Vụ xuyên tạc về "em bé napalm": Phi công Bắc Việt ở đâu ra?

Phan Hồng Hà |

Cuộc phỏng vấn với tác giả bài viết trên báo Nga tố cáo trang Ukraine Today xuyên tạc sự thật về bức ảnh “Em bé napalm”.

Ai đã xuyên tạc trắng trợn sự thật về bức ảnh "Em bé Napalm"?

LTS: Trang Sputnik News Việt ngữ ngày 8/3/2015 vừa qua đã đăng tải bài viết của nhà báo Alexei Syunnerberg với tựa đề “Ai ném bom xuống ngôi làng của ‘em bé napalm’”?

Trong bài viết này, tác giả cho biết trang web “Ukraine Today” của Ukraine hôm 5/3 đã đăng một bài báo có những thông tin xuyên tạc trắng trợn, đổ lỗi cho quân đội miền Bắc Việt Nam trong sự kiện xảy ra ở Trảng Bàng, Tây Ninh 44 năm về trước.

Để tìm hiểu về sự việc gây phẫn nộ mạnh mẽ này, thông qua một đồng nghiệp hiện đang ở Moscow, chúng tôi đã tìm cách liên hệ được với nhà báo Alexei Syunnerberg.

Theo hẹn trước, 16h ngày 13/3, chúng tôi nối được điện thoại với ông Syunnerberg, người từng hơn 20 năm giữ chức Trưởng Ban Việt ngữ Đài Tiếng nói nước Nga, hiện là phóng viên của Hãng tin Sputnik.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Nga. Như đã hứa với bạn đọc, sau đây là các thông tin mới nhất chúng tôi nhận được từ nhà báo Alexei Syunnerberg.

Nhà báo Alexei Syunnerberg

Nhà báo Alexei Syunnerberg

PV: Xin chào Alexei Sergeevich , độc giả Việt Nam sau khi đọc được bài báo của ông trên Sputnik, muốn được biết thông tin quanh bài viết “xuyên tạc sự thật” của Ukraine Today...

Alexei Syunnerberg (A.S): Vâng, tôi hiểu. Sự thể thế này: Bài của Ukraine Today tôi đọc được hôm 5/3 và sau đó đã viết bài báo mà các bạn đã đọc được trên trang của chúng tôi.

Khi đọc, tôi đã chụp màn hình bài báo đó của Ukraine Today, bài báo bằng tiếng Nga, đề thời gian là 13h57 phút ngày Thứ Năm 5/3/2015. Bản chụp đó tôi vẫn còn giữ, có thể gửi cho anh.

Sau ngày 8/3, các anh đã hỏi tôi về đường dẫn đến bài báo đó, hôm thứ Ba (tức 10/3), khi tôi vào trang Ukraine Today để tìm đường dẫn cho anh thì không còn tìm thấy bài đó nữa...

Ảnh mà nhà báo Alexei Syunnerberg gửi cho chúng tôi và khẳng định rằng đó là ảnh chụp bài viết mà trang Ukraine Today đăng tải ngày 5/3 (chúng tôi không tìm thấy bài viết này trên trang của Ukraine Today. Theo giải thích của ông Alexei Syunnerberg, bài viết đã bị gỡ)

Bức ảnh nhà báo Alexei Syunnerberg gửi cho chúng tôi và khẳng định rằng đó là ảnh chụp bài viết mà trang Ukraine Today đăng tải ngày 5/3 (chúng tôi không tìm thấy bài viết này trên trang của Ukraine Today. Theo giải thích của ông Alexei Syunnerberg, bài viết đã bị gỡ)

PV: Tức là nó đã bị gỡ bỏ...

A.S: Vâng, nó đã bị gỡ khỏi trang. Tôi muốn nói anh đôi chút thông tin quanh bài báo này. Trước thềm kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng phát xít, đang có một làn sóng tuyên truyền sai sự thật từ phương Tây.

Các thông tin đăng trên Ukraine Today không chỉ đưa các thông tin sai trái về Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, mà còn về những gì liên quan đến Liên Xô, về vai trò của Liên Xô đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trong bài báo cụ thể này, đã viết là công tác tuyên truyền của Liên Xô là giả dối, không công bằng khi nói quân Mỹ là tội phạm, không công bằng khi nói về tính nhân đạo của những người cộng sản Việt Nam.

Tôi xin đọc lại cho anh đoạn mở đầu của bài báo đó:

Ngày 8 tháng 6, 1972 tại làng Trảng Bàng phía tây bắc Sài Gòn xảy ra trận đánh giữa quân đội của Bắc Việt và Nam Việt Nam.

Một số thường dân chạy thoát khỏi quân Bắc Việt, rời làng và chạy về phía quân chính phủ. Phi công máy bay Việt Nam nhầm tưởng dân làng là lính đối phương đã ném xuống họ mấy quả bom napalm”.

PV (ngắt lời): Nhưng, nhưng...

A.S: Vâng, anh hãy chú ý: Bài báo viết “phi công máy bay Việt Nam”, không nói rõ là miền Bắc hay miền Nam Việt Nam.

Vấn đề là ở chỗ những ai hiểu biết về chiến tranh Việt Nam thì họ hiểu rằng vào thời điểm đó, ngay gần Sài Gòn không thể có máy bay của miền Bắc Việt Nam.

Nhưng những ai không hiểu biết, đặc biệt là lớp trẻ, khi mà sự kiện đó đã xảy ra trên 40 năm, họ không thể biết được điều đó.

Tôi đã đưa bài báo này cho các bạn trẻ quen biết, rồi bạn bè của con tôi, ở tầm độ tuổi 20, 30, 35...

Tôi yêu cầu các bạn ấy đọc bài báo này và trả lời câu hỏi: Đó là máy bay của ai, từ thông tin của bài báo này, hãy nói đó là máy bay của Bắc Việt Nam hay Nam Việt Nam?

Tất cả họ đều nói: Tất nhiên đó là máy bay của Quân đội nhân dân Việt Nam.

PV: Tức là họ hiểu nhầm đó là máy bay của miền Bắc Việt Nam...?

A.S: Đúng, họ nghĩ là máy bay của miền Bắc Việt Nam. Anh biết đấy, các thông tin của bài báo không nói thẳng ra, đó là máy bay của Sài Gòn, hay máy bay của Hà Nội, chỉ viết là “phi công máy bay Việt Nam”.

Nhưng nếu tính đến sự định hướng của bài báo, tính đến tinh thần chống Liên Xô thể hiện trong đó, những ai không phải là chuyên gia, không biết lịch sử đều có thể hiểu nhầm rằng: đó chính là máy bay của Bắc Việt Nam.

Chắc anh cũng biết trong (nghệ thuật) tuyên truyền rất phổ biến phương pháp gây cảm giác, ấn tượng, không nói ra rõ ràng, bởi đó là sự dối trá trơ trẽn, nhưng để cho người ta có cảm giác đó chính là sự thật.

Trong trường hợp này, việc gây ấn tượng đã thành công. Tôi đã hỏi 8 người Nga trẻ, và tất cả họ đều trả lời (sau khi đọc bài báo) là bài báo đang nói về máy bay Bắc Việt Nam...

PV: Thưa ông, tôi đã đọc bài báo của Ukraine Today, nó đã được đăng trên site này từ 7 năm trước...

A.S: Hoàn toàn đúng như vậy, đúng là như vậy. Nó có nguồn từ trang gulag, một trang web...

PV: Vâng, tôi có đọc qua trang gulag này rồi. Ở đó có các bài báo phủ nhận cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, viết xuyên tạc về Lá cờ Chiến thắng...

A.S: Hoàn toàn đúng như vậy. Anh đã biết về những chủ đề mà trang gulag đang đề cập. Thế mà hôm nay, vào ngày 5/3/2015, sau 7 năm, trên site Ukraine Today lại đăng lại bài báo này.

PV: Tôi muốn hỏi tại sao ông lại biết đến bài báo của Ukraine Today? Ông tình cờ đọc được nó, hay có ai mách cho ông biết?

A.S: Tôi có thể nói ngay với anh rằng tôi tình cờ đọc được bài báo này. Hàng ngày tôi đều vào mạng Internet, tìm xem có những sự kiện gì thú vị, những bình luận, quan điểm nào hay...và tình cờ vào trang Ukraine Today.

Trước đây, tôi chưa  bao giờ vào trang đó.

PV: Vậy, ngay sau khi đọc xong bài báo đó, ông liền viết ngay bài báo “Ai xuyên tạc sự thật về bức ảnh “Em bé napalm”?

A.S: Không. Đầu tiên là tôi chụp lại màn hình, sau đó in ra nhiều bản, cho các bạn bè xem. Sau khi biết được ý kiến của họ, tôi mới bắt tay vào viết.

PV: Là tác giả của bài báo phê phán Ukraine Today, ông có muốn nói gì với các độc giả Việt Nam?

A.S:Tôi muốn nói với các bạn đọc rằng ở nước Nga hiện còn rất nhiều người vẫn nhớ đến lòng anh dũng tuyệt vời mà dân tộc Việt Nam đã thể hiện trong cuộc kháng chiến cứu nước, biết đến sự giúp đỡ của Liên Xô với Việt Nam trong cuộc đấu tranh của các bạn.

Trong cuộc chiến này, dân tộc Việt Nam đã trở thành người chiến thắng.

Tất nhiên là sự giúp đỡ của Liên Xô cũng có vai trò nhất định, nhưng lòng dũng cảm, chủ nghĩa anh hùng của Việt Nam mới là quan trọng nhất. Đó là một bài học lớn của Việt Nam trong thế kỷ XX, mà cho đến nay vẫn cần phải nghiên cứu.

Nước Nga cũng không quên tình hữu nghị anh em giữa hai nước chúng ta.

Sau một khoảng thời gian trầm lắng của thập niên 90, quan hệ hai nước đã nồng ấm trở lại. Tổng thống Putin, rồi Tổng thống Medvedev, Chủ tịch nước, Tổng bí thư Việt Nam đã sang thăm lẫn nhau.

Hai nước đang hợp tác rất hiệu quả trong nhiều lĩnh vực như nhiệt điện, điện nguyên tử, dầu khí... Không thể không vui mừng vì những điều đó.

Ở nước Nga có hàng chục nghìn người Việt Nam đang sinh sống làm ăn, tham gia vào các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật...của Nga. Tại Đài Sputnik cũng có 2 chuyên gia Việt Nam làm việc, giúp đỡ chúng tôi rất nhiều.

Quan hệ hữu nghị của chúng ta là rất nồng ấm. Không chỉ tôi chuyên về Việt Nam, con trai tôi cũng đã trở thành nhà Việt Nam học, là PGS.PTS và hiện đang giảng dạy các môn học liên quan đến Việt Nam trong trường Đại học tổng hợp.

PV: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sự việc này và chuyển đến độc giả các thông tin mới nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại