Thi Nhất Công (sinh năm 1967 ở Hà Nam, Trung Quốc) là giáo sư, nhà khoa học nổi tiếng Trung Quốc với nhiều thành tựu đáng nể.
"Giỏi nhất trong những người giỏi nhất"
Đó là những gì người khác nói về giáo sư Thi Nhất Công. Thuở còn đi học, Nhất Công sở hữu thành tích học tập "khủng" khiến các bạn đồng trang lứa phải ghen tị. Cậu học trò khi ấy luôn đứng top đầu trường.
Năm 1984, Nhất Công giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp quốc gia, được tuyển thẳng vào Đại học Thanh Hoa - ngôi trường số 1 Trung Quốc như kỳ vọng. Tại ngôi trường chỉ dành cho học bá, Thi Nhất Công tiếp tục trở thành người giỏi nhất với thành tích người khác không thể vượt qua.
Suốt thời gian 4 năm học, thời gian anh sống trong phòng nghiên cứu nhiều hơn ở nhà. Thi Nhất Công muốn gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu chuyên sâu nên với anh "giảng đường đại học mới là khởi đầu cho hành trình ấy".
Chàng sinh viên học hành, nghiên cứu chăm chỉ bất kể ngày đêm. Không ỷ lại khả năng của bản thân, anh được bạn bè đánh giá là người có sự nỗ lực phi thường.
Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc năm 1989, anh tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ tại một trường đại học trong khối Ivy League. Quá trình đó kéo dài hơn 10 năm. Dù học tập và nghiên cứu tại nước ngoài nhưng ở trong nước, anh vẫn xếp đầu về thành tích.
Năm 1995, chàng trai đến từ Trung Quốc tốt nghiệp ngành Vật lý sinh học phân tử của trường Y Johns Hopkins (thuộc Đại học Johns Hopkins). Sau đó, ông được mời về Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (MSK) làm việc.
Trong thời gian ở Mỹ, anh còn được Đại học Princeton nổi tiếng nhìn ra tài năng và thuê làm giáo sư chính thức. Nhờ vậy, Thi Nhất Công trở thành giáo sư chính thức trẻ nhất tại Đại học Princeton ở tuổi 35.
Suốt quá trình làm việc tại Đại học Princeton, tên tuổi của anh được giới học thuật để ý vì những cống hiến không ngừng nghỉ.
Trong mỗi công việc, ở mỗi vị trí, anh đều khẳng định được tên tuổi của bản thân. Con đường nghiên cứu của Thi Nhất Công tiếp tục thành công khi trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, ủy viên Viện Hàn lâm Khoa học Y tế Trung Quốc, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ và viện sĩ Viện Khoa học và Nghệ thuật Mỹ. Vị giáo sư trẻ này còn là hội viên ngoại quốc Hội Sinh học Phân tử châu Âu.
Những quyết định táo bạo
Năm 2008, đang ở đỉnh cao của sự nghiệp học thuật, Thi Nhất Công đưa ra quyết định gây tranh cãi khi từ bỏ sự nghiệp ở Mỹ để trở về Trung Quốc ở tuổi 41.
Thậm chí Thi Nhất Công từ chối mức lương hàng chục triệu USD/năm của Viện Y khoa Howard Hughes và từ bỏ chế độ đãi ngộ biệt thự rộng 500m2 trên đất Mỹ. Quyết định này khiến nhiều người khó hiểu bởi về Trung Quốc đồng nghĩa với việc chấp nhận từ bỏ sự giàu có và địa vị gây dựng suốt nhiều năm để bắt đầu lại.
Bên cạnh lời khen ngợi về tinh thần yêu nước, cống hiến cho dân tộc, dư luận cũng cho rằng Thi Nhất Công đã chọn nước cờ mạo hiểm. Có người còn nói ông sẽ thất vọng khi đưa ra quyết định đầy sai lầm.
Bỏ lại sau lưng mọi bình luận bàn tán, ông vẫn trở về và trở thành Viện trưởng Viện Khoa học Đời sống tại Đại học Thanh Hoa. Viện cũng nhanh chóng phát triển và mở rộng quy mô từ 40 lên đến 120 phòng thí nghiệm.
10 năm sau khi về nước, ông được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa. Nhiều người nói ở vị trí đó, Thi Nhất Công sẽ tiếp tục phát triển trong lĩnh vực giáo dục nhưng đến năm 2018, một lần nữa ông khiến dư luận chấn động khi quyết định từ chức.
Rời bỏ vị trí nhiều người mơ ước tại đại học danh giá, ông muốn làm lại sự nghiệp ở tuổi 51. Ông đầu tư khoảng 20 tỷ NDT (78.000 tỷ đồng) để thành lập và phát triển Đại học Tây Hồ - nơi chuyên đào tạo tài năng nghiên cứu sinh.
Thi Nhất Công đặt mục tiêu đưa ngôi trường sớm bắt kịp với đẳng cấp của các trường top đầu như Thanh Hoa, Đại Bắc.
Một số giải thưởng của giáo sư Thi Nhất Công:
- Giải thưởng Khoa học Quốc gia Trung Quốc (2006): Giải thưởng danh giá nhất của Trung Quốc dành cho nhà khoa học có thành tựu đột phá trong các lĩnh vực.
- Giải thưởng Gregory Aminoff (2009) của Hiệp hội Sinh học Cấu trúc Mỹ: Ghi nhận đóng góp của ông trong nghiên cứu cấu trúc và chức năng của protein.
- Giải thưởng Shaw (2012) về Khoa học Y sinh và Dược học: Ghi nhận đóng góp của ông trong việc làm sáng tỏ cơ chế phân tử của apoptosis (chết tế bào theo chương trình).
- Giải thưởng Emmy Noether trong lĩnh vực Tinh thể học (2014): Tôn vinh đóng góp đột phá của ông trong nghiên cứu cấu trúc tinh thể của protein, axit nucleic và các phân tử sinh học khác.