Thân chinh đến "sân sau" của Mỹ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thực hiện một chuyến thăm cấp nhà nước tới quốc gia Trung Mỹ Panama vào đầu tháng sau, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Chuyến thăm được các nhà quan sát đánh giá sẽ là nỗ lực củng cố quan hệ với khu vực Mỹ Latinh của Bắc Kinh.
Đây sẽ là lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp từ Bắc Kinh đến quốc gia Trung Mỹ này sau khi Panama chính thức cắt đứt quan hệ với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh hồi tháng 6 năm ngoái.
Ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Juan Carlos Varela ở Panama City, chứng kiến ký kết khoảng 20 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, công nghệ và cơ sở hạ tầng trong chuyến thăm từ ngày 2-3/12, theo Văn phòng Tổng thống Panama.
Nằm ở Trung Mỹ, giáp với Costa Rica và Colombia, Panama được coi là có vai trò quan trọng với sự thống trị của Mỹ ở bán cầu Tây, với Kênh đào Panama có khả năng liên kết các Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Panama còn được xem là "sân sau" của Mỹ ở khu vực Trung Mỹ.
Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc sẽ tái khẳng định sự tham gia của Bắc Kinh ở khu vực Mỹ Latinh.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định, hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh sẽ "không thay đổi" mặc dù một số nước trong khu vực đang phải đối mặt với những thách thức gia tăng trong một môi trường toàn cầu không ổn định.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Panama Varela cho biết nước này ủng hộ chương trình cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh.
Washington đã chỉ trích ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở châu Mỹ Latinh, và các quan chức cấp cao trong chính quyền Trump cũng cảnh báo các nước láng giềng phải cảnh giác với các khoản đầu tư từ Bắc Kinh.
Tại hội nghị thượng đỉnh Apec ở Papua New Guinea, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo các quốc gia nhỏ hơn không nên bị "mê hoặc" bởi sáng kiến Vành đai - Con đường của Bắc Kinh.
Cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ
Cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc Jorge Guajardo cho biết chuyến thăm của ông Tập tới Panama, ngay sau loạt chỉ trích của Phó Tổng thống Pence, cho thấy Bắc Kinh "cũng có thể cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ".
Đến Panama là cách mà ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc cũng có thể tranh giành ảnh hưởng ngay tại khu vực là địa bàn truyền thống của Mỹ.
Dong Jingsheng, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ Latinh tại Đại học Bắc Kinh, cho biết ông Tập dự kiến sẽ đề cao chương trình Vành đai - Con đường, hiện giờ được xem là nền tảng của chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Trong khi đang nỗ lực để tăng cường quan hệ với các nước Mỹ Latin, ảnh hưởng của Bắc Kinh, mặc dù đang gia tăng, nhưng khó có thể bắt kịp với Mỹ, đặc biệt là khi đầu tư của Trung Quốc không ổn định và đa dạng, ông Dong Jingsheng nói.
Francisco Luis Perez, một chuyên gia nghiên cứu Mỹ Latinh tại Đại học Tamkang, Đài Loan, cho biết, trong khi Bắc Kinh có thể tìm cách chống lại sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương bằng cách tăng ảnh hưởng của nước này ở châu Mỹ La tinh, mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh có thể gây rủi ro cho mối quan hệ của của Panama với Washington.
Sau những chỉ trích từ Mỹ, chuyến đi của nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục là một con bài thương lượng tiềm năng để có được những thỏa hiệp từ Mỹ, nhưng mặt khác, cũng có thể tạo thành một nguy cơ gia tăng căng thẳng.
Trước khi đến Panama, ông Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 1/12 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina.
"Tôi không cho rằng Panama sẽ mạo hiểm và ký kết các hiệp ước chiến lược hay chính trị với Trung Quốc, mà thay vào đó tập trung vào các vấn đề kinh tế không có nhiều tác động về quân sự hay chiến lược", ông Perez nói.