Mới đây, The Paper (Trung Quốc) đã đăng tải bài viết của ông Hách Bình - Chủ nhiệm Trung tâm trao đổi khoa học kỹ thuật và văn hóa Sirindhorn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Thái Lan thuộc Đại học Bắc Kinh nhận định về vấn đề này.
Tất cả lực lượng Thái Lan đều dựa vào quốc vương
Cố Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej là vị vua trị vì lâu nhất thế giới với 70 năm trên ngai vàng, trải qua 26 đời Thủ tướng với 19 cuộc đảo chính quân sự và chính ông cũng là người điều hòa, khôi phục ổn định nội chính tại mỗi thời điểm bước ngoặt này.
Theo Hiến pháp Thái Lan, từ sau cuộc đảo chính ngày 24/6/1932, Thái Lan chính thức thực thi chế độ quân chủ lập hiến. Theo đó, quốc vương là người đứng đầu đất nước, là biểu tượng của quốc gia nhưng không can thiệp chính trị.
Tuy nhiên, vua Bhumibol với kinh nghiệm dày dạn trong hàng chục năm qua đã trở thành nhân vật quyền lực trên chính trường Thái Lan, các ý kiến của nhà vua đã dần ảnh hưởng đến quan điểm chính trị Thái Lan.
Vì thế, các lực lượng chính trị ở xứ sở Chùa Vàng đều rất kính nể, luôn cố gắng dựa vào và tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía nhà vua.
Trước đó, trong cuộc khủng hoảng chính trị Thái Lan 2008 - 2010, cả hai thế lực đối đầu là phe Áo Đỏ và phe Áo Vàng đều tuyên bố vô cùng yêu mên Quốc vương. Bất kể ai tỏ ra khinh thường, thất lễ thậm chí thách thức nhà vua đều bị xử lý mạnh tay.
Đối với người dân Thái Lan, vua Bhumibol có uy tín rất cao, họ gọi ông là "cha". Quốc khánh Thái Lan (5/12) chính là ngày sinh của vua Bhumibol và là Ngày của cha ở Thái Lan.
Cố Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej.
Nhà vua băng hà ảnh hưởng không nhỏ tới xã hội Thái
Theo học giả Hách Bình, do là nhân vật có tầm ảnh hưởng sâu rộng tại Thái Lan, sự kiện Quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cục diện chính trị Thái Lan.
Thứ nhất, Thái Lan mất đi một sức mạnh ổn định trong thời kỳ khủng hoảng. Mặc dù tình hình hiện tại ở quốc gia này khá ổn định nhưng các vấn đề xã hội vẫn chưa được giải quyết triệt để và khó có thể dung hòa trong thời gian ngắn, không loại trừ căng thẳng sẽ leo thang và những cuộc biểu tình sẽ xảy ra.
Hiện nay, Thái Lan đang thiếu một nhân vật có năng lực và uy tín như nhà vua nhằm đoàn kết, cân bằng các lực lượng và hóa giải kỳ thị. Bất ổn chính trị sẽ do đó gia tăng.
Thái tử Maha Vajiralongkorn (trái) và công chúa Maha Chakri Sirindhorn.
Thứ hai, về vấn đề người kế vị. Dưới sự ủng hộ của chính phủ quân đội, Thái tử Maha Vajiralongkorn là người kế thừa ngai vàng theo hiến pháp, nhưng dư luận lại lo ngại về tương lai của đất nước do ảnh hưởng từ đời tư của Thái tử.
Tại Thái Lan, công khai bôi nhọ hoặc tỏ thái độ bất kính đối thành viên hoàng gia sẽ bị khép vào trọng tội. Mới đây, một người dùng facebook đã bị kết án 32 năm tù vì đã nhấn nút like một bức ảnh nhà vua Bhumibol đã bị chỉnh sửa.
Thứ ba, những nhân tố bất ổn có thể đang chờ cơ hội.
Theo đó, lực lượng của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang "án binh bất động" nhưng không có nghĩa họ đã từ bỏ mong muốn khôi phục địa vị cũ.
Miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan vẫn được coi là đại bản doanh của ông Thaksin, lực lượng "quân áo đỏ" vẫn đang hoạt động tích cực tại các địa phương.
Trong khi đó, bạo loạn tại miền Nam Thái Lan không có dấu hiệu suy giảm và vấn đề này vẫn chưa có phương hướng giải quyết rõ ràng.
Ngoài ra, những năm gần đây, hoạt động khủng bố quốc tế ngày càng gia tăng, điển hình là vụ đánh bom tại ngôi đền Erawan năm 2015. Trong thời đại toàn cầu hóa, bất cứ một quốc gia nào cũng đều có thể trở thành nạn nhân của các vụ tấn công khủng bố.
Thái tử Maha Vajiralongkorn tham gia cuộc đua xe đạp nhân kỷ niệm mừng sinh nhật lần thứ 88 của quốc vương Bhumibol năm 2015.
Ít khả năng xã hội biến động trầm trọng
Theo tình hình hiện tại, khả năng xã hội Thái Lan xảy ra tình trạng bất ổn lớn dưới sự trị vì của Thái tử Maha Vajiralongkorn sẽ không cao.
Bởi sức khỏe Quốc vương Bhumibol đã suy giảm nhiều năm nay nên nội các của Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha đã sớm đưa ra phương án dự phòng. Từ nhiều năm trước, họ không ngừng tăng cường và củng cố vị thế của Thái tử.
Những năm gần đây, vào ngày sinh nhật 28/7 của Thái tử, nội các Prayuth cũng tăng cường tuyên truyền, tổ chức chúc mừng rầm rộ như lệnh cho các kênh truyền hình Thái liên tục phát sóng những chương trình ca ngợi Thái tử hoặc treo ảnh của thái tử song song với nhà vua Bhumibol tại quảng trường Salam Luang, Bangkok.
Đặc biệt, ngày 11/12/2015, Thái tử Vajiralongkorn đã tham gia hoạt động đua xe đạp nhân kỷ niệm mừng sinh nhật 88 tuổi của vua cha. Do đó, hình ảnh của ông trong mắt người Thái cũng được cải thiện đáng kể.
Trước đây, thái tử Vajiralongkorn có mối quan hệ thân thiết với cựu Thủ tướng Thaksin nhưng hiện tại, quan hệ giữa nội các của Prayuth Chan-ocha và Thái tử ngày càng trở nên gần gũi hơn.
Sau khi lên ngôi, Thái tử nhiều khả năng sẽ ủng hộ các chính sách của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.
Mặc dù chính quyền quân sự đã thực hiện một số biện pháp cứng rắn khiến nhiều người không hài lòng nhưng về khách quan, chính quyền Prayuth nhận được sự ủng hộ của đa số người Thái.
Ngoài ra, quá trình chuyển giao quyền lực không phải xảy ra trong một sớm một chiều nên hầu hết các mối quan hệ cũ đều sẽ dần thay đổi để phù hợp với tình hình mới.
Các bên cũng đều đang chờ đợi, sau khi Thái tử chính thức lên ngôi, phản ứng của dân chúng sẽ như thế nào và tiến hành bước kế hoạch tiếp theo.
Trong thời kỳ chuyển giao quyền lực, đặc biệt trong thời gian một năm quốc tang, lực lượng đối đầu chính phủ đương nhiệm như phe Áo Đỏ của cựu Thủ tướng Thaksin chắc chắn sẽ không manh động.
Do đó, điều mà người Thái cần đề phòng có thể là những tổ chức khủng bố quốc tế.
Quan hệ Trung Quốc - Thái Lan không có nhiều thay đổi
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và người đồng cấp Thái Lan Prayuth Chan-ocha tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Malaysia năm 2015.
Theo ông Hứa Bình, hiện tại một số ý kiến cho rằng sự kiện vua Bhumibol băng hà có thể gây ra sự dao động nhẹ trong quan hệ hai nước Trung Quốc - Thái Lan.
Quan hệ ngoại giao Trung - Thái chính thức được thiết lập từ năm 1975. Tuy Quốc vương Bhumibol chưa từng tổ chức thăm viếng cấp cao đến Bắc Kinh nhưng các thành viên Hoàng gia Thái Lan đều đã nhiều lần tới thăm Trung Quốc.
Đặc biệt, công chúa Maha Chakri Sirindhorn từng tốt nghiệp Tiến sĩ danh dự tại Đại học Bắc Kinh và được coi là sứ giả thiện chí của hai nước Trung - Thái.
Hách Bình nhận định, trong thời gian phụ chính, thái độ của công chúa đối với Trung Quốc cũng phần nào phản ảnh thái độ của Bangkok đối với Bắc Kinh.
Ngoài ra, cố Quốc vương Bhumibol tuy có ảnh hưởng chính trị lớn tại Thái Lan nhưng trong thời gian trị vị, ông chủ yếu quan tâm vấn đề phúc lợi dân sinh, duy trì ổn định xã hội quốc gia chứ không can thiệp nhiều vào các vấn đề ngoại giao.
Về điều này, quan điểm của người kế vị tiếp theo của hoàng gia Thái Lan có thể không có thay đổi lớn.
Quốc vương Bhumibol băng hà có ảnh hưởng lớn tới xã hội, nội chính Thái Lan nhưng lại không ảnh hưởng nhiều tới chính sách ngoại giao nước này nên các mối quan hệ quốc tế, bao gồm Bắc Kinh sẽ không thay đổi.