Từ chuyến thăm Trung Quốc của Henry Kissinger...
Bộ ngoại giao Trung Quốc lập ấn phẩm “Tình hình mới” nhằm thông báo những tình hình mới cập nhật. Nội dung kỳ 153 của ấn phẩm “Tình hình mới” năm 1973 đã khuấy động nên một "cơn bão lớn".
Tháng 6 năm đó, Tổng Bí thư đảng Cộng Sản (ĐCS) Liên Xô Leonid Brezhnev đến thăm nước Mỹ, tiến hành hội đàm với Tổng thống Mỹ Richard Nixon, đồng thời ký kết một loạt các hiệp định hợp tác.
Theo chỉ thị của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, ngày 16/6, Phó Giám đốc sở ngoại vụ Bộ ngoại giao nước này tại Mỹ là ông Trương Tái đã viết bài xã luận “Quan điểm sơ bộ về cuộc hội đàm giữa Nixon và Leonid Brezhnev”, đăng trên kỳ 153 của “Tình hình mới”.
Bài viết chỉ trích cuộc hội đàm Brezhnev-Nixon “có tính lừa đảo lớn hơn, không khí Mỹ-Xô thống trị thế giới càng trở nên nồng nặc”.
Ngày 3/7, thông qua Thứ trưởng Ngoại giao Vương Hải Dung, Chu Ân Lai được biết lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông đã chỉ trích bài phân tích trên và yêu cầu thu hồi tập "Tình hình mới" đã đăng bài.
Ngày 4, Mao có cuộc hẹn với Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn - 2 trong số "bè lũ 4 tên" thời Cách mạng Văn hóa Trung Quốc - và một số người khác.
Tại đây, Mao một lần nữa phê bình đích danh Bộ ngoại giao Trung Quốc: “Việc lớn không chịu thảo luận, việc nhỏ ngày nào cũng đưa tới. Điều này nếu không sửa cho đúng thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự 'xét lại'. Sau này xảy ra vấn đề ‘Chủ nghĩa xét lại’ thì đừng trách tôi không nói trước”.
Cuối tháng 11, đầu tháng 12/1973, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ triệu tập Hội nghị mở rộng Bộ chính trị, phê bình những sai lầm mà Thủ tướng Chu phạm phải.
“Bè lũ bốn tên” (Giang Thanh, Trương Xuân Kiều , Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn) đã nhân cơ hội này phát động cuộc đấu tố chống lại Chu Ân Lai.
Từ ngày 10-14/11/1973, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ Henry Kissinger đến thăm Trung Quốc một lần nữa. Đây là lần thứ 6 trong vòng hai năm ngắn ngủi ông quay lại Trung Quốc. Chu Ân Lai đã nhiều lần hội đàm với Kissinger.
Trong ngày thứ ba của chuyến công du, Henry Kissinger có cuộc hội kiến Mao Trạch Đông.
Tại đây, Kissinger nói: “Tôi đã công khai nói rõ với Thủ tướng [Chu Ân Lai] và Đại sứ của các ngài rằng chúng tôi cho rằng họ (Liên Xô) đặc biệt muốn hủy hoại năng lực hạt nhân của Trung Quốc”.
“Chúng tôi đã quyết định không cho phép vấn đề an ninh của Trung Quốc bị phá hoại,” Ngoại trưởng Mỹ khẳng định với ông Mao.
Mao đáp lại: “Dã tâm của họ mâu thuẫn với năng lực của chính họ”.
Theo sự lý giải của Mao, dụng ý của Henry Kissinger là: Nếu Liên Xô tấn công Trung Quốc, Mỹ đồng ý giúp đỡ Trung Quốc, chứ không phải Mỹ cảm thấy áp lực từ phía Liên Xô đối với họ mà cần đến sự giúp đỡ của Trung Quốc.
Điều này này cũng khiến Mao Trạch Đông cảm thấy bất mãn. Xin người khác giúp đỡ và khiến người khác phải xin mình là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Mao Trạch Đông đã nhấn mạnh với thế lực đối địch rằng, ông ta muốn là người thứ hai chứ không phải người thứ nhất.
Từ trái qua: Henry Kissinger, Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông
Cuộc gặp bất ngờ với Kissinger
Rạng sáng ngày 14/11, Thủ tướng Chu và nguyên soái Diệp Kiếm Anh cùng Henry Kissinger đồng cử hành cuộc hội đàm chính thức lần thứ tư, thỏa thuận về nội dung bản tuyên bố chung của song phương về kết quả hội đàm.
Trước khi kết thúc cuộc hội đàm, Kissinger đã hỏi dò: “Nếu Liên Xô chuẩn bị tiến hành tấn công theo kiểu 'phẫu thuật ngoại khoa' và có hành động hủy hoại đối với cơ sở hạ tầng hạt nhân của Trung Quốc, thì Bắc Kinh cần Mỹ làm gì?”.
Chu Ân Lai nói: “Chúng tôi còn phải suy nghĩ, chúng tôi phải báo cáo với Chủ tịch Mao, tất cả do Chủ tịch Mao quyết định”.
Cuộc hội đàm đến đây kết thúc. Tuyên bố chung Mỹ-Trung được phát biểu ngày 14, sáng ngày 15 Henry Kissinger rời Trung Quốc về nước.
Chỉ vài tiếng trước khi rời Trung Quốc, đột nhiên Ngoại trưởng Mỹ đưa ra yêu cầu muốn gặp Chu Ân Lai. Sau khi biết tin, ông Chu lập tức điện hỏi ý kiến Mao Trạch Đông rằng có thể tiến hành cuộc hội đàm này hay không?
Phản hồi lại Thủ tướng là câu trả lời: “Chủ tịch Mao vừa ngủ, phải uống mấy lần thuốc an thần mới có thể ngủ được, bây giờ nói gì cũng không thể gọi Chủ tịch dậy được”.
Ông Chu biết rõ tình hình sức khỏe của Mao, không còn cách nào khác, ông quyết định cùng Diệp Kiếm Anh hội kiến Henry Kissinger.
Trong lúc hội đàm, Kissinger một lần nữa nhắc lại câu hỏi lần trước. Thủ tướng Chu vẫn giữ nguyên ý kiến ban đầu của mình và trả lời: “Việc này cần tiến hành suy xét kỹ lưỡng hơn, đợi sau này hãy nói”, đồng thời nhấn mạnh tất cả mọi việc đều cần phải thông qua ý kiến của Mao.
Vương Hồng Văn trúng cử Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc, Phó chủ tịch trung ương ĐCSTQ khi mới 38 tuổi tại Hội nghị trung ương lần 1 khóa X ĐCSTQ, tháng 8/1973.
... Đến vụ đấu tố khủng khiếp với Chu Ân lai
Sáng 15, Chu Ân Lai đến nơi ở của Mao Trạch Đông để báo cáo tình hình cuộc hội kiến. Sau khi nghe báo cáo, ông Mao cũng không có thái độ bất thường nào.
Tuy nhiên, một ngày sau đó, ông Chu nhận được thông tin có người ở Bộ ngoại giao nói với Chủ tịch Mao rằng Thủ tướng "nói sai" trong cuộc hội đàm.
Đồng thời, nhóm Giang Thanh cùng nhau tiến hành công kích, cáo buộc Chu Ân Lai tự ý quyết định trong việc gặp Kissinger, điều này không phù hợp với nguyên tắc ngoại giao.
Phe này vin vào việc kế hoạch tiếp đón cũng không có hoạt động Henry Kissinger hội kiến Thủ tướng Trung Quốc trước khi về nước, ngoài ra còn tố Chu Ân Lai đã nói những lời “nhu nhược có tính đầu hàng” như... “cảm ơn” đối với ông Kissinger.
Mao Trạch Đông vốn đã không hài lòng với lời đề nghị “viện trợ” của Henry Kissinger, lúc này lại bị tình tiết Chu Ân Lai "gặp riêng" Kissinger chọc giận hơn.
Mao "nổi trận lôi đình" nói: "Tuyên bố Mỹ-Trung lần này chẳng ra làm sao. Có kẻ muốn cho chúng ta mượn một chiếc ô, nhưng chúng ta không cần đến chiếc ô này, bởi đây là một chiếc ô bảo hộ về hạt nhân."
Đồng thời, Mao Trạch Đông yêu cầu người chịu trách nhiệm cho vụ việc "phải bị phê bình".
Sau đó vào ngày 17/11, Thủ tướng Chu và người phụ trách Bộ ngoại giao cùng một số nhân viên có liên quan khác được triệu tập đến văn phòng của Mao.
Trong cuộc họp, ông Mao chỉ trích cuộc hội đàm Mỹ-Trung: “Đối với Mỹ phải chú ý, khi đấu tranh sẽ dễ 'tả', khi hợp tác thì dễ 'hữu'."
Ông đề nghị Bộ chính trị Trung Quốc mở cuộc họp thảo luận ý kiến, phê bình “chủ nghĩa đầu hàng hữu khuynh” trong đường lối ngoại giao của Chu Ân Lai, cùng với “sự nhu nhược hữu khuynh” của Diệp Kiếm Anh trong cuộc hội đàm Mỹ.
Tối 17, theo chỉ thị của Mao, ông Chu chủ trì triệu tập Hội nghị Bộ chính trị Trung Quốc, truyền đạt ý kiến phê bình của ông Mao đối với hội đàm Mỹ-Trung, đồng thời giới thiệu tình hình trao đổi với Henry Kissinger.
Trong Hội nghị, Giang Thanh tự cho rằng thời cơ “lật Chu” đã đến, bèn công kích Thủ tướng là người theo “chủ nghĩa đầu hàng hữu khuynh”.
Diêu Văn Nguyên công kích Chu trong cuộc hội đàm với Kissinger đã “mất quyền uy, làm nhục nước”, “chủ nghĩa đầu hàng”... Chu Ân Lai nghe vậy không thể nhẫn nhịn thêm, đã phản bác lại ngay tại hội nghị.
Về sau, khi nghe những lời “sàm tấu” của nhóm Giang Thanh, Mao Trạch Đông đã ra thêm chỉ thị triệu tập Hội nghị mở rộng Bộ chính trị Trung Quốc do Vương Hồng Văn chủ trì, phê bình “sai lầm hữu khuynh” của Chu Ân Lai và Diệp Kiếm Anh.
Từ 21/11 đến đầu tháng 12/1973, Hội nghị tiếp tục họp liên tục trong hơn mười ngày, nhiều lần tiến hành phê bình Thủ tướng. Ông Chu cũng nhiều lần làm kiểm điểm nhưng đều “không qua cửa ải”.
Chu Ân Lai nhốt mình trong văn phòng, không tiếp khách, không hội họp, không tiến hành hóa liệu, không ăn uống đúng giờ. Một nhân vật được đánh giá là hết sức chỉn chu như ông Chu, nay từ chối cạo râu, ngày đêm ngồi trước bàn làm việc viết rồi xé, xé rồi viết, viết rồi lại xé.
Do phải cúi đầu viết chữ trong thời gian lâu, mắt Chu Ân Lai bị sưng lên, mặt cũng sưng. Do phải ngồi lâu, chân và đùi của cũng bị sưng.
Cựu vệ sĩ của Chu Ân Lai là ông Cao Chấn Phổ viết trong cuốn hồi ký của mình về sự kiện trên: “Để bảo mật, nhân viên phục vụ trong hội trường Hội nghị được chỉ định gồm hai người, những người khác làm trợ lý, đứng bên ngoài chờ đợi.
Trong đó, một nhân viên phục vụ vào bên trong đưa nước, nghe thấy họ đang chỉ đích danh phê bình Thủ tướng Chu, cô ấy rất kinh ngạc, đã làm rơi một số cốc uống nước xuống sàn, vừa khóc vừa chạy ra ngoài. Về sau nhân viên này không được phép vào vào nữa, đến việc làm trợ lý cũng không được.
Vì tính đặc thù của Hội nghị, nên ba nhiệm vụ phục vụ là nhắc nhở Thủ tướng nghỉ ngơi, đưa cơm và đưa thuốc đúng giờ cho Thủ Tướng của chúng tôi đã được 'thu hẹp', chỉ còn đưa thuốc đúng giờ.
Có một lần tôi đưa thuốc cho nhân viên phục vụ, để cô ấy đưa cho Thủ tướng uống. Khi cô ấy quay ra trả lại tôi chiếc bình trống, đã né tránh ánh mắt của tôi, cúi đầu chạy vào phòng phục vụ.
Tôi cảm thấy có gì đó không bình thường, vội vàng đi theo, tôi thấy cô ấy lấy khăn tay lau nước mắt, khi quay lại nhìn thấy tôi, cô ấy không cầm được nước mắt mà khóc lên thành tiếng, nói với tôi: 'Họ vẫn đang phê bình Thủ tướng'.
Tiếp đó, cô tức giận nói: “[Một từ chửi thề], tôi không làm nữa”."
Mao Trạch Đông (giữa), Chu Ân Lai (trái) và vợ ông Chu là bà Đặng Dĩnh Siêu tại bãi biển Bắc Đới Hà, Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc năm 1954. Ảnh: ChinaFotoPress
Mao Trạch Đông phải "phanh gấp"
Bè lũ Giang Thanh phê bình Chu Ân Lai, mục đích nhằm thừa cơ lôi kéo quyền lực chính trị về phía mình.
Phải đến giai đoạn vô cùng khó khăn đối với Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông mới phát hiện ra ý đồ thực sự của bè lũ Giang Thanh là muốn “lật Chu”.
Đây không phải là ý định ban đầu của Mao, quan điểm của ông là "có thể phê bình, nhưng không được lật đổ" Chu Ân Lai.
Đặc biệt, nếu Thủ tướng Chu tiếp tục không trở lại chức vụ của mình thì nền kinh tế, chính trị cũng như công tác thường nhật của Trung Quốc sẽ trở nên hỗn loạn.
Ngày 9/12/1973, sau khi tiếp khách xong, Mao Trạch Đông nói với Chu Ân Lai: “Ông bị phê bình rồi, tôi nghe nói họ phê bình ông rất nhiệt tình”.
Trong ngày hôm đó, Mao tìm người chủ trì Hội nghị Vương Hồng Văn để thông báo dừng việc phê bình Chu Ân Lai.
Cuốn "ĐCSTQ 40 năm cầm quyền" do NXB Tư liệu lịch sử ĐCSTQ xuất bản năm 1998 dẫn lời Mao Trạch Đông nói với Vương: “Hội nghị lần này tổ chức rất tốt... chỉ là có người đã nói nhầm hai câu.
Một là nói về 'cuộc đấu tranh đường lối lần thứ 11', không nên nói như vậy, mà trên thực tế cũng không phải như vậy.
Hai là nói Thủ tướng 'nôn nóng vội vã'. Không phải Thủ tướng Chu nóng vội mà bản thân Giang Thanh mới là người nóng vội!”
Rất rõ ràng, Mao Trạch Đông đã kịp thời "phanh xe" trong vấn đề phê bình Chu Ân Lai. Thông báo với Vương Hồng Văn tương đương với mệnh lệnh: Vụ đấu tố Chu Ân Lai trong 23 ngày, từ 17/11 đến 9/12/1973 đã chấm dứt.
Một số đoạn trong cuốn “Hồi ký vệ sĩ Chu Ân Lai” của Cao Chấn Phổ: “Hội nghị được tổ chức liên tục, không khí trong hội trường trở nên vô cùng căng thẳng, có khi họp liền một mạch 7-8 tiếng. Chúng tôi chờ đợi bên ngoài cũng vô cùng lo lắng, bất an.”
“Cuộc họp kép dài liên tục nhiều ngày, hôm nay theo như thường lệ 8 giờ bắt đầu. Điều bất ngờ là, hội nghị chỉ tiến hành trong vòng 3 tiếng đã kết thúc. Lần này người bước ra đầu tiên không phải Thủ tướng Chu.
Người đi ra đầu tiên là các Bộ trưởng, khuôn mặt buồn bã của họ không thấy đâu nữa, mà hiện rõ nụ cười, nhìn thấy tôi thì chủ động chào hỏi: Anh khỏe không?
Tiếng chào hỏi ấy khiến trong lòng tôi lúc đó cảm thấy vô cùng ấm áp, tôi đoán cuộc họp này sắp kết thúc rồi...
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Vương Hải Dung vui cười nói với tôi: “Anh lại được ăn tiệc rồi”.
Bà có ý tiết lộ với tôi rằng Thủ tướng Chu lại có thể tiếp khách. Tâm trạng lo lắng, bồn chồn của tôi giờ cũng được thoải mái hơn hẳn.”
Tư liệu trong bài trích từ “Đồng Châu cộng tiến” - tạp chí ra hàng tháng do Ủy ban Chính hiệp tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc chủ quản, kỳ 9 năm 2015.