Cụ thể, giới chức hai nước này đang bàn đến phương thức tăng cường sự hiện diện của binh lính, vũ khí Mỹ trong khu vực cũng như việc đẩy mạnh hoạt động tổ chức các cuộc tập trận chung.
Nguồn tin từ Gulf News hôm qua (16/8) tiết lộ, các nhà đàm phán đang bàn về việc đưa quân và vũ khí Mỹ đến đóng tạm thời tại các vùng biển và vùng đất thuộc lãnh thổ Philippines. Tuy nhiên, trọng tâm mà Philippines cũng như Mỹ hướng đến là các hoạt động, chiến dịch triển khai trên biển.
“Các phương thức tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ thông qua hoạt động triển khai binh lính cùng vũ khí, thiết bị trên cơ sở luân phiên đang được bàn bạc tỉ mỉ. Một phương thức là tiến hành các cuộc tập trận có giá trị cao, có ảnh hưởng lớn”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết. Tuy nhiên, ông này không tiết lộ thông tin chi tiết về những nội dung mà giới chức hai bên đã thảo luận với nhau trong cuộc đàm phán kéo dài 1 ngày hôm 14/8.
“Washington và Manila đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận cho phép các lực lượng Mỹ đưa thêm vũ khí, thiết bị quân sự đến hai căn cứ cũ của họ trên lãnh thổ Philippines – đó là Căn cứ Hải quân Subic và Căn cứ Không quân Clark”, ông Gazmin nói. Tuy nhiên, ông Gazmin cũng khẳng định, việc thiết lập thêm các căn cứ ở Vịnh Subic, đối mặt với Biển Đông, là điều không cần thiết.
Mặc dù tiến trình đàm phán về thỏa thuận tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Philippines vừa mới được khởi động cách đây 3 ngày nhưng trên thực tế, hai nước này đã bàn bạc về vấn đề trên từ hồi năm ngoái, ở thủ đô Washington.
Subic chỉ cách bãi cạn Scarborough có khoảng 200km. Bãi cạn này là nơi chứng kiến cuộc đối đầu quyết liệt kéo dài hơn 50 ngày giữa tàu thuyền hai nước Philippines và Trung Quốc hồi năm ngoái. Hiện tại, Trung Quốc đang giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough – nơi vốn là ngư trường đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines.
Theo những thông tin được tiết lộ ở trên, người ta có thể hình dung được phương thức tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Philippines. Cụ thể, lực lượng Mỹ được cho là sẽ tăng cường nhiều hơn nữa các cuộc tập trận chung với đồng minh Philippines và các hoạt động, chiến dịch của quân đội Mỹ ở quốc gia Đông Nam Á sẽ diễn ra trên biển nhiều hơn là trên đất liền. Trong thời gian tới, các cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines sẽ diễn ra thường xuyên ở Biển Đông – vùng biển đang nóng bỏng bởi các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải giữa Trung Quốc với một loạt các nước láng giềng.
Một khi thỏa thuận giữa Mỹ và Philippines được ký kết, người ta tin rằng, thỏa thuận này sẽ là tiền đề để Philippines tổ chức nhiều cuộc tập trận chung hơn ở Biển Đông. Và không chỉ có sự tham gia của Mỹ, các cuộc tập trận này sẽ kéo thêm sự tham dự của cả hải quân Nhật Bản và Australia.
Cách đây không lâu, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gazmin cũng đã có cuộc họp đặc biệt với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori onodera. Manila được cho là cũng đang cân nhắc khả năng cho phép lực lượng Nhật Bản tiếp cận với các căn cứ quân sự của họ.
Mặc dù hai căn cứ cũ của Mỹ ở Philippines đã được chuyển đối sang mục đích thương mại từ năm 1992 nhưng một phần của hai căn cứ này vẫn đang được quân Mỹ sử dụng để tiến hành các cuộc tập trận chung với Philippines.
Những cuộc đàm phán về việc tăng cường sự hiện diện của quân lính cũng như vũ khí Mỹ trên lãnh thổ Philippines diễn ra trong bối cảnh Manila và Bắc Kinh đang tranh chấp nhau quyết liệt chủ quyền các vùng lãnh hải, lãnh thổ ở Biển Đông.
Giới quan sát tin rằng, những cuộc đàm phán đó là một phần kế hoạch của Mỹ nhằm tái triển khai phần lớn vũ khí hải quân của Mỹ từ Trung Đông sang Châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020.
Chiến lược của Mỹ khiến Trung Quốc không thể không cảm thấy bất an. Việc Philippines mở đường, giúp Mỹ tiến hành thuận lợi chiến lược của cường quốc quân sự số 1 thế giới này, đã làm Bắc Kinh thêm lo ngại. Điều đó giải thích lý do tại sao Bắc Kinh lại nổi giận đùng đùng trước cuộc đàm phán giữa Mỹ và Philippines. Đúng ngày diễn ra cuộc đàm phán trên, báo Trung Quốc đã có bài viết vừa đe dọa vừa cảnh cáo Philippines.