Thông điệp được ông Trump công bố trong bài phát biểu ở căn cứ quân sự Fort Myer, bang Virginia, ngày 21.8 vừa qua (theo giờ địa phương).
Gần 16 năm trước đây, Mỹ phát động cuộc chiến tranh ở Afghanistan để rửa hận cho sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 ở New York, trong nhận thức là chính thể Taliban khi ấy ở Afghanistan đã tiếp tay cho mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qeada tiến hành tấn công nước Mỹ.
Mỹ lật đổ được thể chế Taliban ở Afghanistan, thiết lập được chính thể mới ở xứ này, nhưng không tiêu diệt được Taliban, không vãn hồi được an ninh và ổn định chính trị xã hội được cho Afghanistan.
Hai người tiền nhiệm của ông Trump ở Nhà Trắng là George W. Bush và Barack Obama đã để lại cho ông Trump cái di sản hiện tại chẳng hay ho gì ở Afghanistan.
Ông Bush phát động chiến tranh nhưng rồi không kết thúc nổi. Ông Obama tuyên cáo chấm dứt cuộc chiến tranh này nhưng trên thực tế hiện vẫn còn 8.400 binh lính Mỹ ở Afghanistan và chiến sự ở nơi đây vẫn tiếp diễn.
Ông Bush có chiến lược cho cuộc chiến tranh nhưng không có chiến lược cho việc rút nước Mỹ ra khỏi cuộc chiến. Ông Obama rút phần lớn binh lính Mỹ khỏi Afghanistan nhưng cũng không có được chiến lược cho thời hậu chiến ở Afghanistan.
Trước khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Trump luôn lớn giọng phê phán việc Mỹ đổ công của ra tiến hành chiến tranh ở nước ngoài và đòi rút hết binh lính Mỹ về nước. Khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" của ông Trump cũng được đưa ra và hiểu theo hướng ấy.
Tổng thống Trump công bố chiến lược của mình về vấn đề Afghanistan trong bài phát biểu trước toàn dân Mỹ từ căn cứ Fort Myer, Virginia ngày 21/8 (Ảnh: JOSHUA ROBERTS/REUTERS)
Bài phát biểu mới của tổng thống Trump được coi là sự thể hiện chiến lược riêng của ông đối với Afghanistan. Trong đó, ông cho thấy đã có sự thay đổi nhận thức rất cơ bản.
Ông Trump không còn theo đuổi chủ ý rút quân Mỹ về, cũng không định ra thời hạn cụ thể cho việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan và để ngỏ việc triển khai thêm binh lính Mỹ đến Afghanistan. Thật ra thì trước đó ông đã uỷ quyền cho Bộ trưởng quốc phòng James Mattis tự quyết định việc này, cũng như tự quyết định việc tăng cường hoạt động quân sự ở Afghanistan.
Như thế có nghĩa là ông Trump tuy không đâm lao nhưng đã quyết định theo lao đến cùng ở Afghanistan. Như thế có nghĩa là "Nước Mỹ trước hết" đã trở thành "Afghanistan trên hết" đối với Mỹ.
Qua đó có thể thấy mục tiêu mà ông Trump nhằm tới là bảo vệ sự tồn tại của chính thể hiện tại ở Afghanistan, đối phó những lực lượng khủng bố và tiếp tục dùng biện pháp quân sự làm suy yếu Taliban ở Afghanistan.
Những mục tiêu này về bản chất đâu có khác gì những mục tiêu mà ông Bush và ông Obama đã theo đuổi mà không đạt được trước khi rời nhiệm sở. Cái gọi là chiến lược mới của ông Trump đối với Afghanistan trên những phương diện này đâu có gì mới.
Cái mới ở đây có chăng chỉ là ông Trump đã rút ra được bài học thất bại "nói trước bước không qua" của hai người tiền nhiệm về chống khủng bố và tiêu diệt Taliban ở Afghanistan, về thời hạn chấm dứt chiến tranh và rút binh lính Mỹ về nước để dễ bề tiến thoái và không bị đánh giá là thất bại ở Afghanistan.
Chiến lược vớt vát
Cách tiếp cận của ông Trump trong vấn đề Afghanistan rõ ràng là cứ tiếp tục đối phó tình thế đã và trên cơ sở ấy vớt vát được gì thì vớt vát, tình thế quyết định chiến lược chứ không phải chiến lược nhằm xoay chuyển tình thế.
Cũng còn có cái mới nữa ở trong đó là ông Trump đòi hỏi các đồng minh trong NATO và đặc biệt Pakistan phải đồng hành với Mỹ nhiều hơn và thực chất hơn ở Afghanistan.
Với NATO, ông Trump chỉ kêu gọi và hối thúc trong khi với Pakistan còn cả răn đe và cảnh báo, thể hiện phía Mỹ sẽ làm găng hơn để buộc nước này ngả hẳn về phía Mỹ chứ không được bắt cá hai tay trong cuộc chiến chống khủng bố và chống Taliban.
Phía Pakistan chắc chắn càng thêm không hài lòng và lo ngại sâu sắc khi ông Trump đề cao vai trò của Ấn Độ trong việc bình ổn tình hình và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở Afghanistan. Cũng vì có sự đề cập đến cả Ấn Độ và Pakistan này mà cái gọi là chiến lược mới của ông Trump đối với Afghanistan còn được gắn cho cái mác "Chiến lược của Mỹ cho khu vực Nam Á".
Tuy để ngỏ khả năng dành cho bộ phận nhất định trong Taliban tham gia giải pháp chính trị ở Afghanistan khi điều kiện, hoàn cảnh và thời điểm thích hợp đối với Mỹ, ông Trump về cơ bản vẫn tuyên chiến với Taliban. Điều này có phần trái ngược với chiến lược của Nga và Trung Quốc đối với Afghanistan mà họ đang tích cực tập hợp lực lượng ở khu vực để theo đuổi.
Nhìn chung có thể nhận thấy toàn bộ "chiến lược mới" này của Mỹ đối với Afghanistan chưa đủ tổng thể và tính khả thi cần thiết để được coi là chiến lược thực thụ.
Nó phản ánh tình trạng sa lầy và bi quan hiện tại của Mỹ ở Afghanistan. Nó chưa mở ra được triển vọng cho Mỹ thoát được ra khỏi nơi đây mà vẫn đạt được lợi ích và mục tiêu đề ra.
Ông Trump rồi sẽ phải nhanh chóng lại thay đổi nó nếu không muốn trực diện với kết cục như hai người tiền nhiệm hoặc rồi sẽ trao lại chuyện này cho người kế nhiệm như đã thừa hưởng từ người tiền nhiệm.