Theo nguồn tin thân cận, hồi tháng 4, chính phủ Ấn Độ đã tiếp cận hơn 1.000 công ty tại Mỹ và thông qua các phái bộ ở nước ngoài để khuyến khích các nhà sản xuất tìm cách rời khỏi Trung Quốc. Ấn Độ đang ưu tiên các nhà cung cấp thiết bị y tế, đơn vị chế thực phẩm, dệt may, sản xuất đồ da và phụ tùng ô tô trong số 550 loại sản phẩm được đề cập trong các cuộc thảo luận.
Động thái chỉ trích Trung Quốc về phản ứng với đại dịch của ông Trump có thể sẽ khiến quan hệ thương mại toàn cầu tiến triển theo hướng tồi tệ, khi các công ty và chính phủ đang dần chuyển nguồn lực ra khỏi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Mới đây, Nhật Bản đã chi 2,2 tỷ USD để kêu gọi các công ty di dời hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc, trong khi các nước thành viên EU cũng lên kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào quốc gia này.
Đối với Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi, việc hoạt động đầu tư từ nước ngoài được thúc đẩy mạnh mẽ sẽ giúp nền kinh tế nước này hồi phục sau 8 tuần phong toả để kiểm soát dịch bệnh và giúp ông đạt mục tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất đạt 25% GDP trong năm 2020, tăng từ mức 15%. Hơn nữa, nhu cầu tạo việc làm ở thời điểm hiện tại thậm chí còn trở nên cấp bách hơn, sau khi Covid-19 đẩy 122 triệu người Ấn Độ rơi vào cảnh thất nghiệp và khiến nước này phải đóng cửa tất cả các thành phố lớn.
Ngoài ra, việc thu hút các công ty Mỹ đến Ấn Độ cũng là cơ hội cuối cùng để vượt qua giai đoạn cải cách về đất, lao động và thuế bị đình trệ trong thời gian dài, khiến các khoản đầu tư bị cản trở trong nhiều năm. Nhiệm kỳ thứ 2 của ông Modi gặp nhiều trắc trở bởi các cuộc biểu tình trên toàn quốc nổ ra, diễn ra sau khi đảng của ông dành chiến thắng vào năm trước. Do đó, kế hoạch cải cách cũng đối mặt với nhiều rủi ro.
Paul Staniland– phó giáo sư tại Đại học Chicago, nhận định: "Ấn Độ có cơ hội để giành được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng điều này sẽ đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc vào cơ sở hạ tầng và quản trị. Nước này phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những quốc gia Nam và Đông Nam Á."
Giới chức Ấn Độ đã thuyết phục các công ty rằng, quốc gia này có lợi thế về việc sử dụng đất và lao động lành nghề với chi phí hợp lý hơn so với việc các công ty quay trở lại Mỹ hoặc Nhật Bản, dù tổng chi phí vẫn cao hơn Trung Quốc. Ngoài ra, họ cũng đảm bảo rằng Ấn Độ sẽ xem xét các yêu cầu cụ thể về thay đổi luật lao động.
Giới chức tiết lộ, Ấn Độ kỳ vọng sẽ thuyết phục được các công ty sản xuất sản phẩm và thiết bị y tế của Mỹ, hiện đang thảo luận với Medtronic Plc và Abbott Laboratories về việc chuyển các cơ sở đến quốc gia này. Cả Medtronic và Abbott đều đã có được sức ảnh hưởng tại Ấn Độ, đây chính là yếu tố thúc đẩy các công ty này di dời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc và tìm đến Ấn Độ.
Sự thúc đẩy mạnh mẽ của chính quyền ông Modi diễn ra khi Ấn Độ nỗ lực lấy lại "chỗ đứng" trong chuỗi cung ứng, khi nhiều công ty lựa chọn những địa điểm khác như Việt Nam sau thời điểm thương chiến Mỹ - Trung nổ ra. Ông Modi đã nỗ lực thu hút thêm các khoản đầu tư của Mỹ và cải thiện mối quan hệ 2 bên thông qua việc giảm thuế doanh nghiệp và 1 thoả thuận quốc phòng 3 tỷ USD.
Trong tháng 4, Ấn Độ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấp xuất khẩu hydroxychloroquine và paracetamol theo yêu cầu từ phía Tổng thống Trump. Hơn nữa, nước này cũng phê duyệt khoản đầu tư 130 tỷ rupee (1,7 tỷ USD) nhằm tăng sản xuất các loại thuốc và thiết bị y tế số lượng lớn, đồng thời thúc đẩy sản xuất các loại dược phẩm trung gian và thành phần trong đó để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.