chặn có hiệu quả Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Do đó, thời gian tới, sức ép quân sự của Trung Quốc chắc chắn sẽ lớn hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại