Damascus bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc trong khi một số chuyên gia cho rằng những bằng chứng mà phe đối lập đưa ra là không thuyết phục.
Các cáo buộc được đưa ra khi một nhóm thanh sát viên của LHQ đang ở Syria để điều tra tình nghi về việc sử dụng vũ khí hóa học ở cả hai bên trong cuộc xung đột đến nay đã kéo dài 29 tháng.
Sau một phiên họp khẩn của Hội đồng bảo an ở New York, chủ tịch hội đồng, đại sứ Argentina tại LHQ, Maria Cristina Perceval, nói: “Phải làm rõ những gì đã xảy ra và tình hình cần được giám sát kỹ lưỡng.”
Bà cũng cho biết thêm các thành viên trong hội đồng “hoan nghênh quyết tâm của tổng thư ký trong việc tiến hành một cuộc điều tra toàn diện, thấu đấu và không thiên vị”. Hội đồng gồm 15 nước bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các cáo buộc và nhất trí bất cứ việc sử dụng vũ khí hóa học nào cũng là “vi phạm luật pháp quốc tế.”
Các chính phủ phương Tây yêu cầu cho các thanh sát viên tiếp cận ngay lập tức để điều tra những cáo buộc mới. Nga cũng nhất trí nhưng nghi ngờ đây là “âm mưu khiêu khích” từ phe đối lập và những nước ủng hộ phe này.
Các đoạn băng do phe đối lập phát tán, mà độ xác thực chưa thể kiểm chứng, cho thấy các nhân viên y tế chăm sóc các trẻ em có dấu hiệu bị ngạt thở và các bệnh viện chật kín người. Một số đoạn băng khác chiếu cảnh hàng chục người nằm dưới đất, bao gồm nhiều trẻ em, trên người phủ vải trắng.
Chính quyền Syria bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc, trong đó phe đối lập nói quân đội chính phủ đã tiến hành nhiều vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, một ở Moadamiyet al-Sham, tây nam Damascus, và một số vụ khác ở các vùng ngoại ô phía đông thủ đô.
Ủy ban hợp tác địa phương (LCC), một tổ chức đối lập, nói hàng trăm nạn nhân đã có triệu chứng “hít phải khí độc của chính quyền”.
Trong một đoạn video đăng trên YouTube, trẻ em được cấp cứu ở một bệnh viện dã chiến với các túi oxy hỗ trợ hô hấp trong khi các bác sĩ tìm cách hồi tỉnh một số em nhỏ nằm bất động.
Tuy nhiên, các chuyên gia về ảnh hưởng của vũ khí hóa học nói những bằng chứng từ các đoạn băng không thuyết phục lắm.
“Lúc này tôi thấy không hoàn toàn thuyết phục vì những người giúp họ không hề có trang bị các thiết bị phòng ngừa và phục hồi hô hấp”, Paula Vanninen, giám đốc Verifin, tổ chức chuyên môn ở Phần Lan chuyên theo dõi việc thực thi hiệp ước quốc tế về vũ khí hóa học, nói.
“Trong các vụ việc thật sự, những người hỗ trợ cũng sẽ bị nhiễm khí độc và có các triệu chứng cho thấy điều đó”.
John Hart, đứng đầu Dự án an ninh hóa học và sinh học thuộc Viện nghiên cứu hòa bình ở Stockholm (Thụy Điển) nói các nạn nhân trong những đoạn băng “không cho thấy dấu hiệu điển hình nhất của việc bị nhiễm độc: đồng tử thu nhỏ lại”.
George Sabra của Liên đoàn dân tộc Syria, tổ chức đối lập lớn nhất, nói hơn 1.300 người đã thiệt mạng trong “vụ thảm sát đã giết chết những hy vọng về một giải pháp chính trị cho Syria”.
Nhưng hãng tin nhà nước SANA bác bỏ các tin tức này, cho rằng chúng “hoàn toàn ngụy tạo” và “là một nỗ lực nhằm ngăn cản phái bộ Liên hợp quốc thực hiện nhiệm vụ của họ”.
Mỹ trước đó từng nói việc chính quyền sử dụng vũ khí hóa học là “lằn ranh đỏ”, ngụ ý có thể dẫn tới việc họ can thiệp quân sự vào Syria.
Tuy nhiên, sau những tin tức mới nhất, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki tỏ ra thận trọng: “Tôi không nói gì tới lằn ranh đỏ. Tôi không tranh luận về lằn ranh đỏ… Tôi không thiết lập lằn ranh đỏ.”
Nga trong khi đó nói họ có bằng chứng cho thấy chính phe nổi dậy sử dụng vũ khí hóa học vào tháng 3, và bày tỏ nghi ngờ trước những tin tức mới nhất.