Khi gặp trường hợp khẩn cấp, tầm nhìn của hành khách sẽ bị hạn chế và việc nắm rõ lối thoát hiểm sẽ giúp họ dễ dàng xác định phương hướng. Do đó, hành khách nên lưu ý tới yếu tố này ngay khi ổn định chỗ ngồi. Theo các phi công lâu năm, hành động này chỉ tốn 5 giây.
Xác định vị trí cửa thoát hiểm trên máy bay chỉ tốn 5 giây.
Cựu phi công Hans Mast nhận định: “Ngay khi lên máy bay, tôi luôn chú ý đến lối thoát hiểm gần nhất, đếm số hàng ghế giữa vị trí của tôi và lối ra đó. Việc đếm các hàng ghế có thể là một phần đặc biệt quan trọng của quy trình nhưng thường bị khách bỏ qua".
Cựu phi công Nick Eades khuyên rằng chuông báo động sơ tán có thể reo lên bất cứ lúc nào nên hành khách cần chủ động chuẩn bị trước cho tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra, nếu có đủ khả năng và sẵn sàng hỗ trợ các hành khách khác khi gặp sự cố, người đi máy bay nên đặt chỗ ở hàng lối thoát hiểm. Theo nghiên cứu của Đại học Greenwich - Anh, hành khách ở gần lối thoát hiểm nhất có nhiều khả năng sống sót trong vụ tai nạn máy bay vì họ có thể sơ tán nhanh hơn những hành khách ở xa.
Hành khách hạn chế mang hành lý xách tay cồng kềnh.
Một lưu ý về an toàn khác khi di chuyển bằng máy bay là cân nhắc khối lượng hành lý xách tay.
Cựu phi công Dan Bubb - giáo sư tại Đại học Nevada, Mỹ - kể rằng ông không nhét quá nhiều đồ trong túi xách tay của mình. Người này từng thấy nhiều hành khách mang hành lý xách tay rất to và nặng lên máy bay và cố gắng nhét chúng vào ngăn đựng đồ trên cao nhưng không thành công. Điều này không chỉ tốn thời gian mà còn vô cùng nguy hiểm nếu những chiếc túi đó rơi vào người khác.
Các phi công cũng lưu ý hành khách cần tìm hiểu cẩn trọng về hướng dẫn an toàn trên màn hình, tài liệu hoặc do tiếp viên thực hiện. Đồng thời, hãy xem kỹ thẻ an toàn ở túi sau ghế vì mỗi loại máy bay đều có cách bố trí và phương pháp mở cửa thoát hiểm khác nhau.
Theo Travel and Leisure