Quyền huy động phương tiện của CSGT mới được đề xuất có gì thay đổi?

Trang Anh |

Dự Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an xây dựng và đang lấy ý kiến có một số thay đổi về quyền huy động phương tiện khi tuần tra, kiểm soát.

Bộ Công an vừa hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ để tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân đến hết ngày 13/9/2023.

Trong dự thảo Luật lần này có nhiều điểm mới được chỉnh sửa, bổ sung và quy định cụ thể hơn, phân định rõ hơn quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) khi tuần tra, kiểm soát.

Cụ thể, theo Quy định hiện hành, thì CSGT đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.

Tuy nhiên trong dự thảo Luật mới đã quy định quyền này của CSGT một cách bao quát hơn, cụ thể như: Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách; di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.

Dự thảo Luật cũng dành riêng một điều để hướng dẫn về quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự cho lực lượng CSGT như: Khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết tai nạn giao thông, trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ, chiến sĩ CSGT được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó.

Trường hợp thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, việc huy động người, phương tiện, thiết bị thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống khủng bố.

Quyền huy động phương tiện của CSGT mới được đề xuất có gì thay đổi? - Ảnh 1.

CSGT được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách (Ảnh: Việt Hùng)

Trong trường hợp cấp bách theo quy định tại điểm này, cán bộ, chiến sĩ CSGT đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Phương tiện, thiết bị CSGT huy động nếu thiệt hại sẽ được đền bù thế nào?

Dự thảo Luật lần này, Bộ Công an cũng đề xuất phân định rõ về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trong đó với Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ thuộc CSGT được huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ độc lập.

Người chỉ huy trực tiếp của CSGT tại hiện trường quyết định huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.

Cán bộ, chiến sĩ CSGT huy động người, phương tiện, thiết bị có trách nhiệm hoàn trả ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt. Trường hợp người, phương tiện, thiết bị được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định.

Việc quy định đền bù thiệt hại cho người được CSGT huy động phương tiện, thiết bị…cũng được quy định riêng tại khoản 3, điều 5 Luật này như sau:

Trong trường hợp, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương, tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì bản thân, gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại