Trung Quốc đang bước những bước đầu tiên trong việc thoát khỏi phụ thuộc vào các chip dựa trên nền tảng công nghệ độc quyền của hãng thiết kế chip ARM, thay thế bằng các giải pháp mã nguồn mở để củng cố khả năng tự cung tự cấp chip trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang.
Hãng bán dẫn Pingtouge Semiconductor của người khổng lồ thương mại điện tử Alibaba là người đi đầu trong việc chuyển khỏi ARM. Trong tháng Bảy vừa qua, Pingtouge đã giới thiệu XuanTie 910, bộ xử lý hướng đến đối tượng là các thiết bị Internet of Things và thiết bị liên lạc 5G.
Không dùng kiến trúc ARM, XuanTie 910 dùng kiến trúc RISC-V, kiến trúc tập lệnh mã nguồn mở dựa trên một dự án bắt đầu từ năm 2010 của Đại học California, Berkeley. Pingtouge từng tổ chức một hội thảo về việc thương mại hóa RISC-V tại Hội chợ bán dẫn Thượng Hải trong tháng Chín.
Bộ xử lý RISC-V XuanTie 910 của Alibaba với 16 lõi và xung nhịp 2,5 GHz.
Xây dựng khả năng tự phát triển và sản xuất các sản phẩm bán dẫn của riêng Trung Quốc là mục tiêu quan trọng của chiến lược "Made in China 2025" được công bố vào năm 2015. Kế hoạch này được xem là đòn bẩy đưa Trung Quốc lên hàng đầu so với các nền kinh tế hiện đại. Nhưng cuộc chiến thương mại với Mỹ đang chứng kiến các lệnh cấm xuất khẩu chip giáng vào các công ty lớn của Trung Quốc và làm gia tăng thêm tính cấp bách của nỗ lực này.
Mục tiêu trong chiến lược "Made in China 2025" là Trung Quốc sẽ tự chủ được 40% nhu cầu vào năm 2020 và đạt tới 70% vào năm 2025. Nhưng vào năm 2015, Trung Quốc mới chỉ tự chủ được 15% nhu cầu bán dẫn của mình, khiến giới quan sát nghi ngờ về khả năng đạt được mục tiêu ban đầu của chiến lược này.
Trong khi quốc gia này đang chậm chạp trong việc phát triển các thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất bán dẫn, Trung Quốc vẫn tự hào vì mình có một hãng như HiSilicon, một trong những nhà thiết kế bộ xử lý di động hàng đầu thuộc sở hữu của Huawei. Tuy nhiên, các thiết kế chip của HiSilicon vẫn có nguồn gốc từ các giấy phép của ARM.
Với tham vọng dùng RISC-V để thoát khỏi phụ thuộc vào ARM, nhiều nhà sản xuất chip Trung Quốc đang quan tâm đến các hội thảo về kiến trúc chip này.
Hiện tại ARM đã quay trở lại kinh doanh với Huawei sau những tháng dừng hợp tác với công ty Trung Quốc để tuân thủ các chỉ dẫn của Bộ Thương mại Mỹ khi đưa Huawei vào danh sách đen.
Dù sao đi nữa, nhiều chuyên gia tại Trung Quốc vẫn lo ngại rằng ngành công nghệ nước này sẽ bị cắt đứt hẳn các tài sản trí tuệ của ARM trong trường hợp chiến tranh thương mại trở nên căng thẳng hơn. Vì vậy nhiều nhà sản xuất chip Trung Quốc đang chuẩn bị cho các kế hoạch dự phòng bằng kiến trúc RISC-V.
Trong tháng Năm vừa qua, công ty Nhà nước Unisoc Technologies thông qua về việc ra mắt một chip Bluetooth để điều khiển tai nghe không dây dùng kiến trúc RISC-V. "Bởi vì Bluetooth là công nghệ kết nối đã hoàn thiện, các thiết bị bán dẫn liên quan có thể được thiết kế hoàn toàn bằng kiến trúc RISC-V." Hideki Maeno của IHS Markit cho biết.
MiBand 4, thiết bị đeo của Xiaomi sử dụng bộ xử lý của Huami với kiến trúc RISC-V.
Trong tháng Tám, Huami, một công ty con của Xiaomi, đã ra mắt các thiết bị đeo với chip tự thiết kế bằng kiến trúc RISC-V. Trong khi đó, Huawei đã tham gia vào tổ chức RISC-V Foundation, đơn vị đi đầu trong việc phát triển kiến trúc này và có cả các thành viên tên tuổi như Google và IBM. HiSilicon cũng cho thấy đã bắt đầu phát triển các chip RISC-V.
"Việc truyền bá RISC-V ở Trung Quốc có thể cánh cổng mở ra việc phổ biến trên toàn cầu." CEO Shumpei Kawasaki của Software Hardware & Consulting, một hãng thiết kế chip có chi nhánh tại Nhật, Mỹ và Việt Nam, và là một thành viên thuộc tổ chức RISC-V Foundation cho biết.
Trong khi các nhà sản xuất chip tại Nhật, Mỹ và châu Âu vẫn đang chần chừ trong việc chấp nhận RISC-V, Trung Quốc với tư cách là thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới, nhiều khả năng sẽ trở thành người đi đầu cho việc phát triển RISC-V.
Tham khảo Nikkei