Các nhà lập pháp Mỹ tiếp tục tấn công trực diện nhằm vào các khách hàng mua vũ khí của Nga. Theo sau Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia mà mới đây bị đề xuất "tước đi" các máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 vì mua những tổ hợp tên lửa S-400 của Nga, nay lại tới lượt Ấn Độ.
William (được truyền thông Mỹ biết tới với cái tên Mac Tornberry) - Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, trong cuộc trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình NDTV (Ấn Độ) đã lên tiếng chỉ trích mong muốn sở hữu S-400 của Dehli.
"Việc mua khí tài này, tôi e ngại, sẽ làm giảm đáng kể mức độ tin cậy đối với bất cứ quốc gia nào mà Mỹ sẵn sàng tiếp tục chia sẻ các công nghệ hiện đại", Thượng nghị sĩ này tuyên bố.
Tuy nhiên ông Tornberry cho biết rằng, dù rất quan tâm tới việc mua sắm vũ khí Nga, nhưng quan điểm của Mỹ trong vấn đề này là "hoàn toàn loại bỏ việc áp dụng bất cứ biện pháp trừng phạt hoặc hạn chế về mặt pháp lý nào đó" đối với Ấn Độ, "mặc dù các quốc gia khác có thể bị áp dụng".
Trước đó các nguồn tin tại Bộ Quốc phòng Nga chia sẻ với các phóng viên rằng Nga và Ấn Độ đã đạt được thoả thuận về các điều khoản của bản hợp đồng tên lửa S-400 vào hôm thứ Hai, ngày 28/5/2018. Theo các nguồn tin này, giá trị bản hợp đồng ước tính khoảng 6-6,2 tỷ USD.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 do Nga chế tạo.
Ra nhập thị trường
Ấn Độ trong một thời gian dài từng là thị trường không thể tiếp cận đối với các hệ thống phòng không Nga. Sau khi trang bị cho các đơn vị của mình những tổ hợp S-75 và S-125 của Liên Xô, cũng như mua sắm một loạt các hệ thống như "Kvadrat" và "Osa-AK", Ấn Độ dừng hợp tác với Nga.
Nga, từng chiếm thị phần khá lớn đối với phân khúc các tổ hợp phòng không tầm xa nhờ những hệ thống tên lửa phòng không S-300P được nâng cấp (S-300PMU1, và sau này là cả S-300PMU2 "Favorit"), nhưng lại không hề đạt thêm được tiến triển nào tại Ấn Độ.
Trong suốt thời gian này, Dehli hợp tác với các công ty của Isarel trong phân khúc tổ hợp phòng không tầm trung - xa và các phương tiện phòng thủ chống tên lửa, nhưng kết quả đạt được đã không như mong muốn.
Cuối năm 2015, Bộ Quốc phòng Ấn Độ bất ngờ chấp thuận việc mua số lượng lớn các tổ hợp tên lửa S-400 khi chuyển vấn đề tài chính cho chính phủ quyết định.
Hợp đồng, theo khẳng định của giới quân sự Ấn Độ, còn bao gồm cả nghìn quả tên lửa phòng không, sẽ tiêu tốn khoảng 6 tỷ USD. Các tổ hợp S-400 sẽ phải làm nhiệm vụ bảo vệ không phận khu vực giáp biên với Trung Quốc.
Thoả thuận khung về việc bán tên lửa S-400 cho Ấn Độ đã được ký kết một năm sau đó tại Goa trong khuôn khổ cuộc đàm phán song phương giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modhi.
Trong gói thoả thuận này cũng đề cập đến những dự án kỹ thuật-quân sự khác, như:
- Dự án lắp ráp các máy bay trực thăng hạng nhẹ Ka-226T tại Ấn Độ theo chuyển giao công nghệ từ Công ty trực thăng Nga (Russian Helicopters thành viên thuộc Tập đoàn Nhà nước Rostec);
- Đóng thêm 4 khinh hạm đề án 11356 (hai chiếc ở Nga, còn hai chiếc ở Ấn Độ với sự giúp đỡ của Nga) và thuê chiếc tàu ngầm nguyên tử thứ hai thuộc đề án 971.
Liên doanh trực thăng Nga - Ấn chuẩn bị cho ra lò loạt trực thăng hạng nhẹ đa dụng Ka-226T
Sau đó diễn ra cuộc ngã giá kéo dài đối với các điều khoản của bản hợp đồng, báo chí Ấn Độ liên tục đưa tin đổ lỗi cho Moscow về việc người Nga định bán lô hàng S-400 không đúng như cam kết, không đủ số lượng và quá đắt.
Điều này có thể tác động lên những ai chưa chuẩn bị tinh thần, tuy nhiên đối với những người đã quá quen với các hợp đồng trong lĩnh vực quốc phòng Ấn Độ, thì đây là cách người Ấn Độ làm để đạt được bản hợp đồng với các điều kiện có lợi cho mình.
Nếu mọi thứ diễn ra đúng mong đợi thì bản hợp đồng với Ấn Độ sẽ trở thành có giá trị về mặt tài chính nhất đối với các tổ hợp tên lửa S-400 nói riêng và hệ thống phòng không Nga nói chung kể từ sau khi Liên Xô tan rã.
Về số lượng, nó chỉ kém các bản hợp đồng được ký kết vào cuối thập niên 90 - đầu thập niên 2000 khi Trung Quốc mua rất nhiều tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1 và S-300PMU2 của Nga.
Một lời nhắc nhở đầy ẩn ý
Vậy tại sao Mỹ vẫn quyết định can thiệp vào vấn đề này nếu không có ý định áp dụng các biện pháp trừng phạt? Câu trả lời nằm ngay trong những phát biểu của ông Tornberry: điều đang xảy ra "sẽ làm giảm đáng kể mức độ tin cậy đối với bất cứ quốc gia nào mà Mỹ sẵn sàng tiếp tục chia sẻ các công nghệ hiện đại".
Vấn đề ở chỗ Ấn Độ, dường như, đang trở thành thị trường lớn để tiêu thụ các khí tài hiện đại không người điều khiển do Mỹ sản xuất.
Hoạt động xuất khẩu các thiết bị quân sự không người điều khiển của Mỹ bị hạn chế rất nhiều trong những năm qua, nhưng vào năm 2015 và mùa xuân năm 2018 cơ chế đã được tự do hoá và Dehli được coi là một trong những khách hàng tiềm năng.
MQ-9 Reaper
Giá trị hợp đồng dự kiến khá lớn, không kém bản hợp đồng S-400. Hải quân Ấn Độ từ năm 2017 cố gắng xin cấp phép xuất khẩu từ Mỹ 22 máy bay trinh sát không người lái Predator Guardian của công ty General Atomics.
Đây là phiên bản hải quân của Predator B (cũng được biết đến như MQ-9 Reaper) mà không được trang bị vũ khí tấn công, nhưng trong tương lai, ngoài các radar và trạm định vị điện tử-quang học, có thể được trang bị phao sóng thuỷ âm chống hạm. Bản hợp đồng này có giá trị khoảng 2-3 tỷ USD.
Thêm một bản hợp đồng lớn hơn từng được bàn tới từ mùa thu năm ngoái. Không quân Ấn Độ thực sự muốn mua từ 80 đến 100 thiết bị Avenger (Predator C).
Đây là một cỗ máy tấn công mới – những thiết bị bay không người lái này trước đây Mỹ chưa từng bán cho ai ngoài các đồng minh quân sự thân cận của mình. Theo đánh giá của giới truyền thông, giá trị bản hợp đồng này có thể đạt 8 tỷ USD.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf.