"Chúng tôi đang chờ đợi để được chuyển giao các hệ thống vũ khí phòng thủ", ông Yatsenyuk nói trong cuộc họp thường niên lần thứ 12 của Chiến lược châu Âu Yalta (YES) tại Kiev vào ngày 12.9.
Ông nhắc lại rằng Ukraine đã hỏi xin các đối tác phương Tây của mình những viện trợ như vậy và Ukraine vẫn mong chờ được phương Tây viện trợ vũ khí trong thời gian tới.
"Trang bị vũ khí cho quốc phòng (trong phạm vi cần thiết) không phải là hành vi phạm tội.
Chúng tôi hiểu rằng không thể có một giải pháp quân sự cho vấn đề này, nhưng cũng không thể có được những giải pháp nếu không có được lực lượng vũ trang mạnh mẽ (ở Ukraine).
Chúng tôi cần một quân đội mạnh mẽ để ngăn chặn các phần tử khủng bố Nga (cách gọi lực lượng dân quân ly khai miền Đông Ukraine của chính quyền Kiev)", Thủ tướng Ukraine nhấn mạnh.
Dằn mặt Tổng thống Poroshenko?
Việc Thủ tướng Yatsenyuk cầu cạnh vũ khí từ phương Tây là không mới, tuy nhiên giữa lúc ông đang bị các thân tín của Tổng thống Poroshenko tấn công vì những quyết sách của mình thì có thể thấy đây không còn đơn thuần là việc cầu cạnh phương Tây như thường lệ.
Mới đây, Thống đốc Odessa Mikheil Saakashvili người nổi tiếng là thân tín của ông Poroshenko, đã xuất hiện trên một kênh truyền hình thuộc quyền quản lý của Tổng thống Ukraine và lớn tiếng chỉ trích Thủ tướng Yatsenyuk.
Ông Saakashvili tỏ ra khinh miệt Yatsenyuk, cáo buộc ông là người phá hoại các đường lối cải cách, bao che cho cấp dưới tham nhũng và đứng về phe các đầu sỏ chính trị như Kolomoisky.
Sự kiện trên, đánh dấu bước đi mới của Tổng thống Ukraine dùng để "ép buộc" ông Yatsenyuk phải "nghe lời" hơn.
Đáp lại, chỉ sau khi bị Saakashvili "dằn mặt" vài ngày, Thủ tướng Ukraine ngay lập tức cầu cạnh phương Tây, xin vũ khí ngay tại một diễn đàn được tổ chức tại Kiev.
Hành động của ông Yatsenyuk, cho thấy ông muốn đáp trả lại sự tấn công của Tổng thống Ukraine, cũng như nói lên tầm quan trọng của ông trong chính trường Ukraine hiện nay.
Chiến sự hạ nhiệt, khủng hoảng Ukraine sắp kết thúc?
Trước đó, ngày 11.9, Tổng thống Ukraine Petro Oleksiyovych Poroshenko tuyên bố một bước đột phá nhỏ trong cuộc chiến tại miền Đông Ukraine.
Ông cho biết, lần đầu tiên trong một năm rưỡi nội chiến vừa qua, đã có một ngày mà không có bất cứ một tiếng đạn pháo nào được nghe thấy trên đất nước của ông.
Đây được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine - một điểm trong gói thỏa thuận hòa bình Minsk được ký vào tháng 2.2015 - cuối cùng cũng có thể thực hiện được.
Tổng thống Poroshenko cũng tuyên bố tại hội nghị thường niên Chiến lược châu Âu Yalta (YES) lần thứ 12 rằng tình hình Ukraine hiện nay là "lạc quan trong thận trọng".
Dù nền kinh tế Ukraine đang lao dốc thảm khốc - dự đoán GDP Ukraine sẽ giảm 15% trong năm nay - Tổng thống Ukraine thậm chí còn cho rằng thời gian đang đứng về phía Ukraine.
Cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra từ tháng 11.2013, khi người dân Kiev xuống đường biểu tình đòi lật đổ chế độ của Tổng thống Ukraine khi đó là Yanukovych vì không chịu ký một thỏa thuận hợp tác với EU.
Cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo loạn, và cuối cùng là cướp chính quyền vào cuối tháng 2.2014. Khi đó, người dân tại miền Đông Ukraine tuyên bố không công nhận chính quyền mới ở Kiev.
Vào tháng 4.2014 Tổng thống Poroshenko ra quyết định dùng quân đội trấn áp miền Đông, dẫn đến tình thế nội chiến như hiện nay.
Tính đến nay, theo Liên Hiệp Quốc đã có hơn 8.000 người thiệt mạng vì cuộc chiến ở miền Đông Ukraine, bất chấp rằng một thỏa thuận hòa bình 13 điểm đã được thông qua hồi tháng 2 tại Minsk thủ đô Belarus.