Mặc dù giới chức Mỹ chưa đưa ra thông tin chính thức về nghi phạm liên quan tới vụ đánh bom kép tại giải chạy Boston Marathon, song truyền thông Mỹ đã dấy lên những đồn đoán rằng kẻ tình nghi là một sinh viên người Hồi giáo, mang quốc tịch Ả Rập Xê-út.
Thủ lĩnh Hồi giáo cực đoan tại Jordan Mohammad al-Chalabi công khai bày tỏ thái độ hài lòng với hành động này của hung thủ: "Máu của người Mỹ không quý giá hơn máu của người Hồi giáo… Hãy để người Mỹ cảm thấy nỗi đau chúng tôi phải chịu đựng khi quân đội của họ xâm chiếm Iraq và Afghanistan, giết hại nhân dân chúng tôi ở đó".
Ngược lại, cộng đồng Hồi giáo ôn hòa tại nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ sự đồng cảm với các nạn nhân cũng như nỗi lo lắng xung quanh những đồn đoán về tôn giáo của hung thủ. Bởi họ nhận thức rõ ràng rằng bất cứ khi nào một cuộc đánh bom xảy ra, Mỹ sẽ nghĩ ngay tới những người Hồi giáo cực đoan. Hòa bình, chứ không phải là thương vong hay chiến tranh, mới là những điều họ thực sự mong chờ.
Nhiều thành viên người Hồi giáo trên các mạng xã hội đã cầu nguyện để hung thủ của vụ đánh bom không phải là người thuộc cộng đồng họ.
Hend Amry, một người Hồi giáo đã viết trên Twitter rằng: “Đừng là “Người Hồi Giáo”. Thông điệp của cô đã được hơn 100 người sử dụng khác chia sẻ lại, bao gồm cả những nhà báo và những nhà văn nổi tiếng đến từ thế giới đạo Hồi.
Cố vấn truyền thông xã hội tại Dubai Iyad El-Baghdadi, người Hồi giáo, đã chia sẻ trên trang Twitter: “Trong danh sách những người Hồi giáo tôi biết, thật tốt khi biết rằng hầu hết bình luận đều bày tỏ sự đồng cảm”.
Qasim Rashid, chủ tịch Hội nhà văn Hồi Giáo tại Mỹ bày tỏ trên Twitter: “Dù cho ai là thủ phạm, không tôn giáo nào có thể biện minh cho hành vi bạo lực này. Chúng ta phải luôn đoàn kết chống lại chủ nghĩa cực đoan”.
Ngày 12/9 năm ngoái, sau khi những binh sĩ đạo Hồi tấn công trụ Đại sứ quán Mỹ tại Benghazi (Libya) khiến đại sứ Mỹ Chris Stevens và 3 người khác thiệt mạng, người Hồi giáo địa phương đã tập trung để biểu tình.
Các gia đình người Libya giương cao biểu ngữ bằng tiếng Ả rập và tiếng Anh: “Benghazi phản đối khủng bố”, “Sát nhân và những kẻ giết người không được phép xuất hiện dù ở Benghazi hay bất cứ mảnh đất Hồi giáo nào”, “Chris Stevens là Bạn của tất cả người dân Libya.”
Một bức ảnh chụp cậu bé tay nắm tấm bảng viết tay đề “Xin lỗi nhân dân Mỹ, đây không phải hành động của người dân đạo Hồi”. Một cuộc diễu hành mang sắc thái tích cực cũng được tổ chức ở Tripoli.