"Vũ khí hóa" người di cư - sai lầm chiến lược của Putin?

Đức Huy |

Trong bài phân tích đăng trên tạp chí Forbes, cây viết Anders Corr khẳng định, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin "vũ khí hóa" người di cư chống lại NATO là một sai lầm chiến lược.

Mở đầu bài viết, ông Corr nhấn mạnh Tổng thống Putin luôn nung nấu tư tưởng chống lại EU và NATO. Theo chuyên gia này, người đứng đầu nước Nga đã tạo điều kiện cho quân chính phủ Bashar al-Assad đẩy mạnh giao tranh, khiến hàng loạt người dân Syria phải di cư tới các quốc gia NATO.

Theo các thống kê không chính thức, khoảng 250.000 người Syria đã tìm đến châu Âu lánh nạn trong năm 2015, và dự kiến sẽ còn gia tăng trong năm nay.

Tổng tư lệnh binh đoàn NATO tại châu Âu, tướng Philip Breedlove, mới đây đã chĩa mũi dùi chỉ trích nhắm vào Assad và Nga, với cáo buộc liên minh này đã và đang cố ý đánh bom các khu dân cư, khiến dòng người nhập cư đổ về châu Âu, cùng với đó là hàng loạt các vấn đề phát sinh.

"Nếu Putin có ý định sử dụng người nhập cư như một loại vũ khí chống lại châu Âu, thì ông ta đã phạm phải một sai lầm chiến lược" - chuyên gia Corr nhận định.

Ông phân tích, lượng người Syria phải tới châu Âu để tránh bom Nga sẽ trở thành một nhóm lợi ích có tầm ảnh hưởng không nhỏ, có khả năng khiến một bộ phận các nước EU thân Nga thay đổi quan điểm.

Hiện nay, nếu so với Mỹ, thì EU chắc chắn thân Nga hơn rất nhiều, bởi giao thương giữa Nga và EU cao hơn hẳn giữa Nga với Mỹ.

Ông Corr chỉ ra rằng, những nhóm lợi ích dù nhỏ vẫn có khả năng khiến các nhà hoạch định chính sách phải thay đổi trong một số vấn đề nhất định. Chuyên gia này lấy ví dụ từ những gì mà Ủy ban Công vụ Mỹ-Israel (AIPAC) đã làm được trong việc biến Israel trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Washington.

Tương tự, ông Corr cho rằng hàng triệu người tị nạn tránh bom Nga tới nhập cư tại EU, một khi đã có quyền công dân, hoàn toàn có thể thiết lập các nhóm lợi ích chống lại Putin. Hiện nay, một số người nhập cư tại châu Âu đã bắt đầu làm chính trị, trong đó có việc tổ chức và tham gia biểu tình phi bạo lực thể hiện bất tuân dân sự.


Người nhập cư Syria biểu tình tại Hungary. Ảnh: AP

Người nhập cư Syria biểu tình tại Hungary. Ảnh: AP

Theo ông Corr, không loại trừ khả năng điều này sẽ tạo ra một làn sóng thay đổi trong chính sách đối ngoại với Nga của EU, sau đó có thể dẫn đến những màn đáp trả nặng tính quân sự hơn đối với Putin và Assad, như thiết lập vùng cấm bay, hay vùng đệm bảo vệ người nhập cư trên lãnh thổ Syria.

Nhóm lợi ích nói trên thậm chí còn có thể chống lại Putin bên ngoài Syria và Iraq, bằng cách công kích vào các lợi ích quốc gia khác của Nga như Crimea, đông Ukraine, và phòng vệ vùng Baltic. Họ chắc chắn cũng sẽ phản đối việc gỡ bỏ trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Hy Lạp và Hungary, 2 quốc gia trước đây khá thân thiện với Nga, đang phải chịu nhiều áp lực từ dòng người nhập cư. Diễn biến này đã có ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ ngoại giao của họ với Moscow.

Trong khi Thủ tướng Viktor Orban vẫn giữ quan điểm thân Nga, thì trong bộ máy nhà nước do ông lãnh đạo đã xuất hiện các tư tưởng phản đối Moscow. Mới đây, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã công khai ủng hộ mở rộng quy mô NATO, một tuyên bố không hề "êm tai" đối với điện Kremlin.

Dòng người di cư từ Syria tới Iraq chủ yếu lánh nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang ngày một tỏ rõ sự đối địch với Nga. Trước khi Nga can thiệp quân sự tại Syria, Ankara và Moscow thân thiện đến mức đã xuất hiện lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tách khỏi NATO - điều nếu xảy ra sẽ là thắng lợi quan trọng của Putin trước phương Tây.


Quan hệ Nga-Thổ đã từng có thời mặn nồng. Ảnh: TASS

Quan hệ Nga-Thổ đã từng có thời "mặn nồng". Ảnh: TASS

Nhưng sau khi hàng triệu người nhập cư đổ dồn tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia với dòng Sunni chiếm đa số này đã thay đổi hoàn toàn chính sách đối ngoại với Nga.

Ankara bắn hạ một chiếc Su-24 của Nga, rồi mới đây còn tính đến chuyện bắt tay cùng Saudi Arabia đem quân bộ tới Syria. Dù NATO tuyên bố sẽ không can thiệp nếu có giao tranh bên ngoài lãnh thổ một nước thành viên, thì liên minh chắc chắn cũng không thể ngồi yên nếu chiến tranh Nga-Thổ bùng phát.

Quân đội Nga có mạnh tới đâu, thì với vị trí địa lý bất lợi khi giao chiến tại Syria, cũng khó lòng có được kết quả khả quan trước một Thổ Nhĩ Kỳ có NATO chống lưng. Việc Nga không đáp trả quân sự sau vụ Su-24 cũng cho thấy Putin không muốn đẩy cao căng thẳng.

Tóm lại, theo ông Corr, việc Nga sử dụng người nhập cư như một vũ khí chống lại EU và NATO sẽ chỉ đem lại tác dụng ngược. Các nước châu Âu sẽ chịu áp lực phải cải thiện năng lực quốc phòng không chỉ để chống lại việc "vũ khí hóa" người nhập cư của Putin, mà cả mối đe dọa từ Nga đối với khu vực Baltic và Đông Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại