Trong bài viết có tiêu đề “Việt Nam – Bước ngoặt trong chiến lược châu Á của Hoa Kỳ”, tác giả là tiến sỹ Ilya Ushov – chuyên gia lĩnh vực lịch sử các nước Đông Nam Á của RISS đã “mượn” chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để dẫn giải cho nhận định của mình.
Tiến sỹ Ushov cho biết, kể từ khi chính thức bình thường hóa quan hệ, mối bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước tiến đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Nếu năm 1994 (một năm trước khi 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao), khối lượng trao đổi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ đạt khoảng 200 triệu USD thì đến năm 2012, con số này đã gấp hơn 100 lần (đạt 24,5 tỷ USD). Hiện, Việt Nam chiếm vị trí thứ 29 trong danh sách các đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ trong khi nước này là bạn hàng kinh tế lớn thứ 2 của Việt Nam.
Không thể phủ nhận mối quan hệ với Hoa Kỳ rất có lợi cho kinh tế Việt Nam. Thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 14,8 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ đã đạt 7,5 tỷ USD. Hoa Kỳ còn là 1 trong 5 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, sau các nền kinh tế lớn của châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Việc kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng chậm lại trong năm 2012 đã khiến các nhà lãnh đạo quốc gia phải tìm kiếm biện pháp kích thích xuất khẩu và tìm kiếm nguồn đầu tư mới, trong đó giải pháp tham gia “Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương - TPP” mà Hoa Kỳ là một thành viên được chú trọng rất nhiều. TPP cũng là một trong những chủ đề lớn trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang hôm 25/7 vừa qua.
“Dĩ nhiên, ngoài mục đích kinh tế thuần túy, Washington còn theo đuổi tham vọng biến TPP thành một tổ chức thương mại thay thế mô hình ASEAN+3 (khối kinh tế gồm ASEAN và Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc) do Bắc Kinh khởi xướng”, tiến sỹ Ilya Ushov bình luận.
“Việc tăng cường quan hệ với Việt Nam được xem là bước ngoặt chiến lược của Hoa Kỳ về phía Đông Á. Các nước thành viên của ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, đang ngày càng có vị thế quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Điều này được thể hiện thông qua các phát biểu gần đây của các quan chức cấp cao Mỹ và các cuộc đối thoại chính trị dày đặc giữa Hoa Kỳ với các nước ASEAN. Trong loạt sự kiện này, các chuyến thăm hay dừng chân tại Hà Nội trên đường công du châu Á của các quan chức Hoa Kỳ là điều rất đáng quan tâm”, Ilya Ushov nói tiếp.
“Một chi tiết, tuy khá kín đáo nhưng được giới quan sát quốc tế rất quan tâm và đánh giá cao là việc Nhà Trắng đang dành sự hậu thuẫn khá mạnh cho Việt Nam trong việc bảo vệ lập trường của Hà Nội trong các khu vực tranh chấp xung quanh các quần đảo ở Biển Đông. Điều này thể hiện tại cuộc gặp cấp cao giữa 2 nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ tại Washington, vấn đề Biển Đông đã được đưa vào trọng tâm của cuộc thảo luận.
Kết thúc hội đàm, Chủ tịch Trương Tấn Sang tuyên bố Việt Nam đánh giá cao và hoan nghênh sự hậu thuẫn của của Hoa Kỳ trong vấn đề này, đặc biệt là sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với việc soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ông Trương Tấn Sang cũng mời Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam trong năm 2013”.
Có một vấn đề mà nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ chưa thể đi đến một kết luận chung là việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sát thương cho Việt Nam mà Mỹ vẫn áp dụng bấy lâu nay. Trong nội bộ chính giới Mỹ, đã có nhiều tiếng nói, kiến nghị Nhà Trắng cần xem xét dỡ bỏ lệnh cấm vận “đã quá lỗi thời và tổn hại tới lợi ích Mỹ” này.
Nhưng chuyên gia Ilya Ushov nhận định, việc Mỹ tiếp tục duy trì lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam lại là tin vui với Nga. Hiện nay, thị phần của Nga trên thị trường vũ khí Việt Nam chiếm đến 92,5% và theo đánh giá của các chuyên gia, đến năm 2015, thị phần đó sẽ lên đến 97,6%. Nga và Việt Nam đang tăng cường quan hệ trong cả các lĩnh vực kinh tế - thương mại.
Các cuộc đàm phán về việc thành lập khu tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan) đang đi đến giai đoạn cuối cùng. Các hoạt động trực tiếp giữa 2 nước cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.