Lời tuyên chiến ngầm với Iran
Không quá muộn sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran và cũng chẳng quá sớm trước 2 thời điểm đặc biệt (áp dụng hay không áp dụng các biện pháp thuế quan bảo hộ thương mại đối với EU từ ngày 1/6 tới và cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên dự kiến vào ngày 12/6 này), phía Mỹ công bố những điều kiện và đòi hỏi đặt ra cho Iran.
Tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo làm việc ấy trong bài phát biểu ngày 21/5 vừa qua ở Quỹ Heritage.
Trong 12 điểm, ông Pompeo phác hoạ diện mạo chính sách của Mỹ đối với Iran cho thời gian sau khi Mỹ rút khỏi thoả thuận nói trên.
Thông điệp cốt lõi của ông Pompeo là phía Mỹ tìm kiếm thoả thuận mới với Iran, bao trùm tất cả các lĩnh vực chính sách cũng như mọi phương diện của quan hệ song phương giữa hai nước.
Mỹ không theo đuổi mục tiêu lật đổ chính thể ở Iran mà coi đó là chuyện của người dân ở Iran. Nhưng nếu muốn đạt được thoả thuận với Mỹ thì phía Iran phải thay đổi bản chất chính thể.
Nếu Iran đáp ứng yêu sách của Mỹ thì phía Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt, sẽ bình thường hoá quan hệ hoàn toàn và viện trợ Iran về tài chính và kinh tế để phát triển.
TT Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran
Ông Pompeo cho biết Mỹ sẽ dùng "những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất trong lịch sử" để buộc Iran phải khuất phục. Cách tiếp cận của Mỹ ở đây là làm cho Iran lụi bại về kinh tế để Iran phải đáp ứng điều kiện của Mỹ.
Nội dung cốt lõi của bản danh sách 12 điểm nói trên của ông Pompeo là Iran phải từ bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn cả chương trình hạt nhân lẫn tên lửa; Iran phải chấm dứt đe doạ an ninh của những đồng minh của Mỹ ở khu vực; Iran phải chấm dứt ủng hộ chính phủ Syria, Hamas ở Palestin, Hezbollah ở Lebanon và người Houthi ở Yemen cũng như Taliban và al-Qeada.
Ông Pompeo còn khẳng định Mỹ sẽ trừng phạt cả những đối tác thứ ba tiếp tục hợp tác với Iran.
Trong thực chất, những phát biểu này của ông Pompeo chẳng khác gì lời tuyên chiến với Iran. Ở đây cũng thấy phảng phất cách tiếp cận như ông Trump đã thể hiện với Triều Tiên là không thay đổi thể chế mà sẵn sàng đạt thoả thuận, nhưng nếu không đạt được thoả thuận với Mỹ thì số phận sẽ như Libya, không trực tiếp bằng quân sự mà gián tiếp bằng sự đổ sụp về kinh tế.
Tính khả thi của bản danh sách những nguyện ước này của Mỹ phi thực tế cũng chính ở đó. Cả Iran lẫn Triều Tiên đều rất khác Libya về mọi phương diện và đều không để bị sa vào cái bẫy của Mỹ như Libya. Áp đặt điều kiện là điều cả hai nước này sẽ không chấp nhận.
Mục tiêu lớn của Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: REUTERS
Ông Pompeo tung ra danh sách đòi hỏi này vào thời điểm hiện tại nhằm 5 mục tiêu sau:
Thứ nhất, chính quyền của ông Trump cần có cái gì đó để thay thế sau khi quyết định rút khỏi JCPOA, để thể hiện chủ định không phải đàm phán lại về JCPOA mà nhằm đến thoả thuận hoàn toàn mới với Iran mà trong đó vấn đề hạt nhân của Iran chỉ là một phần.
Phía Mỹ đặt những điều kiện tiên quyết cho đàm phán với Iran và làm như thế không bị áp lực thời gian trong chuyện này.
Thứ hai, ông Trump muốn gây dựng dấu ấn riêng trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran nói riêng và xử lý toàn bộ mối quan hệ của Mỹ với Iran nói chung như hiện đang theo đuổi với Triều Tiên, qua đó làm lu mờ và xoá bỏ thành quả cầm quyền của người tiền nhiệm.
Thứ ba, ông Trump theo đuổi mục tiêu thay đổi cục diện chính trị an ninh ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh bằng cách làm suy yếu Iran hoặc thay đổi bản chất chính thể ở Iran.
Xem ra, phía Mỹ hiện cho rằng Iran là mắt xích chiến lược then chốt nhất, khuất phục được Iran thì Mỹ sẽ giải quyết được hàng loạt những vấn đề khác đối với Mỹ ở khu vực, giúp Mỹ khôi phục vị thế, vai trò và ảnh hưởng chi phối ở khu vực.
Thứ tư, phía Mỹ muốn dùng chuyện với Iran để phát đi thông điệp về phía Triều Tiên hướng tới cuộc gặp giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, hàm ý răn đe và cảnh báo Triều Tiên, gia tăng áp lực buộc Triều Tiên cũng phải chấp thuận điều kiện của Mỹ.
Thứ năm, Mỹ làm Nga và EU thêm khó xử để buộc họ cần đến Mỹ hơn. Đối với Nga, mục đích của Mỹ là phân hoá Nga với Iran. Đối với EU, mục đích của Mỹ là dùng việc doạ sẽ áp dụng trừng phạt những công ty và cá nhân của EU duy trì hợp tác với Iran để buộc EU quy phục Mỹ cùng đối phó Iran.
Nội dung phát biểu này của ông Pompeo cho thấy phía Mỹ đã hạ quyết tâm tiến hành trận chiến quyết định cuối cùng với Iran. Tuyên chiến thì dễ chứ còn thắng thì mới khó và hiện chưa thấy có cơ sở thực tế nào cho thấy rồi đây Mỹ sẽ thắng trong trận chiến này.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại