Quyết định "điên rồ" sau biến cố gia đình
"Đi theo tiếng gọi "Bỏ phố về rừng", anh nông dân khởi nghiệp với cây chè Thái Nguyên, canh tác truyền thống thuận tự nhiên. 5 năm rồi... Nếu có ai đó tư vấn anh em "bỏ phố về rừng" thì đừng vội tin ngay. Hãy tìm nơi trải nghiệm trước đã. Thật đấy!"
Đó là lời chia sẻ chân thành của anh Lê Tiến Tình (33 tuổi, Thái Nguyên) khi nói về hành trình về quê khởi nghiệp nông nghiệp của mình.
Vốn tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế cơ khí, trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, nhưng cách đây 5 năm, anh Tiến Tình có quyết định thay đổi cuộc đời.
Thay vì gắn bó với nghề cơ khí, anh rẽ hướng về quê làm nông dân, theo đuổi phương pháp canh tác thuận tự nhiên.
Cách đây 5 năm, rất nhiều người đã hỏi anh, tại sao lại có một quyết định kỳ lạ thế? Nhiều người cho rằng anh Tình "hâm", vì đang ngồi điều hoà không thích, lại thích về "một nắng hai sương".
Nhưng theo anh, mọi chuyện bắt đầu đều có lý do, không có gì là tự nhiên. Tuổi thơ lớn lên ở xứ Trà, anh ám ảnh với nông nghiệp lạm dụng hóa chất. Nguyên nhân quyết làm nông nghiệp tử tế còn một phần xuất phát từ biến cố lớn: Mẹ anh qua đời do căn bệnh ung thư gan.
Mất nhiều năm tìm tòi, tích lũy, anh Tiến Tình nung nấu ý định thay đổi phương thức cách tác gây hại cho môi trường, đất đai, đe dọa sức khỏe con người.
Cách đây 5 năm, anh quyết định bắt tay vào cải tạo nương trà ở trên núi, trước sự phản đối của gia đình.
Làm nông nghiệp đã khó, với chàng kỹ sư cơ khí chưa có nhiều kiến thức chuyên ngành nông nghiệp, lựa chọn theo đuổi phương pháp canh tác thuận tự nhiên lại càng gặp nhiều thách thức.
Với tư duy cố hữu của mọi người xung quanh, rằng trồng và chế biến chè không thể thiếu các chất phụ gia, thuốc hóa học, 9x Tiến Tình mất nhiều thời gian để thuyết phục gia đình.
Về chốn bình yên, lan tỏa thông điệp làm nông nghiệp tử tế
Từ năm 2019, anh Lê Tiến Tình quyết định trở về bám trụ tại quê nhà, theo đuổi hành trình làm nông nghiệp tử tế.
Câu chuyện khởi nghiệp với nông nghiệp thuận tự nhiên của vợ chồng anh Lê Tiến Tình dễ truyền cảm hứng, nhưng phía sau đồi chè lãng mạn, xanh mướt hôm nay là những thất bại, khó khăn tưởng như không thể vượt qua.
"Năm đầu tiên đồi chè nhà mình bị sâu ăn sạch toàn bộ, cây chè từ xanh chuyển sang màu ngả vàng. Năm đó mình làm cỏ sạch lắm, nhưng nắng miền Bắc chói chang, cây không có thảm thực vật che phủ nên nóng héo cả lá.
Năm sau, mình nghiên cứu áp dụng phân hữu cơ và trùn quế. Nhưng để mang được phân lên núi cao thì quá nặng nhọc và vất vả.
Mình ngồi trên núi nhìn xuống, thấy người nhà mình sao vất vả thế kia. Mình từ bỏ phương pháp này, quyết định để cỏ mọc tốt để che mát cho cây xem thế nào. Nhưng cỏ lại tốt quá, mọc lấn át cả cây chè, cây không lên được và sâu hại cũng nhiều."
Cây chè không được bón phân nên tự động chữa được "bệnh lười", rễ chè đâm sâu vào lòng đất để tìm khoáng chất, cây ngày một phát triển tốt hơn.
Đồi chè của gia đình ngày một phát triển xanh tốt
Trồng cây phát triển tốt, ra được búp trà đã khó, đến phần chế biến theo phương pháp xanh - sạch cũng là một hành trình dài với nhiều câu chuyện thú vị.
9x Thái Nguyên kể: "Có những ngày, mình cứ ngồi một mình trên núi, trò truyện với cây trà. Ra được búp trà đã khó, tới phần chế biến cũng nhiều chuyện hay lắm.
Trà rất nhạy cảm với nhiệt độ. Từng công đoạn: Làm héo trà tươi, vò tạo hình cánh trà, sấy giảm bớt nước, sấy khô, tạo hương... chỉ cần cảm nhận nhiệt bằng tay không chuẩn là có thể hỏng trà.
Vợ chồng mình từ bé đến lớn chưa trực tiếp làm ra mẻ trà khô nào nên lúc làm trà phải đi thuê sấy. Nhưng sau đó nhận thấy thuê sao sấy phụ thuộc quá, không tự chủ. Nên mình quyết tâm tập sấy, qua nửa năm mới đạt kết quả như ý".
Không chỉ có nguồn thu nhập tốt, niềm vui lớn nhất là vợ chồng anh có những mối quan hệ chất lượng nhờ làm trà. Phát triển nông nghiệp trên nền tảng an toàn sinh thái giúp đồi chè của anh Tình trở thành điểm đến tham quan trải nghiệm.
Bạn bè, người thân thường đến nhà anh nghỉ ngơi cuối tuần, thăm vườn trà, leo núi, check-in đồi chè...
Hơn hết, anh nông dân 9x vui mừng vì đã góp lần lan tỏa thông điệp làm vườn thuận tự nhiên: "Ngày xưa mọi người bảo vợ chồng mình "hâm", đang nhàn hạ lại thích về quê "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Giờ thì lại bảo vợ chồng nó sướng thế, không mất tiền mua phân thuốc mà vẫn có trà hái.
Nói đến đây, mình cảm thấy biết ơn các anh chị đã đồng hành, lan tỏa thông điệp làm nông nghiệp tử tế của vợ chồng mình. Và không quên cảm ơn người bạn đời đã kề vai sát cánh.
Sau 5 năm bỏ phố về quê làm nông nghiệp, 9x Thái Nguyên khẳng định: Làm nông không thể mộng mơ. Con đường nông nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng và nhàn nhã, nhất là nông nghiệp thuận tự nhiên. Nhưng mỗi ngày chỉ cần tiến một bước, đừng dừng lại, nhất định bạn sẽ tới đích!