Nhắc tới tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung chắc hẳn độc giả đều không xa lạ gì với hai bộ tuyệt kỹ võ công là Quỳ hoa bảo điển và Độc cô cửu kiếm. Trong đó Độc cô cửu kiếm là thứ kiếm pháp vô địch trong tâm trí rất nhiều người đọc truyện Kim Dung.
Tuy nhiên, mỗi loại võ học lại có một uy lực riêng biệt. Độc cô cửu kiếm có phải là thứ kiếm thuật vô địch thiên hạ hay không, có lẽ còn cần phải xem xét lại.
Bởi ngay trong Tiếu ngạo giang hồ - bộ tiểu thuyết duy nhất mà Độc cô cửu kiếm trực tiếp đại triển thần uy, thì môn kiếm pháp này vẫn bị khắc chế bởi một thứ võ công thượng thường khác đó chính là Quỳ hoa bảo điển.
Đông Phương Bất Bại là người luyện thành công Quỳ hoa bảo điển.
Lệnh Hồ Xung vốn là chân truyền của Độc cô cửu kiếm đã cùng giáo chủ Ma giáo Nhậm Ngã Hành nổi danh với Hấp tinh đại pháp, Thiên vương lão tử Hướng Vấn Thiên và Nhậm Doanh Doanh kết hợp lại quần công một mình Đông Phương Bất Bại, nhưng vẫn bị hắn chiếm thế thượng phong.
Thậm chí, thứ vũ khí mà Đông Phương Bất Bại dùng chỉ là một chiếc kim thêu, nhưng Độc cô cửu kiếm cũng đành bó tay thúc thủ.
Trong trận đánh này Kim Dung mô tả, thân thủ Đông Phương Bất Bại chập chờn như bóng ma, chợt tả chợt hữu, thoắt phía trước, thoắt sau lưng. Do Đông Phương Bất Bại ra chiêu quá nhanh nên Lệnh Hồ Xung không nhìn ra sơ hở. Chỉ khi Nhậm Doanh Doanh dùng mưu khiến Đông Phương Bất Bại xao nhãng, thì 4 đại cao thủ mới có thể đánh bại được y. Chừng đó đủ cho thấy sự lợi hại của Quỳ hoa bảo điển.
Nhiều người nhận định trong thế giới kiếm hiệp Kim Dung vốn không có thứ võ công vô địch, chỉ có người sử dụng chúng để trở thành vô địch mà thôi. Hơn nữa trong khi Đông Phương Bất Bại đã luyện thành công Quỳ hoa bảo điển thì Lệnh Hồ Xung mới chỉ luyện được phần nhập môn của Độc cô cửu kiếm.
Lệnh Hồ Xung mới chỉ luyện được phần nhập môn của Độc cô cửu kiếm.
Độc cô cửu kiếm là kiếm thuật tối thượng, do Độc Cô Cầu Bại sáng tạo. Theo lời kể của Phong Thanh Dương trong Tiếu ngạo giang hồ, Độc Cô Cầu Bại là kiếm khách vô địch thiên hạ, tung hoành giang hồ cả một đời mà không hề bại trận. Các nhân vật có thể coi là truyền nhân của Độc Cô Cầu Bại là Dương Quá trong Thần điêu đại hiệp, Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ.
Độc Cô cửu kiếm bao gồm 9 thức, có thể dùng để đối phó với mọi loại vũ khí và võ công trong thiên hạ.
Được Phong Thanh Dương truyền thụ võ công này, Lệnh Hồ Xung lập tức trở thành đại cao thủ kiếm thuật, lần lượt đả bại hàng loạt tay hảo thủ tiếng tăm trên thiên hạ, bất chấp người mang trọng bệnh và mất đi hoàn toàn nội lực.
Nhưng thật ra, 9 thức ấy mới chỉ là phần nhập môn của thứ kiếm pháp kì diệu ấy. Vẫn còn máy móc và rập khuôn trong khuôn khổ của phá tiễn, phá đao, phá chưởng thức, người dùng vẫn còn chưa thể chạm tới đỉnh cao của Độc Cô Cầu Bại.
Phong Thanh Dương là người truyền Độc cô cửu kiếm cho Lệnh Hồ Xung.
Cảnh giới cao nhất của thứ kiếm pháp này là không còn chiêu thức, không còn bị gò bó trong bất cứ quy luật, giới hạn nào.
Chiêu thức sẽ được sử ra từ tâm người kiếm khách như nước chảy mây trôi, như chính Phong Thanh Dương từng nói:
"Luyện võ và sử chiêu linh động mới chỉ là bước đầu, luyện đến trình độ ra tay không còn chiêu thức mới tiến vào trình độ tuyệt luân. Theo người thì những chiêu luyện tới chỗ tối cao là không tài nào phá giải được.
Ý nghĩa đó chỉ đúng có một điểm là chiêu thức dù có cao đến đâu mà để đối phương tìm thấy đường lối là có thể nhận ra kẽ hở phá mình ngay. Còn như đã không có chiêu thức thì địch nhân còn phá vào đâu?".
Chính vì vậy, 9 thứ của Độc cô cửu kiếm thực chất chưa phải là đỉnh cao nhất của môn kiếm pháp này. Chỉ khi lĩnh ngộ được hoàn toàn kiếm ý, đó mới là đại cao thủ chân chính không đối thủ.
Cảnh giới cao nhất của võ học chính là tự mình sáng tạo ra chiêu thức, thoát khỏi vòng gò bó của những thứ khuôn khổ võ công, đạt tới cảnh giới tùy tâm sở dục (tùy ý sử dụng).