heo The Hindu, mùng 5/10 năm ngoái, Ấn Độ và Nga đã ký hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga sau nhiều năm thảo luận. Tuy nhiên, trong thời gian đó, bộ luật mới của Mỹ có tên gọi "Chống lại các đối thủ của Mỹ qua hoạt động trừng phạt hay còn gọi là CAATSA" đã được Quốc Hội Mỹ thông qua và theo đó, Ấn Độ có thể bị trừng phạt khi mua vũ khí Nga.
Thỏa thuận hợp tác quân sự với Nga có ý nghĩa ra sao với Ấn Độ?
Một năm sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Putin ký thỏa thuận trị giá 5,4 triệu USD để mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, thỏa thuận này vẫn tiếp tục phủ bóng mây đen qua mối quan hệ gắn bó Ấn Độ-Mỹ.
Đầu tuần trước, thậm chí khi Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar đang họp bàn với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo ở Washington, một quan chức Mỹ đã nhắc nhở Ấn Độ về "những rủi ro" mà thỏa thuận hợp tác Ấn Độ-Nga mang lại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố hôm thứ Ba rằng: "Chúng tôi hối thúc tất cả các đối tác và đồng minh không mua từ Nga vì điều đó có thể bị trừng phạt theo điều khoản của CAATSA".
Ấn Độ hy vọng Mỹ sẽ tăng cường mối quan hệ song phương về kinh tế, phòng thủ và chiến lược với nước này và bỏ qua những hiềm khích trong việc mua vũ khí Nga.
Điều này được nhắc đến ngay sau khi ông Jaishankar nói về ý định mua vũ khí Nga của Ấn Độ.
Bàn luận về vấn đề này, ông Jaishankar nói với Washington rằng: "Chúng tôi không muốn bất cứ nước nào nhắc chúng tôi về việc mua gì, không mua gì từ Nga cũng như việc bất cứ nước nào nói với chúng tôi mua hay không mua gì đó từ Mỹ". Điều này khẳng định mối quan hệ gắn bó của Ấn Độ với Nga cũng như tầm quan trọng của hệ thống S-400.
Vì sao S-400 lại quan trọng?
Thỏa thuận mua hệ thống S-400 làm gia tăng mối quan hệ quốc phòng Ấn Độ-Nga tại thời điểm nhiều biến động hồi năm ngoái.
Nga là nhà cung cấp thiết bị, vũ khí quốc phòng lớn nhất của Ấn Độ, vượt qua nhiều lần nhà cung cấp Mỹ trong những năm vừa qua. Thực tế này cho thấy mức độ quan hệ song phương giữa hai nước hùng mạnh.
Ông Putin và ông Modi đã đẩy mối quan hệ song phương này lên mức phát triển mới tại hội nghị thượng đỉnh ở Sochi hồi tháng 5, sự kiện diễn ra sau khi ông Putin có chuyến thăm Delhi hôm 5/10/2018 và một thỏa thuận hợp tác được công bố.
Ấn Độ có phải là nước duy nhất đang đối mặt với đạo luật CAATSA?
Thật trùng hợp, CAATSA hiện đã được Mỹ áp dụng 2 lần và cả 2 lần đều nhằm vào các nước mua S-400 của Nga. Hồi tháng 9/2018, Mỹ đã thông báo trừng phạt Trung Quốc vì mua S-400 và máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35.
Washington cũng trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 hồi tháng 7 năm nay sau khi nước này nhận được lô S-400 đầu tiên từ Nga.
Phản ứng của Ấn Độ với mối đe dọa trừng phạt vì mua S-400 từ Mỹ khá thẳng thắn và cho thấy Ấn Độ thực sự coi trọng hợp đồng mua vũ khí này từ Nga. Ấn Độ hy vọng Mỹ sẽ tăng cường mối quan hệ song phương về kinh tế, phòng thủ và chiến lược với nước này và bỏ qua những hiềm khích trong việc mua vũ khí Nga.
Tuy nhiên, nếu không, Ấn Độ cũng sẵn sàng "vượt qua cơn bão", quan chức Ấn Độ cho hay.