Quyết định thu hồi C2 nhiễm chì chậm 1 tháng: Cục Quản lý cạnh tranh nói gì?

Diệu Thùy |

Sau khi bị xử phạt, URC vẫn chưa thu hồi được bất kỳ sản phẩm nước Rồng đỏ nhiễm chì nào, cùng với 22.016 thùng C2 nhiễm chì đã bán ra, ông Cao Xuân Quảng, Cục quản lý cạnh tranh cho biết.

Hơn 800.000 chai nước Tăng lực Rồng đỏ của công ty URC bị nhiễm chì đã bán ra thị trường nhưng URC vẫn chưa thu hồi được bất kỳ sản phẩm nào kể từ khi có quyết định xử phạt.

Ngày 31 tháng 05 năm 2016, Thanh tra Bộ Y tế đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH URC Hà Nội số tiền 5,8 tỷ đồng về một số các vi phạm trong đó có hành vi sản xuất, phân phối sản phẩm Trà xanh hương chanh C2 (NSX 04/02/2016; HSD 04/02/2017) và nước Tăng lực Rồng đỏ (NSX 10/11/2015; HSD 10/08/2016).

Chúng có hàm lượng chì cao quá mức công bố và yêu cầu toàn bộ hai lô sản phẩm có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép phải thu hồi, tiêu hủy.

Quyết định thu hồi C2 nhiễm chì chậm 1 tháng: Cục Quản lý cạnh tranh nói gì? - Ảnh 1.

Một số sản phẩm Trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ bị thu hồi vì có hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn công bố

Chia sẻ với PV Báo điện tử Infonet, ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng- Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết: "Theo báo cáo của Công ty TNHH URC Hà Nội, sản phẩm Trà xanh hương chanh C2 (NSX 04/02/2016; HSD 04/02/2017) đã sản xuất và bán ra thị trường 23.200 thùng, thu hồi và tiêu hủy 1,184 thùng.

Như vậy, đã bán ra và chưa thu hồi được là: 22.016 thùng (tương đương 528,384 sản phẩm).

Nước Tăng lực Rồng đỏ (NSX 10/11/2015; HSD 10/08/2016) đã sản xuất và bán ra thị trường 17,990 thùng (tương đương 863.520 sản phẩm). Kể từ khi có quyết định xử phạt đến nay đã hơn một tháng nhưng URC vẫn chưa thu hồi được bất kỳ sản phẩm nào.

Vì sao Thanh tra Bộ Y tế đã chính thức ra quyết định xử phạt thu hồi cách đây hơn 1 tháng nhưng mới đây Cục Quản lý cạnh tranh mới có thông báo thu hồi?

Lý giải về điều này, ông Cao Xuân Quảng, cho biết: Căn cứ Khoản 3, Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các sản phẩm nói trên là hàng hóa có khuyết tật gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng và theo quy định tại Điều 22 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Công ty URC phải có trách nhiệm thu hồi sản phẩm khuyết tật nói trên.

"Với vai trò là cơ quan thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngay sau khi có thông tin về quyết định của Bộ Y tế, trong tháng 06/2016, Cục QLCT đã tổ chức một số buổi làm việc với đại diện Công ty TNHH URC Hà Nội.

Để hướng dẫn và yêu cầu Công ty thực hiện việc thu hồi sản phẩm khuyết tật theo các nội dung được quy định tại Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", ông Quảng cho biết.

Cụ thể, Cục QLCT yêu cầu URC kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường.

Đồng thời, thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa.

Theo ông Quảng, để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về kế hoạch thu hồi sản phẩm khuyết tật, căn cứ báo cáo của Công ty URC nên ngày 30 tháng 6 năm 2016, Cục QLCT đã có Thông cáo báo chí cung cấp thông tin về vụ việc.

Trong đó, ngoài việc cung cấp thông tin về sản phẩm liên quan, Cục cũng khuyến cáo người tiêu dùng ngừng sử dụng sản phẩm có liên quan, kiểm tra kỹ thông tin của sản phẩm tương tự, cung cấp thông tin của doanh nghiệp và đường dây nóng bảo vệ người tiêu dùng của Cục để người tiêu dùng liên hệ….

"Hiện tại, Cục QLCT đang tích cực giám sát việc việc xây dựng, thực hiện Chương trình thu hồi của Công ty TNHH URC Hà Nội và sẽ tiếp tục có các thông báo tới người tiêu dùng và các cơ quan truyền thông, báo chí trong thời gian tới", vị Trưởng phòng Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại