Rà soát ứng viên GS, PGS: Tìm 'đỏ mắt' không thấy ai thiếu tiêu chuẩn

Nghiêm Huê |

Ngày 21/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) Phùng Xuân Nhạ có văn bản đề nghị Thủ tướng lùi thời hạn báo cáo kết quả rà soát các ứng viên giáo sư, phó giáo sư đến 28/2 thay vì 20/2 như trước đây. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, hiện một số HĐCDGS ngành và liên ngành đã hoàn tất việc rà soát nhưng vẫn không tìm ra được ứng viên nào không đủ tiêu chuẩn. Vì sao vậy?

GS Đinh Văn Sơn, Chủ tịch HĐCDGS ngành Kinh tế cho biết việc rà soát hồ sơ các ứng viên đã xong và đã nộp báo cáo lên HĐCDGSNN. GS Đinh Văn Sơn cũng khẳng định sau khi rà soát, tất cả các ứng viên đều đủ tiêu chuẩn.

Hội đồng làm theo đúng chuẩn quy trình, đúng văn bản. Được biết, ngành kinh tế năm 2017 có 1 ứng viên giáo sư với 5 bài báo ISI, Scopus; 77 ứng viên phó giáo sư, trong đó có 33 ứng viên có bài báo ISI, Scopus với 97 bài.

GS. TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học cho biết hiện hội đồng của ông đã rà soát xong và gửi báo cáo cho Chủ tịch HĐCDGSNN hôm 20/2. GS Vũ Minh Giang cho biết thêm, sau khi rà soát thì không phát hiện ra trường hợp nào hồ sơ có vấn đề.

“Trong quá trình xét trước đó, Hội đồng làm việc rất nghiêm túc. Năm nay có một điểm mới là trong tất cả các phiên họp hội đồng đều có giám sát, trong đó có giám sát của thanh tra Bộ GD&ĐT từ đầu đến cuối.

Khi rà soát lại cũng làm theo đúng hướng dẫn. Thường trực hội đồng xem xét lại hồ sơ lưu trữ. Sau đó, yêu cầu các ủy viên thường trực được giao nhiệm vụ sẽ thẩm định rà soát lại thông tin, tài liệu, hồ sơ.

Thẩm định xong họ báo cáo. Kết luận cuối cùng đều được ghi ở các phiếu thẩm định. Kết quả rà soát cho thấy, các ứng viên đều đáp ứng yêu cầu đặt ra của quy định hiện hành” - GS Vũ Minh Giang nói về quy trình rà soát.

Năm 2017, có 4 ứng viên giáo sư thuộc liên ngành Sử học - Khảo cổ học, nhưng không có giáo sư nào có bài báo ISI, Scopus. Liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học có 34 ứng viên phó giáo sư thì có 1 người có 1 bài báo ISI/Scopus.

Vấn đề là tiêu chuẩn đưa ra thấp

Trong khi đó, nhận định về hiệu quả của việc rà soát lại hồ sơ các ứng viên theo chỉ đạo của Thủ tướng, một chuyên gia cho rằng trong số hơn 1.200 ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2017 may ra có khoảng vài người không đủ tiêu chuẩn.

“Tôi chắc chắn, các ứng viên đều đủ tiêu chuẩn, thậm chí thừa điểm so với yêu cầu” - vị chuyên gia này cho hay. Theo vị chuyên gia này, lỗi không phải tại các ứng viên mà tại tiêu chuẩn đưa ra thấp.

Tuy nhiên, có một điều kiện mà nếu HĐCDGSNN hoặc HĐCDGS ngành, liên ngành có thể kiểm tra một cách nghiêm túc là quy định về trình độ tiếng Anh thì nhiều ứng viên sẽ “rụng”.

“Trong Quyết định số 174 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư có một tiêu chí đó là sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh.

Là người từng “va chạm” với nhiều ứng viên, tôi khẳng định nhiều ứng viên phó giáo sư, thậm chí cả giáo sư cũng không nói được tiếng Anh” - vị chuyên gia này khẳng định.

Ứng viên là quan chức, có nên không?

