Vừa qua, người dân phát hiện một chiếc vali còn mới để ven đường Việt Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) nên báo công an. Nhận được tin báo, các cơ quan chức năng đã phối hợp phong tỏa hiện trường.
Sau nhiều tiếng phong tỏa rồi mở vali thì bên trong chỉ chứa rác và bún khô. Từ đó, nhiều người đặt câu hỏi về quy trình nhận tin báo, làm rõ tin báo, xử lý vật lạ...
Căn cứ vào những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, khi phát hiện vali, thùng chứa bỏ bên đường người dân phải trình báo lên Ủy ban nhân dân xã/phường hoặc cơ quan công an xã/phường nơi phát hiện vali, thùng chứa đó.
Sau khi nhận được đơn trình báo của người dân, cơ quan công an sẽ tiến hành xác minh và cử cán bộ công an xuống hiện trường.
Trong trường hợp vali, thùng chứa có dấu hiệu nghi ngờ liên quan tới một vụ án hình sự hoặc có liên quan đến vật liệu nguy hiểm, cháy nổ, cán bộ công an sẽ tiến hành phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành phong tỏa hiện trường. Việc này nhằm đảm bảo hiện trường khu vực còn nguyên vẹn, tránh việc làm xáo trộn cũng như đảm bảo an ninh trật tự của khu vực xuất hiện vật thể.
Hiện trường rất nhanh có thể chịu tác động khách quan như mưa, gió, nắng, độ ẩm, thời gian… hay từ sinh vật và cả con người. Do đó, cần có các nghiệp vụ để bảo vệ hiện trường tránh bị xáo trộn, biến đổi. Có thể khoanh vùng, phong tỏa khu vực hoặc dùng vải bạt, vải che để che đậy hiện trường.
Trước khi tiến hành phong tỏa hiện trường, cán bộ công an phải thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát khám nghiệm hiện trường. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường.
Khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm.
Khi xuống hiện trường nơi xuất hiện vali, thùng chứa, Cơ quan chức năng sẽ tiến hành nắm tình hình việc tổ chức bảo vệ hiện trường và khoanh vùng, xác định ranh giới, phạm vi hiện trường cần tiếp tục bảo vệ, bảo quản tài sản, vật chứng liên quan
– Tổ chức bảo vệ hiện trường, phát hiện, ghi nhận và bảo vệ các dấu vết, đồ vật, vật chứng để lại trên hiện trường, trên các đồ vật liên quan.
– Nắm tình hình hiện trường, tìm hiểu thông tin về vụ việc thông qua người biết việc, người bị hại, người làm chứng. Nắm tình hình, đề nghị phối hợp hỗ trợ trong quá trình phong tỏa, khám nghiệm hiện trường, điều tra.
– Mời người chứng kiến cùng tham gia khám nghiệm (có thể là đại diện chính quyền cấp cơ sở, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc người làm chứng tham gia, người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm).
– Xác định phạm vi khám nghiệm, phương pháp khám nghiệm, điểm mốc để định vị vị trí nạn nhân, vật chứng, dấu vết.
– Thu thập những hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vụ cháy, nổ (sơ đồ, bản vẽ kỹ thuật, các tài liệu về chỉ tiêu kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng, vận hành, quy định về việc phòng ngừa cháy, nổ, sự cố, chức năng nhiệm vụ của những người liên quan, hệ thống sổ sách, hóa đơn chứng từ, tài liệu kiểm kê, kiểm tra…).
– Lập kế hoạch khám nghiệm và điều tra ban đầu tại hiện trường: phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong lực lượng tham gia khám nghiệm và chia làm hai bộ phận: Bộ phận khám nghiệm và bộ phận điều tra ban đầu (cả hai bộ phận này đồng thời tiến hành nhiệm vụ cùng một lúc);
– Chọn phương pháp khám nghiệm, phương tiện kỹ thuật phù hợp cho việc khám nghiệm; kiểm tra về tình trạng hoạt động, chất lượng, số lượng các thiết bị, phương tiện, công cụ phục vụ cho công tác khám nghiệm hiện trường.
Việc phong tỏa hiện trường sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật và nghiệp vụ của cơ quan công an.