Vùng phòng không ở Hoa Đông: TQ đang chơi đòn tâm lý hiểm độc

Hà Dũng - Mai Ngọc |

(Soha.vn) - Cứ nhìn vào cách TQ đề ra đường lưỡi bò phi pháp, có thể thấy, vùng phòng không ở biển Đông, nếu được họ tự ý thiết lập, sẽ gần như nuốt trọn khu vực này.

"Nhẹ tay" với B-52 của Mỹ

Ngày 23/11, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao phủ gần hết vùng biển này, kể cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - hiện đang là trung tâm tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo. Trung Quốc đơn phương đặt ra "luật chơi" tại đây khi yêu cầu tất cả các máy bay phải thông báo trước kế hoạch nếu bay vào vùng nhận dạng phòng không này.

Các chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cùng hàng loạt nước khác đã phản đối kịch liệt và tuyên bố ADIZ của Trung Quốc là vô giá trị. Nhưng điều này hoàn toàn nằm trong dự tính của Trung Quốc. Trung Quốc biết sẽ rất hiếm kẻ công nhận tính pháp lý của khu vực này, đồng thời các chuyến bay quân sự có lẽ cũng sẽ chẳng bao giờ thông báo trước. Minh chứng rõ ràng nhất là chuyến bay kéo dài chưa đầy một giờ của hai chiếc B52 của Mỹ đêm 25/11.

Trung Quốc không cản trở hoạt động tuần tra không báo trước của 2 máy bay Mỹ bởi Bắc Kinh thừa hiểu rằng, nếu hành động quyết liệt như đã tuyên bố thì có thể, người bị thiệt thòi sẽ chính là họ. Khi đó, Mỹ có thể công khai lên án hành động của Trung Quốc là cản trợ tự do lưu thông hàng không.

Và Mỹ cũng có thể tận dụng cơ hội, điều thêm tàu chiến, máy bay tới khu vực với lý do đảm bảo tự do lưu thông hàng không. Như vậy sẽ chỉ "chuốc" thêm bất lợi.

Nhưng với máy bay Nhật thì sao? Theo nhóm các chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS), Trung Quốc cũng đã có sẵn "bài tính" dành cho máy bay quân sự Nhật. Thông qua vùng phòng không bao trùm lên vùng tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc đã tạo dựng cho mình một cơ sở để tranh cãi, hay thậm chí là hành động nếu cần, để chống lại máy bay Nhật Bản hoạt động trong khu vực này, đối phó với những cảnh báo từ phía Nhật Bản về việc bắn hạ máy bay do thám Trung Quốc đe doạ không phận Nhật.

Vùng phòng không cũng giúp Trung Quốc thu thập dữ liệu về số lần máy bay nước này phải "ra tay" đánh chặn máy bay Nhật Bản đi vào vùng không phận Trung Quốc tuyên bố kiểm soát. Động thái này tương tự như việc công bố số liệu về số lần xâm nhập trái phép của máy bay Trung Quốc mà Nhật Bản đã làm. Thông qua đó, chứng minh với người dân trong nước rằng quân đội đang cố gắng hết sức mình để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Việc thiết lập ADIZ cũng là cách mà Trung Quốc chứng minh rằng chính phủ cấp bách tìm cách thúc đẩy việc đưa ra các giải pháp ứng phó với nguy cơ xung đột trong khu vực, nhưng cũng đồng thời ẩn ý chỉ ra rằng, va chạm có thể xảy ra tại Senkaku/Điếu Ngư không phải là mối đe doạ duy nhất tại Hoa Đông.

"Chúng tôi là doanh nghiệp... chúng tôi phải tuân thủ quy định"

Đối tượng mà quy định báo cáo lịch trình bay của Trung Quốc thực sự hướng tới ở đây có lẽ là các hãng hàng không. Lợi dụng tâm lý muốn "an toàn là trên hết" của các hãng này, Trung Quốc đã nhẹ nhàng đặt họ vào tình thế khó có thể cưỡng lại "luật chơi" của mình.

 	Khu vực nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông của Trung Quốc

Khu vực nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông của Trung Quốc

Là một hãng hàng không với hàng loạt tài sản và các chuyến bay qua lại khu vực nhận dạng phòng không, có lẽ không ai dám mạo hiểm không thông báo kế hoạch cho Trung Quốc. Chưa bàn tới việc bị bắn hạ, chỉ cần Trung Quốc cho vài chiếc máy bay chiến đấu ngăn chặn, ép hạ cánh khẩn cấp xuống một sân bay của Trung Quốc (dù khả năng xảy ra điều này là vô cùng nhỏ) thì đã gây ra thiệt hại về uy tín, kéo theo đó là thiệt hại về kinh tế vô cùng lớn, thậm chí có thể phải đóng cửa.

Bởi vậy, rất dễ hiểu khi hàng loạt các hãng hàng không của Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Úc, Hàn Quốc… cũng đã đồng ý sẽ thông báo cho giới chức Trung Quốc về các chuyến bay khi đi qua khu vực trên, bất chấp việc chính phủ kêu gọi phớt lờ yêu cầu từ phía Bắc Kinh.

Ngay cả Japan Airlines, hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản cũng vội vàng tuyên bố sẽ tuân thủ với lý do rất chính đáng: "Chúng tôi là doanh nghiệp, chúng tôi không bình luận gì về chính trị nhưng phải tuân thủ các quy định để bảo đảm an toàn bay”. Tuy nhiên, các hãng hàng không Nhật Bản và Hàn Quốc sau đó đã rút lại quyết định nộp kế hoạch bay cho Trung Quốc.

Chỉ riêng việc các hãng hàng không thừa nhận giá trị pháp lý của khu vực này vì lí do an toàn, trong đó có các hãng hàng không của Nhật (dù chỉ trong một thời gian rất ngắn) cũng đã đủ khiến Trung Quốc hả hê.

Trong tương lai gần, không ngạc nhiên khi Trung Quốc sẽ lớn tiếng hô hào rằng, những sự thừa nhận trên chính là minh chứng cho việc thế giới công nhận chủ quyền của mình.

Sau Hoa Đông sẽ là biển Đông?

Trong cuộc họp báo ngày 27/11 xung quanh vấn đề về vùng phòng không của Trung Quốc, khi được hỏi về việc liệu chính phủ đã tính toán đến một khu nhận diện phòng không ở Biển Đông hay chưa, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết "sẽ thiết lập các khu vực nhận diện phòng không khác sau khi làm xong các công tác chuẩn bị".

Trước đó, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cũng từng nói rằng Bắc Kinh không loại trừ áp đặt cái gọi là vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Vấn đề có lẽ chỉ là "thời gian và cái cớ".

Làm rõ cho ý này, Thời Ân Hoằng, giáo sư Đại học Nhân Dân, cố vấn chính sách đối ngoại cho chính phủ Trung Quốc đã trả lời hãng tin AFP rằng, "cái cớ" trong trường hợp ở Hoa Đông chính là chính sách phát triển sức mạnh quân sự của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trong khi đó, ở biển Đông, Trung Quốc chưa thể tìm được điều kiện như vậy, bởi "mối quan hệ Trung Quốc - Việt Nam đang được cải thiện, Bắc Kinh lại không có nhu cầu đi quá xa để đối phó với Philippines."

Thiếu tướng Doãn Trác, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban cố vấn của Hải quân Trung Quốc hung hăng hơn khi mạnh miệng phát biểu trên truyền hình Quốc gia Trung Quốc CCTV rằng: “Từ nay có thể sẽ tiến tới thiết lập Vùng nhận diện Phòng không trên các vùng biển liên quan như Hoàng Hải và Biển Đông”.

Ông Trác còn nhận định việc xác lập ADIZ trên biển Hoa Đông được cho là biện pháp thăm dò trước khi thiết lập các ADIZ ở những vùng biển khác trong tương lai.

Có lẽ ngay từ bây giờ, các nước quanh biển Đông đã phải tính cách đối phó với các chiêu bài kích động căng thẳng trên biển Đông và âm mưu thiết lập “vùng vực nhận dạng phòng không ở biển Đông”, bởi nếu căn cứ vào lưỡi bò phi lý của Trung Quốc, thì khu vực này, một khi được thiết lập, sẽ gần như nuốt trọn biển Đông.

 	Thiếu tướng Doãn Trác hô hào lập vùng xác định phòng không trên biển Đông

Thiếu tướng Doãn Trác hô hào lập vùng xác định phòng không trên biển Đông

Vì sự an toàn, vì sự sống còn của mình, có thể không ít các hãng hàng không sẽ lại thực hiện theo yêu cầu của Trung Quốc mặc dù thực lòng không ai muốn. Còn Trung Quốc sẽ nghiễm nhiên coi đó như một sự thừa nhận chủ quyền của mình trên biển Đông.

Và nguy hiểm hơn, Trung Quốc cũng có thể lại ra lệnh cấm bay đối với những hoạt động không được thông báo, khi đó các va chạm trên vùng trời biển Đông rất dễ xảy ra.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại