Rà soát hộ nghèo kiểu gì mà 2 con trâu cũng được chấm như 15 con trâu

Hùng Trung Nguyên |

“Theo tôi, việc hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo chưa hợp lý trong việc chấm điểm tài sản. Theo đó, xe máy 2 triệu cũng bằng 15 triệu, 2 con trâu cũng được chấm như 15 con trâu” - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy nói tại phiên thảo luận ở tổ ngày 24.10.

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Ma Thị Thuý, báo cáo của Chính phủ đánh giá 03 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS,MN) giai đoạn 2016 - 2018 đã chỉ rõ nhiều thành tựu trong việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong phát triển xã hội, đặc biệt về công tác xoá đói giảm nghèo, y tế, giáo dục và đầu tư công trình dân sinh.

Tuy nhiên, theo bà Thuý, tỉ lệ thoát nghèo chưa bền vững. Cả nước còn hơn 31.000 hộ có thành viên là người có công là hộ nghèo. Chỉ tiêu hơn một năm nữa xoá toàn bộ hộ nghèo cho đối tượng này là khó, cần có giải pháp cụ thể.

Bà Thuý cho rằng, các chính sách hỗ trợ đồng bào cũng như giảm nghèo chưa thật sự công bằng, còn nhiều bất cập, vướng mắc, nhiều chính sách trùng lắp, nhiều cơ quan cùng quản lý. Ví dụ, chương trình 135 bao gồm Sở Kế hoạch Đầu tư, Ban Dân tộc, Sở Lao động Thương binh - Xã hội… rất vòng vo, mất thời gian.

“Một vấn đề đồng bào đang cần, cử tri đang bức xúc nhưng quy trình văn bản hồ sơ lòng vòng, có khi cả năm không giải quyết được”, bà Thúy nói.

Cũng theo bà Thuý, hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo chưa hợp lý trong việc chấm điểm tài sản.

“Hướng dẫn kiểu gì mà chấm điểm hộ gia đình có xe máy 2 triệu cũng bằng 15 triệu, 2 con trâu cũng được chấm như 15 con trâu”, bà Thúy dẫn chứng.

ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cũng bày tỏ băn khoăn tỉ lệ hộ nghèo còn cao, nguy cơ tái nghèo còn nhiều. Đặc biệt, theo bà Linh này, vấn đề thiếu đất cho bà con dân tộc ngày càng căng thẳng. Việc tổ chức tái định cư cho đồng bào chưa được ổn định.

Còn theo ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai), hiện có nhiều vấn đề nhức nhối trong việc phát triển đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đó là vấn đề đất canh tác cho bà con ngày càng bị thu hẹp; cơ cấu vật nuôi cây trồng chưa bền vững, tình trạng được mùa mất giá vẫn triền miên diễn ra.

“Tín dụng đen đã ăn sâu vào ngóc ngách bản làng, nhiều gia đình, đặc biệt đồng bào dân tộc mất tư liệu sản xuất, gây khốn quẫn. 

Điều này chứng minh người dân thiếu vốn, đang rất cần nhưng khó tiếp cận vì thủ tục, thông tin còn hạn chế. Trong khi đó, tín dụng đen rất khó xử lý, đặc biệt liên quan đến xã hội đen rất khó khăn" - ông Vượt thẳng thắn nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại