Thôn Tân An, xã An Hòa (Quỳnh Lưu) là nơi tập trung nuôi hàu dưới sông ngập mặn nhiều nhất ở Quỳnh Lưu. Nghề này có từ lâu đời và nhờ nuôi hàu, nhiều gia đình đã có cuộc sống khá hơn. Tuy nhiên, ở thời điểm này, hàng chục hộ nuôi hàu lại thất vọng vì mất mùa.
Do mất mùa nên tại các bè nuôi hàu ở sông ngập mặn vắng cảnh người đến thu hoạch. Ảnh: Việt Hùng. Ảnh: Việt Hùng
Sau khi ăn Tết xong, gia đình chị Nguyễn Thị Linh ra sông thu hoạch hàu. Những năm trước, cứ 1 lần ra bè vớt lên rồi tách gỡ được khoảng 7 - 9 kg ruột hàu, nhưng hiện giờ do mất mùa nên chỉ được 3 - 4 kg; mỗi lần thu hoạch cách nhau 7 - 10 ngày.
"Gia đình nuôi 5 bè với hơn 2.000 xâu hàu, những năm được mùa, mỗi bè cho thu nhập trên 10 triệu đồng; năm nay không riêng gia đình tôi mà nhiều hộ cũng không có hàu thu hoạch, nếu có thì chỉ vài kg là nhiều" - chị Linh nói.
Năm nay hàu mất mùa, mỗi hộ nuôi chỉ được 2 - 3 triệu đồng. Ảnh: Việt Hùng
Toàn xã An Hòa có khoảng 40 hộ làm nghề nuôi hàu với hơn 200 bè. Thời gian thu hoạch trong thời điểm từ tháng 2 - 5 và từ tháng 10 - 12 DL; sau khi gỡ ruột hàu ra, người dân tập kết vỏ hàu lại thành chùm rồi tiếp tục thả xuống sông.
Sau 10 - 12 tháng nuôi, chúng sẽ được vớt lên để thu hoạch tiếp.
Theo các hộ dân cho biết, trong 2 năm trở lại đây, nghề nuôi hàu trở nên khó khăn vì không đạt năng suất. Trong số hơn 40 hộ nuôi thì chỉ có khoảng 20 hộ là có thu hoạch nhưng sản lượng rất thấp; bình quân 1 đợt thu hoạch, hộ được nhiều cũng chỉ từ 2 - 3 kg ruột.
Hàu nuôi tự nhiên dưới sông ngập mặn; thời gian thu hoạch từ tháng 2 - 5 và từ tháng 10 - 12 DL. Ảnh: Việt Hùng
Do mất mùa nên hàu hiện có giá bán cao kỷ lục, từ 200.000 - 220.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với các năm trước.
Theo ông Lê Xuân Quyết - Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa: Địa phương có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi hàu. Thời gian qua, các hộ dân đầu tư làm bè chắc chắn để nuôi. Nghề này không đòi hỏi đầu tư nhiều, nhưng nếu được mùa thì giá trị mang lại rất cao.
Tuy nhiên, bước vào vụ năm nay, sản lượng hàu thu hoạch đạt thấp, không đủ cung cấp ra thị trường. Qua kiểm tra, đánh giá, nguyên nhân chính khiến hàu không đạt năng suất một phần là do ô nhiễm từ nguồn nước.
Cùng với đó, xuất hiện loại vẹm đen bám vào làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của con hàu, giảm cả năng suất và chất lượng.
"Trước thực trạng trên, địa phương tuyên truyền bà con tiếp tục bám nghề, có phương án xử lý loại vẹm đen, đồng thời thay đổi cách nuôi để đạt hiệu quả tốt hơn" - ông Lê Xuân Quyết cho biết thêm.
Do mất mùa nên hàu có giá bán cao kỷ lục 200.000 - 220.000 đồng/kg. Ảnh: Việt Hùng
Trong khi hàu nuôi mất mùa thì ở nhiều xã ven biển ở Quỳnh Lưu đang tích cực ra sông ngập mặn, bãi biển để săn hàu tự nhiên.
Hàu là loại có giá trị dinh dưỡng đặc biệt đối với sức khỏe nam giới, tốt cho tim mạch, sinh lý, tuần hoàn máu... nên được xem là vị thuốc bổ dưỡng, nhiều người còn gọi hàu là "thần dược".