Quyết định ở trọ, dành tiền mua đất thay vì “an cư” sớm trong căn hộ chung cư, nhiều cặp vợ chồng “đổi đời”

Nguyễn Linh |

Thay vì lựa chọn “an cư lạc nghiệp” sớm trong căn hộ chung cư, chấp nhận thuê nhà trọ, dành tiền mua đất, không ít cặp vợ chồng đã sở hữu khối tài sản tiền tỷ nhờ giá đất tăng chóng mặt.

Nếu không có quyết định "ngược dòng" 6 năm trước, có lẽ đến bây giờ, gia đình chị N.M (Mỹ Đình, Hà Nội) cũng sẽ như bao người bạn của chị, sống trong căn nhà chung cư ngoại ô, chăm chỉ làm công ăn lương, tích cóp mỗi tháng trả lãi ngân hàng theo định kỳ.

Chị N.M kể lại, năm 2014, vừa mới lập gia đình, cũng như nhiều người từ tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp, chị và chồng đều mơ ước mua một căn nhà để ở. Nhất là khi đứa con đầu lòng ra đời, chị cùng chồng càng quyết tâm nuôi kế hoạch mua một căn chung cư.

Năm 2015, chị M. cho biết, rất nhiều dự án bất động sản được đưa ra thị trường cùng gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng.

"Tôi nhớ thời điểm đó, hầu như các gia đình trẻ đều tất bật xem nhà để mua. Các ngân hàng triển khai ồ ạt gói vay 30.000 tỷ đồng được tung ra với lãi suất rất rẻ, chỉ 5%/năm, tức tương đương với mức lãi suất cho sinh viên vay đi học.

Một số chung cư được phép vay gói 30.000 tỷ đồng như là khu HH Linh Đàm, Gemek 1 (An Khánh) và ngoài ra có các dự án chung cư nhà ở xã hội như Ecohome…" – chị M. nhắc lại.

Khi cân nhắc giá chung cư, chị M. cùng chồng quyết định xuống tiền vào căn Gemek 1 với mức giá 950 triệu đồng/căn. Với số tiền có sẵn 150 triệu đồng, vay thêm từ người thân 150 triệu đồng, vợ chồng chị M. ước tính số tiền còn lại sẽ vay ngân hàng theo gói 30.000 tỷ đồng.

"Tính trung bình mỗi tháng, gia đình tôi chỉ phải trả 6 triệu đồng/tháng bao gồm cả lãi và gốc. 2 người bạn của tôi cũng quyết định mua chung cư ở thời điểm này".

Quyết định ở trọ, dành tiền mua đất thay vì “an cư” sớm trong căn hộ chung cư, nhiều cặp vợ chồng “đổi đời” - Ảnh 1.

Dù tiếc gói vay 30.000 tỷ đồng nhưng chị M. vẫn quyết định dồn tiền vào mua đất.

Tuy nhiên, đến sát ngày cọc tiền, chị M. cùng chồng đã thay đổi lại toàn bộ kế hoạch mua nhà. "Khi đó, một người bạn môi giới của tôi đã khuyên, nên dành tiền để mua đất Gia Lâm. Bạn tôi còn khẳng định, chắc chắn mảnh đất ở Gia Lâm sẽ tăng giá. Mức giá cho một lô đất 30-40m2 chỉ khoảng 300-350 triệu đồng, nằm ở vị trí khá ổn, dù ô tô không thể đi vào.

Lúc đấy, tôi và chồng suy nghĩ cân nhắc lại. Đúng là với người từ quê lên, đã có con, tâm lý đều thích mua chung cư để ở, vừa thuận lợi nhu cầu sinh hoạt, vừa "mát lòng, mát dạ" với hàng xóm ở quê.

Nhưng nếu mua đất thì có khả năng đổi đời dù phải chấp nhận trong căn phòng trọ chật chội, nóng nực. Nếu như mua đất, chúng tôi chỉ vay khoảng 200 triệu đồng nhưng lãi suất tầm 10%. Còn mua chung cư, chúng tôi lại có lãi suất ưu đãi, nếu bỏ qua cũng tiếc" – chị M. chia sẻ.

Tham khảo ý kiến của nhiều người, chị M. nhận được lời khuyên từ phía gia đình và bạn bè nên dành tiền mua một căn chung cư, vì chỉ có "an cư mới lập nghiệp".

"Nghĩ ai cũng có lý. Cuối cùng vợ chồng tôi quyết định làm liều. Mua luôn miếng đất ở Gia Lâm, xác định ở nhà trọ, khổ sở thêm một thời gian" – chị M. nói.

Đến cuối năm 2016, chị M cùng chồng trả hết nợ miếng đất tại Gia Lâm. Vợ chồng chị cũng vay thêm ngân hàng để mua thêm một mảnh đất với mức giá 500 triệu đồng. Thay vì ở trong căn nhà trọ chật chội, vợ chồng chị thuê 1 căn chung cư ngoại thành với mức giá 3 triệu đồng/tháng.

Đến năm 2018, mảnh đất đầu tiên ở Gia Lâm chị đã bán sang tay được 850 triệu đồng. Với số tiền này, anh chị đã dành để mua một căn chung cư ở khu vực Mỹ Đình. Số tiền vay nợ cho căn chung cư này là 600 triệu đồng. Riêng miếng đất còn lại mà chị mua năm 2016, anh chị xác định dành đây là vốn để đầu tư bất động sản.

Đầu năm 2019, mảnh đất này cũng được bán lại với mức giá lên tới 910 triệu đồng. Số tiền này, vợ chồng chị M. dành để mua 2 mảnh đất tại Nam Định, quê của chồng chị M với mỗi lô 100m2 trị giá 430 triệu đồng.

Đến năm 2020, con đường ở quê mở rộng, 2 lô đất của chị M được khách trả lên tới 750 triệu đồng/lô. Chị M tất toán một lô đất để dồn tiền trả nợ căn chung cư và mua 1 chiếc ô tô. Mảnh đất còn lại chị giữ, chờ giá tiếp tục tăng. Với số vốn tích cóp trong suốt thời gian đi làm, chị M. còn mạnh dạn mua thêm 2 mảnh đất với mức giá 400-500 triêụ/lô tại Sóc Sơn và Biên Giang (Hà Nội).

Có hoàn cảnh gần như chị M, vợ chồng anh Trực (Hà Đông) cũng "đổi đời" nhờ quyết định "đi ngược" với số đông. Năm 2008, khi những người bạn của anh lựa chọn chung cư để ở thì anh Trực và vợ lại bỏ tiền vào mua mảnh đất nông nghiệp tại Hà Đông trị giá 200 triệu đồng, chấp nhận ở trong căn nhà cấp 4 với tấm lợp xi măng.

Đến năm 2010, mảnh đất này được anh bán lại với mức giá 350 triệu đồng. Năm 2011, anh và vợ dồn toàn bộ tiền tích cóp và tiền bán đất vào mua căn nhà trong ngõ thuộc khu vực Hà Đông với mức giá 1.1 tỷ đồng. 6 năm sau, căn nhà của anh đã có khách trả 2 tỷ đồng.

Năm 2018, anh bán lại căn nhà, dành tiền mua một căn chung cư trên đường Tố Hữu. Số vốn còn lại anh và vợ bỏ ra để đầu tư đất. Đến thời điểm hiện tại, nhờ sang tay nhiều thương vụ, vợ chồng anh sở hữu khối tài sản lên tới hơn 6 tỷ đồng.

Thực tế, không ít trường hợp như anh Trực và chị M. đã có quyết định đi ngược với số đông. Chính nhờ quyết định táo bạo và chấp nhận rủi ro, mà giờ đây, họ đã có trong tay khối tài sản lớn. "Chỉ có đầu tư đất mới có thể nhanh đổi đời" - anh Trực và chị M. đều chung quan điểm này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại