Trong hoàn cảnh hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) nhận ra họ đang bị "thiệt đơn thiệt kép" sau khi đổ một khoản tiền lớn vào Ukraine mà không mong ngày nhận lại, trong khi mối quan hệ với Nga thì ngày càng căng thẳng, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích kinh tế của cả Moscow và châu Âu.
Hôm 27/4, tại Kiev, giới chức EU và Ukraine đã tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh chính thức đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát.
Điều đáng nói, nội dung trong cuộc họp này xoay quanh câu chuyện về lòng tin đang rạn nứt giữa Ukraine và các quốc gia láng giềng phương Tây.
Mối quan hệ giữa Brussels và Kiev đang ngày càng căng thẳng liên quan tới chuyện EU dường như không muốn giải quyết các yêu cầu của Ukraine.
Trong đó, Kiev yêu cầu EU đẩy nhanh quá trình cấp visa cho công dân nước này; điều động lực lượng gìn giữ hòa bình của EU tới miền đông Ukraine để phối hợp hành động cùng Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE); cũng như giải đáp lời kêu gọi của Tổng thống Petro Poroshenko về việc mở đường để Ukraine nhanh chóng được kết nạp và trở thành một thành viên của EU.
Tuy nhiên, phát biểu sau cuộc họp này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định EU sẽ không cử quân đội tới đây dù giao tranh bùng phát trở lại.
“Chúng tôi chỉ có thể nói về các sứ mệnh dân sự chứ không phải quân sự”, BBC dẫn lời ông Tusk.
Giới quan chức hàng đầu EU thừa nhận họ lo sợ tính mạng của các nhân viên tham gia nhóm gìn giữ hòa bình của EU điều động tới Kiev, sẽ bị đe dọa dưới làn mưa bom bão đạn từ các lực lượng thân Nga ở miền đông Ukraine.
Căng thẳng chính sự leo thang cũng chính là lý do khiến 28 nhà ngoại giao EU tham gia cuộc họp thượng đỉnh tại Kiev, hối thúc chính quyền Ukraine trao quyền tự trị cho các khu vực ly khai ở miền đông nước này.
Mặc dù, trong một năm qua, mối quan hệ giữa Ukraine và EU không ngừng được thắt chặt khi hai bên đều có chung quan điểm cho rằng Nga đang có những hành động can thiệp và hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine trong cuộc chiến chống lại quân chính phủ Kiev.
Và cuộc chiến này đã khiến cơ hội tồn tại của thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, giờ đây, châu Âu lại đang tỏ ra hoài nghi trước những lời cam kết từ phía chính phủ Ukraine trong tiến trình cải cách các vấn đề trong nước như kinh tế và chính trị.
Thậm chí, phương Tây cho rằng trong tương lai, họ sẽ lại phải gồng mình để viện trợ thêm tài chính cho Kiev và lo sợ mối quan hệ căng thẳng với Nga tái bùng phát.
Từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraine đến nay, EU đã chi ra hơn 1 tỷ euro viện trợ cho Kiev và số tiền này đã được hoàn tất vào cuối năm 2014. Kể từ đó, chưa có thêm bất kỳ thông tin viện trợ kinh tế nào được EU thông báo.
Điều này cho thấy cuối cùng, EU cũng đã bắt đầu phủi tay với cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ban đầu, EU quả quyết không can dự vào vấn đề quân sự và bây giờ là lĩnh vực tài chính ở Ukraine.
"Chúng ta đang ở trong giai đoạn chờ đợi. Phương Tây đang chờ Ukraine đưa ra ý tưởng rõ ràng về việc quốc gia này sắp làm gì và liệu rằng Kiev có nghiêm túc tiến hành cải cách. Liệu rằng Ukraine có thể trở thành một đối tác đáng tin cậy của EU.
Và dĩ nhiên, EU còn đang chờ động thái của Nga ở miền đông Ukraine", tờ Wall Street Journal dẫn lời học giả Ulrich Speck tại Viện nghiên cứu các mối quan hệ quốc tế Carnegie Europe ở Brussels.
Do đó, có thể nói rằng, đối với Brussels, cuộc họp hôm 27/4 là cơ hội để EU tính tới chuyện rút lui dần khỏi cuộc chiến ở Ukraine.
Bản thân các quan chức EU cũng thừa nhận rằng quá trình xem xét cấp visa cho công dân Ukraine hiện đang tạm dừng bởi Kiev đã mất quyền kiểm soát các khu vực biên giới phía đông trong quá trình giao tranh với lực lượng ly khai thân Nga.
Và theo thỏa thuận Minsk 2, sớm nhất là tới tháng 12 năm nay, Ukraine mới nhận lại được quyền kiểm soát các khu vực biên giới trên khi Moscow trao trả lại cho Kiev.
Con đường gia nhập EU của Ukraine cũng không mấy sáng sủa. Ngay cả trong giai đoạn đỉnh điểm khủng hoảng ở Ukraine, cũng chỉ có một vài quốc gia trong EU bàn thảo tới chuyện đưa Kiev gia nhập liên minh.
Ngoài ra, mới chỉ có một nửa chính phủ các nước EU đồng thuận thông qua thỏa thuận hợp tác kinh tế và chính trị với Ukraine.
Điều đáng nói, giới chức Kiev còn đang lo ngại khả năng EU sẽ lắng nghe yêu cầu của Nga để tái đàm phán về những tổn thất kinh tế mà cả Moscow và phương Tây phải hứng chịu liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine.
Trong đó, Thủ tướng Italia Matteo Renzi khẳng định, Italia có thể đóng “vai trò chiến lược” trong việc làm cầu nối quan hệ Nga - EU.
Thủ tướng Renzi cho rằng trong các mối quan hệ với Moscow, EU không nên suy nghĩ quá nhiều về những biện pháp trừng phạt mà nên suy nghĩ làm thế nào để phát triển mối quan hệ chiến lược với Nga trong giai đoạn tới.
Nhà lãnh đạo Italia cũng phủ nhận khả năng quan hệ giữa EU và Nga sẽ trở lại thời Chiến tranh Lạnh.
Câu chuyện về nạn tham nhũng ở Ukraine cũng là lý do khiến EU chính thức ngừng cung cấp hàng tỷ USD hỗ trợ tài chính cho Kiev.
Một số quan chức EU cho rằng liên minh này sẽ còn phải đối mặt với một viễn cảnh tồi tệ là nếu như Ukraine thất bại trong công cuộc cải cách và cuộc chiến ở miền đông tái bùng phát, Kiev sẽ tiếp tục ngập trong nợ nần và EU lại phải viện trợ cho Ukraine số tiền không hoàn trả lên tới 3,22 tỷ USD.
Do đó, thay vì xông xáo gánh trách nhiệm, trừng phạt, bơm tiền và hậu thuẫn, EU đang từng bước thoái lui khỏi một Ukraine đổ nát.
Hồi cuối tháng Ba, ông Thornbjorn Jagland, Tổng thư ký Hội đồng châu Âu, cơ quan đang tham vấn cho chính phủ Ukraine về quá trình cải cách hiến pháp, đã nhấn mạnh rằng nội bộ chính phủ Kiev vẫn đang bất đồng về việc phân quyền tự trị cho các khu vực ly khai.
Bản thân Tổng thống Poroshenko khẳng định ông này sẽ không chấp nhận những yêu cầu của Nga về việc "liên bang hóa" tại quốc gia này.
Thay vào đó, ông Poroshenko cho biết ông sẽ trao quyền tự trị cho các tỉnh miền đông theo cách của riêng mình.
Còn theo ông Jagland, nếu như Kiev không tiến hành cải cách thể chế, không trao quyền tự trị cho các khu vực ly khai, chắc chắn Ukraine sẽ vẫn chìm trong chiến tranh và kinh tế không thể phục hồi.
Khi Ukraine không thể khôi phục nền kinh tế đang trong nguy cơ phá sản, các nước giúp đỡ quốc gia này sẽ phải chịu cảnh "mua chịu bán chịu" cho Kiev.
Đó là lý do khiến Ukraine yêu cầu Nga tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu cho nước này từ ngày 1/5 khi các nước EU bao gồm Hungary, Ba Lan, Slovakia ngừng hoặc cắt giảm nguồn cung cho Kiev.
Theo Giám đốc điều hành Gazprom Aleksey Miller, hôm 30/4, nguồn cung cấp khí đốt từ Nga cho Ukraine chỉ dưới mức 9,2 triệu m3. Con số này đã tăng lên thành 19,7 triệu m3 trong 2 ngày 1- 2/5.
Trước đó, trong một tuyên bố hôm 1/4, Tổng thống Poroshenko đã khẳng định Ukraine sẽ không mua khí đốt của Nga.
Thay vào đó, "những người bạn phương Tây" đã quyết định bán khí đốt cho Ukraine. Nhưng Ukraine sẽ lấy tiền ở đâu để mua khí đốt của EU trong khi bản thân EU cũng đang mua khí đốt từ Nga.
Điều này đồng nghĩa với việc châu Âu phải bỏ tiền túi mua khí đốt của Moscow, và tiếp tục san sẻ cho Kiev. Do đó, để tránh rơi vào vòng xoáy nợ nần của Ukraine, EU đã chọn giải pháp rút lui trước.