Kể từ lúc này, người vợ chính là trụ cột gia đình, có quyền lực ngang hàng và thậm chí nhỉnh hơn người chồng.
“Tay hòm chìa khóa”
Trong Bảo tàng Cổ vật Quốc gia ở Stockholm của Thụy Điển, có 8 chiếc chìa khóa thuộc Thời đại Viking (793 - 1066). Tất cả chúng đều được phát hiện nhờ khai quật khảo cổ ở vùng Värnamo, Jönköping và có vẻ ngoài giống hệt nhau.
Ngoài nơi này và trên khắp châu Âu, giới khảo cổ phát hiện hàng loạt chìa khóa trong các khu định cư của người Viking. Hầu hết chúng đều được đúc bằng đồng hoặc sắt, được tìm thấy trong các ngôi mộ của phụ nữ.
Trong khi đàn ông Viking được kể khắp nơi thì phụ nữ Viking gần như không được nhắc đến. Sự phát hiện của hàng loạt các chìa khóa đã giúp các nhà nghiên cứu và sử học xác thực vai trò cũng như vị trí của họ trong đời sống xã hội Viking.
Phụ nữ Viking kết hôn sớm, thường trong độ tuổi từ 12 - 15 và theo kiểu hôn nhân sắp đặt. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ và thương thảo giữa 2 bên thông gia, cô dâu vẫn có tiếng nói cũng như quyền quyết định.
Quyền lực và nghĩa vụ của người phụ nữ Viking bắt đầu vào ngày họ thành thân. Chính trong ngày này, họ được nhà chồng trân trọng trao vào tay vật giá trị nhất: Chìa khóa rương và chìa khóa cửa trang trại.
Quan sát các chìa khóa được công tác khảo cổ phát hiện cho thấy có 2 loại, chìa khóa lớn (khoảng 18 cm) và chìa khóa nhỏ (khoảng 11 cm), hình dáng bầu dục hoặc tròn, phần tay cầm được trang trí công phu bằng họa tiết động vật hoặc thực vật.
Nếu trách nhiệm của đàn ông Viking là “kiếm tiền bên ngoài” thì vai trò của người phụ nữ là “quản lý bên trong”. Chìa khóa rương đại diện cho quyền quản lý tiền bạc còn chìa khóa trang trại đại diện cho quyền quản lý tài sản.
Phụ nữ Viking gánh vác toàn bộ công việc nội trợ, từ dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, bảo quản thực phẩm, may vá đến sinh con, nuôi dạy con cái và chăm sóc người già. Vì đàn ông Viking gần như dành trọn cuộc đời làm chiến binh, phụ nữ cáng đáng luôn tất cả công việc đồng áng.
Họ quán xuyến từ khâu chăn nuôi, trồng trọt, thu hoạch đến thuê mướn nhân công, quản lý nô lệ, thực hiện các nghi lễ, tích trữ, buôn bán… Ngoài ra, phụ nữ còn học hỏi, truyền thụ hiểu biết về các loại thảo dược, phương pháp chữa bệnh và tiến hành khám chữa cho các thành viên trong nhà bị thương, bị ốm.
Một số phụ nữ Viking đã vươn lên địa vị đặc biệt cao. Tại Bán đảo Scandinavia, giới khảo cổ phát hiện ngôi mộ xa hoa thuộc về “nữ hoàng” Oseberg. Bà được chôn trong con tàu trang hoàng lộng lẫy, bên trong chứa đầy đồ tùy táng giá trị. Tại Hebrides, quần đảo ngoài khơi Scotland, người ta cũng tìm thấy ngôi mộ sang trọng của Hoàng hậu Aud, con gái của một thủ lĩnh người Na Uy được gả cho nhà vua Viking đóng đô ở Dublin.
Nắm quyền ly hôn
Một chiếc chìa khóa Viking thuộc thế kỷ VIII - IX được khảo cổ phát hiện. Ảnh: Ancient-origins.net
Phụ nữ Viking yêu thích màu sắc tươi sáng, thường may váy, yếm bằng vải vóc nhiều màu, sử dụng nhiều trang sức, phụ kiện như trâm cài, vòng cổ, lắc tay, khuyên tai, ghim cài áo… và đặc biệt không bao giờ quên đeo dây chuyền hoặc thắt lưng có gắn, móc chìa khóa.
Thường thì, họ hay đeo móc có treo chìa khóa và một con dao nhỏ có vỏ, một chiếc kéo hoặc hộp đựng kim khâu. Với chìa khóa luôn bên mình, phụ nữ Viking không chỉ thuận tiện trong công việc quản lý nhà cửa, tài sản mà còn thể hiện được vai trò rường cột. Đặc biệt, nếu cuộc sống hôn nhân không được hạnh phúc như mong muốn, họ có quyền đưa ra yêu cầu ly hôn.
Tư liệu lịch sử từ Iceland ghi nhận, luật ly hôn của người Viking rất tân tiến. Trong khi hầu hết các lãnh thổ ở châu Âu đương thời đều bị áp đặt giáo luật cấm ly hôn, người Viking không chỉ cho phép ly hôn mà còn để phụ nữ nắm quyền chủ động.
Người vợ có quyền yêu cầu ly hôn trong nhiều trường hợp, phổ biến nhất là 3 trường hợp: Người chồng đã định cư ở vùng đất khác, người chồng đã 3 năm không thực hiện “nghĩa vụ vợ chồng” và người chồng đã 3 lần bạo lực với vợ.
Để tiến hành ly hôn, phụ nữ triệu tập các nhân chứng, tuyên bố ly hôn tổng cộng 2 lần, 1 lần trước cửa nhà và 1 lần trên giường ngủ. Sau ly hôn, con cái nếu còn quá nhỏ sẽ theo mẹ, còn đã lớn khôn thì tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình mà tiếp tục ở với mẹ hay theo cha. Tài sản và quyền thừa kế cũng được phân chia, xử lý một cách thỏa đáng.
Mặc dù tư liệu lịch sử không ghi chép lại tỷ lệ ly hôn trong Thời đại Viking nhưng, với quyền ly hôn, phụ nữ có địa vị pháp lý độc lập. Cộng với sự bình đẳng cả về thể chất lẫn tinh thần, họ rõ ràng là những cá nhân tự quyết, có nhân quyền ngang bằng và thậm chí là nhỉnh hơn đàn ông một chút.
Còn một điều mà chúng ta không ngừng hiếu kỳ là phụ nữ Viking có người nào làm chiến binh không? Theo nhà sử học Johannes Skylitzes (1040 - 1101), trong trận chiến giữa người Viking Varangian và người Bulgari xảy ra vào năm 971, có lẽ có các chiến binh là phụ nữ xông pha chiến trận.
Thế kỷ XII, nhà sử học Saxo Grammaticus (1160 - 1220) cũng viết, nữ chiến binh Viking ăn mặc như nam giới, say mê luyện tập kiếm thuật và các môn võ khác, chiến đấu anh dũng như nữ hiệp sĩ.
Grammaticus còn tin tưởng, vào thế kỷ VIII, người Viking có đội quân nữ hiệp đông 300 người. Văn học thành văn thì gọi các nữ chiến binh Viking là Valkyries, miêu tả họ có vẻ đẹp mạnh mẽ, quyến rũ và cầm khiên.
Tuy lịch sử không khẳng định sự tồn tại của các nữ chiến binh Viking nhưng phụ nữ Viking chắc chắn là những người đàn bà mạnh mẽ. Trong vai trò người điều hành, quản lý gia tộc, gia đình, họ sẵn sàng cầm vũ khí và chiến đấu trước những kẻ đe dọa đến tính mạng và tài sản của bản thân cũng như người trong nhà.