Yêu cầu "phục tùng"
Từ "hạt nhân" được đề cập 11 lần trong bài xã luận của Nhân dân Nhật báo đăng tải sáng 28/10, nhằm khẳng định vị thế lãnh đạo cốt lõi vừa được toàn thể đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc công nhận thông qua Hội nghị trung ương 6 từ 24 đến 27/10 vừa qua.
Tuy nhiên, chi tiết thu hút dư luận là sự xác định quyền lực của Tập Cận Bình sau khi trở thành "lãnh đạo hạt nhân". Nhân dân Nhật báo mô tả bằng một từ: "Phục tùng".
Tờ báo đảng Trung Quốc viết: "Phục tùng ai, tập trung quanh ai, bảo vệ ai, chính là sự kiểm nghiệm ý thức hạt nhân của mỗi đảng viên. Hiểu quy củ, giữ kỷ luật, biết phục tùng mới có thể đi con đường đúng đắn..."
Sau khi thông cáo của Hội nghị trung ương 6 hôm 27/10 khẳng định ông Tập là "lãnh đạo hạt nhân" của Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo đã làm rõ khái niệm "Tổng bí thư Tập Cận Bình là hạt nhân của trung ương đảng, hạt nhân của toàn đảng trong cuộc đấu tranh thực tiễn vĩ đại mới".
Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ ca ngợi ông Tập "có sức hút, có tư duy, dám làm dám chịu".
Tờ này tuyên bố "trung ương đảng CSTQ do đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân đã phản ánh tâm nguyện chung của toàn đảng, toàn quân, toàn thể nhân dân các dân tộc", đồng thời yêu cầu "toàn thể dân tộc Trung Hoa đoàn kết chặt chẽ xung quanh trung ương đảng [CSTQ] do đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân".
Báo đảng Trung Quốc cảnh báo các đảng viên phải "xác định ý thức chính trị, ý thức đại cục, ý thức hạt nhân, kiên định bảo vệ uy quyền của trung ương đảng và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của trung ương đảng".
Với tuyên bố này, Trung Nam Hải gần như chính thức thừa nhận cơ chế lãnh đạo tập thể, với quyền lực thuộc về Bộ chính trị Trung Quốc, nay đã trở về cơ chế lãnh đạo tập trung và quyền quyết định tối cao thuộc về cá nhân ông Tập Cận Bình.
Trả lời báo chí ngày 28/10, Thứ trưởng thường trực Bộ tuyên truyền Trung Quốc, ông Hoàng Khôn Minh khẳng định việc ông Tập trở thành lãnh đạo hạt nhân "là nhận thức chung cao độ của toàn đảng".
Ông Hoàng tuyên bố quyết định xác lập vị thế mới của Tập Cận Bình "là sự kỳ vọng của quần chúng", "không hổ thẹn", "hoàn toàn xứng đáng".
Hình ảnh trong Hội nghị trung ương 6 khóa XVIII của ĐCSTQ (Ảnh: Xinhua)
Cảnh cáo thế lực chống đối
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) bình luận, sự kiện bước ngoặt này là một thông điệp mạnh mẽ rằng chính quyền do ông Tập đứng đầu đã áp đảo phe đối lập trong đảng.
Với vị thế mới được xác lập chỉ 1 năm trước Đại hội khóa XIX của ĐCSTQ, ông Tập chắc chắn sẽ có nhiều không gian hơn để đề bạt những nhân vật ủng hộ mình và các vị trí trong ban lãnh đạo quốc gia, nhằm chuẩn bị cho kỳ chuyển giao quyền lực.
Ngay trong động thái đầu tiên song song với việc khẳng định quyền lực, Tập Cận Bình đã có dấu hiệu "nắn gân" thành phần đối lập.
Trong cuộc họp báo ngày 28, Phó Ban tổ chức trung ương ĐCSTQ, ông Tề Ngọc, tuyên bố:
"Một số ít cán bộ cấp cao có âm mưu hoạt động chính trị như bành trướng dã tâm chính trị, tham lam quyền lực, bên ngoài tuân thủ bên trong chống đối, kéo bè kết đảng, mưu cầu quyền vị, phá hoại nghiêm trọng sự đoàn kết và tập trung thống nhất của đảng, tổn hại nghiêm trọng môi trường sinh thái chính trị và hình ảnh của đảng..."
Trong môi trường chính trị Trung Quốc, "âm mưu chính trị" và "dã tâm chính trị" là những cáo buộc hết sức nghiêm trọng và thường liên quan đến hành vi tranh giành quyền lực trong nội bộ Trung Nam Hải.
Những quan chức cấp cao tiêu biểu bị "ngã ngựa" như Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai từng bị Bắc Kinh quy kết là "âm mưu hoạt động chính trị bất chính". Nhưng các tuyên bố ngày 28/10 của Tề ngọc còn mang sắc thái nặng nề hơn.
Nhiều khả năng, chính trường Trung Quốc sẽ chứng kiến những xáo trộn bất ngờ sau thông tin được công bố ở Hội nghị trung ương 6 này.