Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh góp ý về dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Theo quyết định của tỉnh Quảng Ninh, tổng mức đầu tư dự án cao tốc Móng Cái - Vân Đồn là khoảng 16.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu và huy động của nhà đầu tư là 13.400 tỷ đồng; vốn Nhà nước tham gia là hơn 2.500 tỷ đồng.
Chiều dài đường cao tốc khoảng 91 km, đi qua 5 huyện: Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Suất đầu tư dự án đường bộ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là 146,69 tỷ đồng một km đường cao tốc. Suất đầu tư này cao hơn khoảng 20 tỷ đồng so với suất đầu tư xây dựng công trình cao tốc 4 làn xe theo quyết định 706 của Bộ Xây dựng, khoảng 122,49 tỷ đồng/km và định mức chi phí xây dựng là 100,32 tỷ đồng/km.
Do đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị tỉnh Quảng Ninh rà soát lại cách tính suất vốn đầu tư bao gồm phương án thiết kế, quy mô đầu tư hợp lý để đảm bảo hiện quả, phù hợp với định mức của Bộ Xây dựng công bố.
Trường hợp có lý do dự án có tính riêng biệt, địa hình, vận chuyển khó khăn cần đề nghị nêu rõ trong báo cáo thuyết minh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Ngoài vấn đề suất đầu tư, lãi suất vay vốn của ngân hàng thương mại của dự án cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tỉnh Quảng Ninh rà soát chặt chẽ.
Cụ thể, tỉnh này đã đưa 2 phương án tính toán chỉ tiêu tài chính, nhưng chưa kiến nghị lựa chọn phương án cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Quảng Ninh lựa chọn phương án cụ thể để lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu.
Về vốn vay, vốn vay phải đảm bảo nguyên tắc không vượt quá lãi suất trung bình cho vay trung và dài hạn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước.
Dự án cao tốc Móng Cái - Vân Đồn được đầu tư bằng hình thức xây dựng, kinh doanh, chuyển giao (BOT) có thu phí, dự án trên chủ đầu tư cũng vay vốn của ngân hàng trong nước... Chính vì vậy, suất đầu tư và lãi suất vay vốn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức phí, thời gian thu phí của vòng đời dự án, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh bổ sung ngay phương án về thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ bằng điện tử không dừng. Theo quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội từ năm 2019, tất cả các dự án BOT phải thực hiện việc thu phí không dừng.