Trong danh sách các ứng viên giáo sư, phó giáo sư 2017 có rất nhiều người thuộc các viện nghiên cứu, tạp chí, nhà xuất bản, thậm chí cả quan chức. Trong số 85 ứng viên giáo sư năm 2017 thì ngành y học có tới 19 ứng viên.

Trong 19 ứng viên thì có 10 ứng viên không thuộc các trường ĐH mà thuộc viện nghiên cứu, bệnh viện như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế...

Với 1.141 ứng viên phó giáo sư thì ngành y học cũng có tới 173 ứng viên. Trong số này, ứng viên đang công tác tại các trường ĐH chiếm tỷ lệ rất nhỏ, còn lại chủ yếu ở các bệnh viện, sở y tế.

Có ứng viên thuộc công ty TNHH MTV, có ứng viên thuộc Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ngành Sinh học có 49 ứng viên phó giáo sư thì có 20 người không thuộc các trường ĐH mà làm việc tại các viện nghiên cứu, bảo tàng, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn.

"Họ đăng ký xét như thế thì sẽ có nhiều ưu ái, vì họ có nhiều quan hệ. Quan chức cũng được xét giáo sư, phó giáo sư là một sai lầm. Nó làm hỏng hệ thống chức danh giáo sư, tiến sĩ. Do đó, theo tôi nhà nước cần thay đổi chính sách".

PGS Phạm Đức Chính - Viện Cơ học

Trong khi đó, theo Quyết định số 20 của Thủ tướng Chính phủ năm 2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 174 năm 2008, tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với những người đang làm việc ở các cơ quan, tổ chức không phải là cơ sở giáo dục ĐH, có tham gia giảng dạy từ trình độ ĐH trở lên tại cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam thì phải có công trình khoa học, công nghệ đặc biệt xuất sắc đã được công bố và đánh giá cao; được tặng giải thưởng lớn ở trong nước hoặc ở nước ngoài.

Như vậy, với những ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2017 đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức không phải là cơ sở giáo dục thì có bao nhiêu người đạt được tiêu chí mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra?

PGS Phạm Đức Chính, Viện Cơ học cho rằng quan chức không nên làm hồ sơ xét duyệt giáo sư, phó giáo sư.

Vì nguyên tắc xét tiêu chuẩn ứng viên giáo sư, phó giáo sư là dành cho những người nghiên cứu có tham gia đào tạo tiến sĩ và giảng viên các trường ĐH.

Nhưng ở Việt Nam có nhiều trường hợp là quan chức không liên quan đến giảng dạy vẫn làm hồ sơ. “Họ đăng ký xét như thế thì sẽ có nhiều ưu ái, vì họ có nhiều quan hệ. Quan chức cũng được xét giáo sư, phó giáo sư là một sai lầm.

Nó làm hỏng hệ thống chức danh giáo sư, tiến sĩ. Do đó, theo tôi nhà nước cần thay đổi chính sách” - PGS Chính nói.

Ngoài ra, PGS Phạm Đức Chính cũng cho rằng khoa học cũng phải theo tiêu chuẩn quốc tế.

Không thể có cải cách chức danh giáo sư, tiến sĩ hướng tới hội nhập quốc tế thực sự nếu không lập mới hoàn toàn các HĐCDGS ngành và NN dựa theo tiêu chí thành tích quốc tế.

PGS Phạm Đức Chính khẳng định trong khi nền kinh tế đã bắt đầu chuyển hướng tới thị trường và hội nhập từ 30 năm trước, và chương trình nghiên cứu cơ bản đã cải cách thành công được gần 10 năm, thì hệ thống chức danh giáo sư, tiến sĩ của Việt Nam vẫn kiên trì tư duy bao cấp cũ.

Chính vì vậy, PGS Chính đề xuất giải tán các HĐCDGS ngành, liên ngành hiện nay. Ông cũng cho biết, việc yêu cầu chính các HĐCDGS rà soát lại hồ sơ ứng viên khó đem lại kết quả, vì chắc chắn các ứng viên vẫn đủ điểm.

Do đó, cần một hội đồng đánh giá độc lập như mời hội đồng của Quỹ Nafosted (Quỹ phát triển khoa học và Công nghệ quốc gia).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại